Duyên Dáng Việt Nam

11 Ngôn ngữ xã giao của Nhật Bản

Quyên Hà • 04-08-2020 • Lượt xem: 603
11 Ngôn ngữ xã giao của Nhật Bản

Nhật Bản vốn là điểm đến du lịch hấp dẫn với du khách từ khắp nơi trên thế giới, nhưng với văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều du khách cảm thấy khá lạ lẫm với những ngôn ngữ xã giao nơi đấy. Để chuẩn bị chu đáo cho chuyến du lịch lần đầu tiên đến với “Đất nước mặt trời mọc”, hãy cùng đặt mình vào 11 tình huống xã giao bạn rất có thể phải đối mặt khi đến đây.

1.Bỏ giày dép ngoài cửa

Tại một số điểm du lịch và nhà riêng, khách du lịch sẽ được yêu cầu cởi bỏ giày dép ngoài cửa, đặc biệt là những nơi có trải chiếu Tatami. Làm sao để xác định được nơi nào thì nên cởi bỏ giày dép, nếu bạn nhìn thấy cạnh cửa có trải sẵn chiếu tatami và có những đôi giày đã đặt gọn gàng ngay bên cạnh thì đó chính là gợi ý khá rõ ràng bạn nên cởi giầy. Ngoài ra, một số khách sạn hay nhà riêng sẽ chuẩn bị sẵn dép đi trong nhà để bạn thay.

2.Cúi chào khi gặp mặt

Việc cúi người ở Nhật mang nhiều ý nghĩa trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, tuy nhiên bạn không cần quá lo lắng, người Nhật không mong chờ khách du lịch cư xử như người bản xứ mọi lúc mọi nơi. Về cơ bản, việc cúi chào thể hiện sự kính trọng với người bạn gặp mặt. Tùy thuộc hoàn cảnh mà đó có thể chỉ là một cái gật đầu hay cúi gập cả người.

Bạn càng cúi gập người và cúi càng lâu thì nghĩa là bạn càng kính trọng người đối diện, nhưng không có nghĩa lần nào gặp mặt bạn cũng phải cúi. Hãy nhớ đừng vừa cúi người vừa chắp tay trước ngực, vì đó chắc chắn không phải phong tục ở đất nước Nhật Bản.

3.Đừng cho tiền boa

Tip tiền hay boa cho nhân viên phục vụ là văn hóa ở khá nhiều nước và cũng phổ biến ngay cả ở Việt Nam. Nhưng ở Nhật Bản, theo lẽ thường bạn sẽ không phải boa cho nhân viên, đặc biệt là trong các nhà hàng, khách sạn và dịch vụ taxi truyền thống. Khi thanh toán, bạn có thể không yêu cầu họ trả lại tiền lẻ nếu muốn, nhưng không cần boa thêm cho họ.

Đó là đối với những dịch vụ truyền thống, nhưng có thể sẽ khác nếu bạn ở những chuỗi khách sạn lớn mang thương hiệu quốc tế hay tiêu dùng tại những nhà hàng, dịch vụ du lịch đã Mỹ hóa hay theo tiêu chuẩn Mỹ.

4.Tặng quà kẹo bánh

Khi đến các nhà ga và sân bay tại Nhật, khách du lịch sẽ bắt gặp các cửa hàng quà lưu niệm đầy ắp bánh kẹo và đặc sản địa phương. Nếu bạn có đến thăm nhà người quen hay bạn bè tại Nhật, thì mang theo quà tặng là kẹo bánh hay đặc sản địa phương là lựa chọn hàng đầu. Đừng mua những thứ đồ mỹ nghệ như nam châm hay cốc chén, mọi người thường mong chờ những món quà bánh kẹo đơn giản như snack vị matcha hay mochi.

5.Tiếng húp sì sụp khi ăn mỳ

Trong văn hóa Nhật, tiếng húp sì sụp khi ăn mỳ không chỉ là văn hóa thông thường, đó còn là dấu hiệu thể hiện bạn đang có một bữa ăn ngon. Khi ăn súp hay mỳ, tiếng húp sùm sụp vừa phải là tiêu chuẩn, nhưng nếu bạn lo lắng mình có thể tạo ra tiếng động quá lớn, bạn có thể để ý một chút xem các thực khách khác ồn ào tới đâu.

Tuy nhiên, tiếng ợ hơi và tiếng nhai thức ăn quá ồn vẫn bị đánh giá là bất lịch sự tại Nhật.

6.Đừng đóng sập cửa taxi

Khách du lịch sẽ khá ngạc nhiên khi bắt gặp nhưng cánh cửa xe hơi tự động tại Nhật. Lúc đầu du khách có thể khá lúng túng và phải mất thời gian làm quen với những cánh cửa này, nhưng hãy nhớ đừng đóng sập cửa khi ra khỏi xe. Nếu bạn làm thế, rất có thể sẽ gặp những ánh mắt ngạc nhiên từ tài xế taxi đó.

7.Trao đổi danh thiếp

Việc trao và nhận danh thiếp khi gặp đối tác kinh doanh tại Nhật không đơn giản như ở các nước khác. Người Nhật rất coi trọng hành động trao đổi danh thiếp. Họ mong chờ bạn trao và nhận danh thiếp bằng hai tay và hơi cúi người một chút.

8.Mặc Kimono đúng cách

Thoạt nhìn ai cũng nghĩ mặc Kimono chắc không có gì là thử thách. Chỉ cần mặc lê, đắp 2 tà áo chồng lên nhau và buộc lại là xong. Thật ra, nó cũng gần như vậy. Tuy nhiên, bạn cần biết có rất nhiều loại Kimono cho từng sự kiện, trang trọng hay hàng ngày, cho phụ nữ đã kết hôn hoặc độc thân. Nhưng cũng như việc cúi chào, bạn không cần hiểu biết về tất cả.

Bạn chỉ cần biết một số mẹo cơ bản như, kimono cho cả đàn ông và phụ nữ đều theo quy tắc đắp tà bên phải ra ngoài cùng. Với một vài loại Kimono, bạn sẽ nhận ra ngay nếu mặc sai, vì việc mặc sai sẽ khiến hình dáng kimono nhìn khá kỳ cục.

9.Quy tắc dùng đũa

Việc dùng đũa sẽ là một thách thức với du khách phương Tây, nhưng khá đơn giản với những du khách Châu Á như người Việt. Tuy nhiên, có một vài lưu ý bạn nên biết để tránh. Cũng giống như văn hóa Việt, cắm đũa dựng đứng trên đồ ăn, đặc biệt là cơm, là tuyệt đối cấm kỵ vì nó làm liên tưởng tới hình ảnh bát hương hay đám ma.

Ngoài ra, không giống như người Việt, người Nhật không dùng đũa để xắn thức ăn. Nếu cần xắn nhỏ những đồ ăn có kích thước lớn như tempura, bạn chỉ cần gắp cả miếng và cắn một phần. Khi ăn xong, nhớ đặt đũa trước mặt, đầu đũa hướng về bên trái.

10.Tắm nước nóng Onsen

Với những du khách không quen tắm nơi công cộng, tắm nóng Onsen có thể sẽ là trải nghiệm không mấy dễ chịu. Tắm nóng Onsen là loại hình tắm nước nóng truyền thống mà mọi người đến đây đều sẽ tắm khỏa thân trong phòng tắm nam riêng hoặc nữ riêng. Nhiều du khách sẽ cảm thấy khá lạ lẫm và lo lắng về vấn đề vệ sinh. Nhưng mọi người sẽ phải tắm rửa kỹ trước khi bước vào bồn tắm chung.

Đầu tiên bạn sẽ vào phòng thay đồ, cởi bỏ quần áo và đồ đạc cá nhân, chỉ quấn theo một chiếc khăn tắm vào phòng tắm đứng. Trong phòng tắm đứng có trang bị mũ tắm, xà bông và dầu gội, bạn sẽ tắm rửa sạch sẽ trước khi vào tắm nóng.

Du khách có thể ra vào bể tắm nóng bao nhiêu lần tùy thích, miễn là bạn tắm rửa sạch sẽ trước khi ra vào.

11.Phép lịch sự trên tàu

Có một vài quy tắc ứng xử khá đơn giản, nhưng đáng để chú ý khi bạn đi tàu điện ngầm ở Nhật. Đó là bạn không nên ăn uống hay nói chuyện điện thoại trên khoang hành khách, có những khoang riêng dành cho các hoạt động này. Các quy tắc ứng xử thông thường khác vẫn áp dụng tại đây.Hi vọng rằng vài nét cơ bản trong quy tắc ứng xử hàng ngày trên đây sẽ cho bạn những cái nhìn thú vị về văn hóa truyền thống Nhật Bản và có thể giúp ích cho bạn trong những chuyến đi công tác hoặc du lịch tại “Đất nước mặt trời mọc”.