Duyên Dáng Việt Nam

10 điều căn bản về ăn uống cha mẹ nên dạy con

Hoa Hà • 20-10-2020 • Lượt xem: 1114
10 điều căn bản về ăn uống cha mẹ nên dạy con

Đã bao giờ bạn cảm thấy xấu hổ về cách cư xử của con mình trong một bữa tiệc đông người? Đã bao giờ bạn cảm thấy tức giận vì hành động không nên có của con bạn trong bữa ăn? Chắc chắn ông bố bà mẹ nào cũng sẽ gặp phải những lần bực tức như thế. Vì vậy, điều cần thiết là phải dạy cho con cái mình những điều căn bản về ăn uống. Quy tắc bàn ăn, cách cư xử trên bàn ăn rất quan trọng, nó ảnh hưởng tới việc hình thành tính cách mỗi người.

 

Hãy dạy trẻ những điều căn bản sau đây, để hình thành thói quen tốt cho trẻ:

 Tham dự bữa ăn với bàn tay và khuôn mặt sạch sẽ

Patricia Rossi, tác giả của cuốn "Các nghi thức hàng ngày", khuyên mọi cha mẹ hãy dạy con luôn tắm rửa sạch sẽ trước khi ăn tối. Điều này không chỉ thể hiện sự tôn trọng đối với người chuẩn bị bữa ăn cũng như những người khác trong bàn ăn mà còn là một thói quen vệ sinh lành mạnh.

Ngồi vào bàn ăn một cách nghiêm túc

Trẻ con thường rất hiếu động, thế nhưng cha mẹ phải rèn cho trẻ thói quen nghiêm túc trong bàn ăn. Không ngọ nguậy, không đi linh tinh, không làm việc riêng, ngồi thẳng lưng trên ghế và chỉ tập trung vào bữa ăn mà thôi.

Hãy tạo cho trẻ thói quen ăn ra ăn, chơi ra chơi. Nếu trong bữa ăn, các con trêu ghẹo nhau, cười đùa với nhau, và khi được yêu cầu con im lặng nhưng con không nghe lời, cha mẹ có thể yêu cầu con phải chấm dứt bữa ăn tại đó.

Không sử dụng điện thoại di động, thiết bị điện tử trên bàn ăn

Để trẻ chịu ăn, ăn được nhiều, một số ông bố bà mẹ đã dùng điện thoại, ti vi, hoặc máy tính cho con xem phim, chơi game... Thế nhưng vừa ăn vừa tập trung vào các thiết bị điện tử rất nguy hiểm. Trẻ sẽ không cảm nhận được mùi vị thức ăn như thế nào, không có phản xạ nhai nuốt, rất dễ bị đau dạ dày. Không sử dụng các thiết bị điện tử  nên là một nguyên tắc bất di bất dịch.

Quan sát mọi người khi ăn

Dạy con chờ cho đến khi mọi người đã vào hết trong bàn ăn. Nói với con bạn rằng, hãy quan sát mọi người. Không bao giờ bắt đầu ăn nếu một thành viên nào đó chưa ngồi vào chỗ.

Biết dọn bàn ăn

Trẻ có thể chưa thể cùng mẹ nấu thức ăn, nhưng dọn bàn ăn trước và sau khi ăn là điều bắt buộc con phảm biết làm.

Hãy dạy con sắp xếp, bài trí chén, đũa trên bàn ăn; dùng khăn sạch lau chén bát trước khi ăn. Sau khi ăn xong, hãy giúp đỡ bố mẹ dọn bát đũa vào bồn rửa, và lau sạch bàn ăn.

Ăn một cách lịch sự

▪ Hãy mời khách, người lớn ăn trước

▪ Nhai bằng miệng và không nói khi miệng đã đầy là hai quy tắc cơ bản của cách cư xử tốt trên bàn ăn.

▪ Hãy dạy con bạn cắn từng miếng nhỏ và không bao giờ nuốt hết phần thức ăn lớn vì hành vi đó là mất lịch sự và có thể gây hóc cho trẻ.

▪ Không ngắt lời khi người khác đang nói. Nếu muốn nói, hãy chờ cho đến khi người khác đã nói xong lời của mình.

▪ Không bao giờ cố với ra xa hoặc nhoài người ra để gắp thức ăn. Nhắc con bạn không bao giờ với tay qua bàn để lấy thứ gì đó. Hãy tạo thói quen nhờ người cùng bàn chuyển dùm thức ăn ở xa mình với lời nói lịch sự. (Làm ơn hãy cho con xin, bố/mẹ có thể lấy hộ con được không ạ, con xin, con cảm ơn...)

▪ Luôn đẩy ghế của con vào khi kết thúc bữa ăn. Khi con bạn đứng dậy khỏi bàn, chúng nên đẩy ghế dựa lưng vào bàn.

Biết nói lời cảm ơn

Khi con nhận thức ăn của mình hãy nói lời cảm ơn. Đây là một điều quan trọng con bạn nên thường xuyên tập để hình thành thói quen tốt cho trẻ. Có như thế thì khi tới nhà người khác, hoặc khi đi ăn cơm khách con sẽ biết nói cảm ơn với mọi người.

Nếu bạn đang ở một nhà hàng, hãy dạy con bạn giao tiếp bằng mắt với người phục vụ và nói “cảm ơn”.

Không lựa chọn và chê bai thức ăn

Trẻ con thường rất kén chọn thức ăn. Phần lớn chúng không thích ăn rau, một số đứa thích ăn thịt và không thích ăn cá hoặc chúng chỉ thích ăn cơm mà không có thức ăn... Điều đó không có nghĩa là bố mẹ phải chiều theo sở thích của bọn trẻ. Hãy đa dạng trong nấu nướng để cân bằng dinh dưỡng cho gia đình. Điều đó đồng nghĩa với việc trẻ không có quyền được lựa chọn thức ăn.

Hãy nói cho con biết rằng nếu con cảm thấy món nào đó là ngon, đừng cố ăn cho bằng hết món đó, hãy nhường món ngon đó cho người khác ăn cùng.

Trong bữa ăn, người nấu đã chuẩn bị những món gì, dù ít hay nhiều, trẻ cũng phải ăn những món đó, với thái độ vui vẻ, không chê bai. Nếu món nào trẻ cảm thấy không ngon, trẻ có thể ăn ít đi một chút, nhưng tuyệt đối không được nói rằng món này không ngon, món kia dở. Điều đó là không tôn trọng người đã vất vả làm ra món ăn cho mình.

Tự chọn món ăn cho mình

Nếu ở nhà hàng, hãy khuyến khích con mình tự gọi món. Với những món trẻ tự gọi, chúng phải “chịu trách nhiệm” ăn hết suất của mình, không đổi sang món khác khi đã gọi.

Ở nhà, mỗi tuần một lần bố mẹ có thể cho trẻ được yêu cầu món chúng yêu thích. Với những bạn lớn, chúng có thể được tự chuẩn bị thức ăn. Tuy nhiên, bố mẹ nên định hướng để con chọn những món lành mạnh, tốt cho sức khỏe.

Đừng bao giờ bỏ thức ăn thừa

Bố mẹ cần phải giải thích cho con hiểu thế nào là lãng phí, hậu quả của việc lãng phí thức ăn như thế nào. Nếu con cảm thấy không đói, con có thể lấy đồ ăn cho mình ít đi, tuyệt đối đừng bao giờ bỏ thức ăn thừa.

Trong các bữa tiệc buffet, con hãy lấy lượng thức ăn vừa đủ cho bản thân mình, không lấy quá nhiều nếu con không thể ăn hết. Dành phần thức ăn cho người khác là phép lịch sự tối thiểu mà con cần phải được dạy.