Duyên Dáng Việt Nam

5 sự kiện giáo dục ‘dậy sóng’ năm 2018

Sky • 31-12-2018 • Lượt xem: 1476
5 sự kiện giáo dục ‘dậy sóng’ năm 2018

Bên cạnh thành tích đáng khích lệ TP.HCM giảm học phí THCS từ năm 2019, ngành giáo dục năm 2018 dậy sóng với hàng loạt vụ bạo lực, dâm ô, lãng phí, gian lận trong thi cử.

TP.HCM giảm học phí THCS từ năm 2019

Tại kỳ họp 12 vào đầu tháng 12, HĐND TP.HCM thông qua tờ trình của UBND thành phố, điều chỉnh mức thu học phí bậc THCS và nhà trẻ tại các trường công lập. Theo đó, học phí THCS, bổ túc THCS sẽ giảm từ 100.000 đồng mỗi tháng còn 60.000 đồng, áp dụng với học sinh ở 19 quận.

Tại năm huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, học phí giảm từ 85.000 đồng xuống 30.000 đồng. Ở bậc học mầm non, học sinh 19 quận vẫn giữ nguyên mức hiện nay là 200.000 đồng mỗi tháng, trẻ ở năm huyện giảm từ 140.000 xuống 120.000 đồng. Các mức học phí trên áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Liên tục xảy ra bạo lực, xâm hại tình dục học đường

Đầu tháng 4, vụ việc xảy ra tại trường Tiểu học An Đồng (An Dương, Hải Phòng), một cô giáo trẻ bắt học sinh lớp 3 uống nước giặt giẻ lau bảng.

Ngày 25/11, "231 cái tát" xảy ra ở Quảng Bình khiến dư luận phẫn nộ. Cô giáo "lệnh" cả lớp tát một học sinh lớp 6 tới mức phải nhập viện do lỡ miệng nói tục ngoài sân trường, bị đội cờ đỏ ghi vào sổ.

Khi dư luận chưa nguôi ngoai, thì tại trường tiểu học Quang Trung, Đống Đa, Hà Nội lại nổi lên vụ cô giáo để trẻ lớp 2 tát bạn.

Những ngày cuối năm 2018, ngành giáo dục lại mất uy tín khi sự việc Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ bị học trò tố hành vi dâm ô bệnh hoạn với hàng chục nam sinh dưới 16 tuổi. Ngày 15/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, đồng thời ra lệnh khởi tố, tạm giam bị can Đinh Bằng My 3 tháng.

Mới đây nhất, ngày 30/12, Hồ Trọng Đăng, Tổng phụ trách đội Trường THCS Phan Bội Châu (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai) bị Công an huyện Đức Cơ khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam đối với hành vi “Dâm ô với trẻ em” sau khi giở trò đồi bại với một nữ học sinh lớp 8.

Hàng loạt sai phạm gian lận điểm thi

Năm 2018, kết quả kỳ thi THPT Quốc gia với hàng loạt gian lận về điểm thi tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình và nghi vấn ở một số tỉnh, thành khác gây chấn động dư luận, khiến xã hội mất niềm tin vào một kỳ thi trung thực, khách quan.

Sau khi thẩm tra, Bộ GD&ĐT phát hiện ra hàng trăm bài thi đã được điều chỉnh điểm với mức nâng gần tối đa cho mỗi bài thi với những cách thức rất tinh vi. Có nhiều bài thi từ 1 điểm được nâng lên 8, 9 điểm, biến những em học sinh trung bình trở thành khá giỏi.

Những cán bộ này sau đó đã bị bắt giam, khởi tố hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Sách tiếng Việt lớp 1 gây xôn xao dư luận

Cuối tháng 8, video cô giáo hướng dẫn cách phát âm các chữ cái c/k/q đọc là /cờ/ gây xôn xao dư luận vì khác với phương pháp được dạy đại trà cho học sinh. Cách đánh vần đó là theo phương pháp trong sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên và Bộ GD&ĐT phát hành.

PGS Bùi Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quốc gia thẩm định cuốn Tiếng Việt Công nghệ giáo dục cho biết, tài liệu gây tranh cãi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phương pháp dạy đánh vần trong đó đã giúp học sinh phát triển khá hiệu quả kỹ năng đọc thành tiếng và viết đúng chính tả. Đến nay gần 50 tỉnh, thành phố với khoảng 800.000 học sinh lớp 1 (chiếm gần một nửa số học sinh lớp 1) đang dùng cuốn sách này.

GS Hồ Ngọc Đại chia sẻ rằng sách được xây dựng trên nguyên tắc "muốn học cái gì thì phải tự tay làm cái đấy". Khi áp dụng, học sinh sẽ là người làm việc, còn giáo viên chỉ giao nhiệm vụ và quan sát, hướng dẫn phương pháp. Ông tự tin sách tồn tại vĩnh viễn, nền giáo dục mình xây dựng là đúng đắn vì có nền tảng lý thuyết là triết học, tâm lý học, có công nghệ giáo dục hỗ trợ.

Tranh cãi về độc quyền sách giáo khoa

Tại Quốc hội, nhiều đại biểu nêu ý kiến rằng, phần lớn sách hiện nay chỉ dùng một lần vì học sinh được ghi thẳng vào sách, gây lãng phí cả nghìn tỷ đồng. Và nếu tính 16 năm độc quyền SGK (bộ sách đang áp dụng được triển khai từ năm 2002, do NXB Giáo dục Việt Nam thuộc Bộ GD&ĐT phát hành), số tiền lãng phí của xã hội đã lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (thuộc Bộ GD&ĐT) từ khi thành lập năm 1957 đến 2017 là đơn vị duy nhất được cấp phép xuất bản sách giáo khoa. Dự thảo báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng nêu rõ: "Việc có duy nhất đơn vị được tổ chức xuất bản, phát hành sách giáo khoa trong suốt 60 năm qua dẫn đến nguy cơ lạm dụng vị trí độc quyền, hạn chế cạnh tranh và thúc đẩy cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng, giảm giá bán".

Bên cạnh những thành tích, những đổi mới mang tính tích cực, trong năm 2018, ngành giáo dục phải đối mặt với những bê bối, thậm chí mất đi nhiều lần sự tín nhiệm của phụ huynh và học sinh. Không những thế, những sự việc này còn làm mất đi tính tôn nghiêm và sự trong sạch trong môi trường giáo dục.