ĐỜI SỐNG

5 quốc gia dẫn đầu cho phong cách sống xanh

Đan Tâm • 25-11-2020 • Lượt xem: 3192
5 quốc gia dẫn đầu cho phong cách sống xanh

Môi trường sống lành mạnh góp phần tạo nên cuộc sống chất lượng, hạnh phúc.  Theo nhiều đánh giá của Đại học Yale chỉ ra, chỉ số phát triển đánh giá tác động của chính sách chính phủ đối với sức khỏe môi trường ảnh hưởng như thế nào đến con người và sức sống hệ sinh thái của một quốc gia. Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về phong cách sống xanh năm 2020 dựa trên kết quả của một cuộc khảo sát nhận thức toàn cầu và các quốc gia trong bảng này được đánh giá tổng hợp dựa trên ba tiêu chí: quan tâm đến môi trường, có ý thức về sức khỏe và sự đổi mới.

Tin, bai liên quan:

Khám phá 10 khu vườn xanh mát của London

20 ý tưởng kinh doanh nông nghiệp cho lợi nhuận cao nhất (phần 2)

Thụy Điển (vị trí số 1 trong Bảng xếp hạng Sống xanh)

Vương quốc Thụy Điển, tiếp giáp với Na Uy ở phía tây và Biển Baltic ở phía đông, mở rộng trên phần lớn Bán đảo Scandinavi và là một trong những quốc gia rộng lớn nhất trong Liên minh châu Âu tính theo diện tích đất liền. 

Điều giúp Thụy Điển trở thành quốc gia xanh nhất thế giới là hệ thống xử lý rác thải hiện đại và triệt để, tái chế được đến tận 99% và chỉ thải ra môi trường 1% còn lại. Tất cả số rác tái chế đều được sử dụng vào việc sản xuất điện năng, thậm chí vào năm 2004, Thụy Điển đã phải nhập khẩu rác từ các quốc gia khác để đủ nguồn nguyên liệu.

Ngoài ra, việc phân loại rác cũng được chú tâm ngay từ quy mô hộ gia đình, giúp việc xử lý rác thải dễ dàng hơn. Một điều khá thú vị nữa là ở Thụy Điển, xử lý rác được xem như một ngành kinh tế.

Thụy Sĩ  (vị trí số 2 trong Bảng xếp hạng Sống xanh)

Điều gì đã tạo nên thành công của Thụy Sĩ trong việc bảo vệ môi trường đến vậy? Câu trả lời là luật pháp! Chính phủ Thụy Sĩ đã xây dựng  hệ thống luật phát nghiêm ngặt về môi trường, đồng thời cũng xem việc giáo dục tầm quan trọng của bảo vệ môi trường cho người dân là khâu cơ bản trong giáo dục - đào tạo ở mọi cấp học. 

Thụy Sĩ còn chú trọng nghiên cứu và áp dụng các kiến trúc bảo vệ môi trường kiểu mới. Các tòa nhà ở Thụy Sĩ đều có không khí vô cùng mát mẻ dù thời tiết có nóng cỡ nào bởi trong quá trình xây dựng, họ thiết kế một hầm lớn chứa nước ở gầm nhà - nguồn tạo ra luồng không khí mát lạnh lan tỏa khắp tòa nhà. 

Hơn nữa, nhờ hệ thống xử lý chất thải nghiêm ngặt mà đến 80% nước ở sông hồ Thụy Sĩ là có thể uống được trực tiếp mà không cần đun sôi. 

Phần Lan ( vị trí số 3 trong Bảng xếp hạng Sống xanh)

Phần Lan bảo vệ môi trường sống bằng kế hoạch khuyến khích người dân sử dụng hệ thống giao thông công cộng hoàn hảo, không ai muốn dùng xe riêng vào năm 2050. Đất nước này thực thi một số biện pháp như giảm mạnh số xe trên phố, đầu tư thật nhiều để làm hệ thống giao thông công cộng tốt hơn, tăng phí đỗ xe, khuyến khích xe đạp và đi bộ, biến nhiều tuyến đường trong nội đô thành khu vực đi bộ. 

Hơn nữa, chính phủ Phần Lan đã tuyên bố kế hoạch ngưng sử dụng than đá – một trong những loại nhiên liệu bẩn nhất hành tinh trước năm 2030. Đây cũng là một phần trong mục tiêu cắt giảm ít nhất 80% khí thải nhà kính trước năm 2050 của quốc gia này.

Nhật Bản (vị trí số 4 trong Bảng xếp hạng Sống xanh)

Giống như Thụy Sĩ, chính phủ Nhật Bản cũng đã siết chặt quy định pháp luật về tiêu chuẩn xả thải cũng như rất coi trọng chính sách giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường cho người dân từ nhỏ.

Điều đặc biệt quan trọng tạo nên sự thành công trong việc giữ môi trường xanh ở Nhật Bản là truyền thông. Có hàng nghìn tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, hàng trăm tờ báo chuyên về môi trường, về xử lý chất thải và bảo tồn đa dạng sinh học ở Nhật. Khắp mọi nơi trên đường phố là các khẩu hiệu, thông điệp về bảo vệ môi trường nên dường như ý thức bảo vệ không gian sống đã in sâu vào tiềm thức mỗi một người dân Nhật, trở thành thói quen hàng ngày của họ.

Ở Nhật hầu như không cần dùng đến thùng rác công cộng bởi khi đi ra ngoài, người Nhật thường mang theo một ba lô hoặc túi xách bằng giấy, có cả ngăn chứa rác để mang về nhà phân loại. Nếu dùng đến thùng rác, họ sẽ phân từng loại rác vào mỗi thùng rác khác nhau. 

Na Uy (vị trí số 5 trong Bảng xếp hạng Sống xanh)

Hệ thống hiệu quả để phân loại rác thải nhựa đã giúp Na Uy đạt tỉ lệ tái chế lên đến 97%. Những chính sách đất nước này đưa ra cho các doanh nghiệp, công ty cũng giúp việc bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao: Càng tái chế được nhiều thì càng ít phải đóng thuế và thậm chí, nếu đạt được tổng tỷ lệ tái chế hơn 95%, họ sẽ được miễn thuế. 

Bí quyết lớn giúp Na Uy đạt bước tiến vượt bậc trong nỗ lực bảo vệ môi trường là nhờ áp dụng một hệ thống “đặt cọc”, tức là người dân sẽ phải trả thêm một chút tiền gọi là "khoản đặt cọc" khi mua đồ uống đóng chai nhựa và sẽ được hoàn lại khoản tiền này khi trả lại vỏ chai trong các máy mua chai nhựa tự động đặt đầy đường phố. Khái niệm trả lại vỏ chai tại Na Uy cực kì phổ biến, đến mức có riêng một động từ mới mô tả hoạt động này bằng tiếng Na Uy – “Pante.” Hơn nữa, theo luật của nước này, các nhà sản xuất phải dùng một số loại nhãn dán, nắp chai và thậm chí là keo dán trên chai được chính phủ cho phép nhằm tối ưu hóa quá trình tái chế.