Duyên Dáng Việt Nam

45% thực phẩm toàn thế giới bị lãng phí vì hình dáng "xấu xí"

Cẩm Tú • 27-07-2020 • Lượt xem: 1808
45% thực phẩm toàn thế giới bị lãng phí vì hình dáng "xấu xí"

Câu nói "Thức ăn ngon trong mắt người ăn uống" chưa bao giờ sai, khi mà thực tế, một phần ba trái cây và rau quả thậm chí chưa bao giờ được đưa lên kệ, chỉ vì chúng có ngoại hình "xấu xí". 

25% - 30% số cà rốt không thể được bán trong các cửa hàng tạp hóa vì hình dạng bất thường hoặc "vẻ ngoài" không được hoàn hảo. Chúng bị bỏ rơi trên đường từ trang trại đến cửa hàng. Mặc dù siêu thị chịu trách nhiệm cho việc này, chúng ta cũng phải xem lại hành vi tiêu dùng của bản thân. 

Hầu hết tất cả mọi người sẽ chọn một quả táo có hình vòng cung hoàn hảo và một lớp vỏ sáng thay vì quả táo hình bầu dục với một lớp vỏ thô ráp. Nhưng cuối cùng, hai quả táo có vị giống nhau và cũng có thể khiến bạn no.

821 triệu người trên toàn thế giới đang trong tình trạng thiếu thốn thực phẩm, trong khi đó, một phần ba thực phẩm được sản xuất trên thế giới bị lãng phí hoặc bị mất. Về mặt trái cây và rau quả, gần một nửa (45%) bị lãng phí.

Thế giới ngày nay đang phải đối mặt với ngày càng nhiều sự kiện thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu. Giải cứu các loại trái cây có hình thức xấu xí không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là vấn đề tài nguyên. Phải mất 13 lít nước để trồng cà chua và 50 lít nước để tạo ra một quả cam. Quá trình sản xuất cũng đòi hỏi hạt giống, đất, lao động nông dân và thậm chí cả nhiên liệu được sử dụng để vận chuyển thực phẩm. Khi thành quả của những lao động này bị mất, tất cả các tài nguyên này đều bị lãng phí.

Lãng phí có thể có nhiều dạng và nó cũng có thể xảy ra ở các giai đoạn khác nhau của chuỗi giá trị. Chúng ta hãy nghe một câu chuyện về cà rốt, chuối và khoai tây.

Câu chuyện cà rốt

Thông thường, một củ cà rốt phải đối mặt với nhiều "cửa lọc" trước khi vào siêu thị. Nó phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của siêu thị đối với trái cây và rau quả. Đôi khi, cà rốt cũng phải được kiểm tra bằng máy cảm biến hình ảnh, phân tích để tìm khuyết điểm. Nếu chúng hơi cong, không có màu cam sáng, có nhược điểm hoặc bị hư hỏng thì sẽ được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.

Nhìn chung, khoảng 25% -30% cà rốt không thể vào cửa hàng tạp hóa do khiếm khuyết về hình dạng hoặc ngoại hình. Cà rốt được bán trong các chợ nông sản hoặc cửa hàng nông sản có thể bỏ qua một số tiêu chuẩn thẩm mỹ nghiêm ngặt trong siêu thị. Tuy nhiên, chẳng mấy người bỏ tiền ra mua một củ cà rốt trông khác thường.

Câu chuyện về khoai tây

Một số thực phẩm bị mất hoặc lãng phí trong quá trình chế biến thành các loại thực phẩm khác, chẳng hạn như khoai tây. Ví dụ, khoai tây được dùng để chế biến thành khoai tây chiên có thể bị lãng phí ở giai đoạn được cắt thành dải. Những dải khoai tây này rất dễ bị hỏng trong lúc chế biến và đóng gói và các dải khoai tây bị hỏng thường bị vứt đi vì rẻ hơn so với việc tái sử dụng chúng. Ngoài ra, khoai tây bị hỏng trong quá trình vận chuyển được loại bỏ trước khi vào nhà máy đóng gói.

Học cách sử dụng các loại trái cây và rau quả có vẻ ngoài không đẹp mắt tức là chúng ta đang tiết kiệm thực phẩm cho hành tinh này. Củ khoai tây tuy không đẹp mắt nhưng vẫn khá an toàn để ăn, bổ dưỡng và có hương vị tốt. Thị trường ở các nước đang phát triển có nhu cầu về các sản phẩm "không đạt tiêu chuẩn" như vậy. Đây sẽ là một cách để giảm lãng phí hoặc mất mát thực phẩm do hoạt động không chính xác trong quá trình chế biến, đóng gói hoặc vận chuyển.

Câu chuyện về chuối

Chuối là một loại trái cây đặc biệt dễ bị dập nát. Ngay cả khi chúng có thể được bán trong một cửa hàng tạp hóa hoặc chợ, việc đặt và đóng gói không đúng cách có thể làm chuối bị dập, nát, thâm một cách dễ dàng. Tác động mạnh quá mức khi xử lý chuối có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình dáng và khiến nó bị thối nhanh hơn. Do đó, người tiêu dùng thường không muốn mua chuối quá chín, mềm, đổi màu.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc đề nghị: Nếu bạn có kế hoạch tiêu thụ trái cây đã mua vào ngày hôm đó, thì hãy mua trái cây chín. Nếu không ai mua những quả này, cuối cùng chúng sẽ bị ném vào thùng rác thay vì bị ăn.

Hầu hết các chất thải này có thể tránh được. Ví dụ: chọn trái cây và rau quả xấu xí, lưu trữ trái cây và rau quả đúng cách và ăn thực phẩm đã có trong tủ lạnh trước, sau đó hãy sử dụng tiếp đến thực phẩm mới mua. Hãy để bản thân thực sự chấp nhận những trái cây "xấu xí" để chúng có thể được ăn thay vì trở thành rác.

"Mọi thứ đều có vẻ đẹp riêng của nó, nhưng chúng ta lại không nhìn thấy điều đó."

(Nguồn: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc)