Duyên Dáng Việt Nam

6 cách cha mẹ giúp con "giữ lửa" trong học tập

Kim Phượng • 09-08-2020 • Lượt xem: 1727
6 cách cha mẹ giúp con "giữ lửa" trong học tập

Cha mẹ luôn kỳ vọng vào việc học của con. Tuy nhiên, con trẻ không phải lúc nào cũng ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập theo đúng ý của cha mẹ.

Dưới đây là 6 cách mà các ông bố, bà mẹ có thể thử áp dụng để giúp trẻ nuôi dưỡng niềm hứng thú trong học tập.

1. Tìm hiểu sở thích, sở trường của con

Bố mẹ muốn giúp con thích thú với việc học thì trước hết phải hiểu con. Muốn hiểu con, bố mẹ nên chú tâm quan sát và để ý đến những cử chỉ của con đều đặn từng ngày.

Trong khi bé đang làm một việc gì đó, bố hay mẹ có thể tham gia cùng con như một người bạn cũng có chung niềm tò mò với con. Từ đó, bố mẹ sẽ phát hiện được con thích ăn gì, sợ gì và hứng thú gì. Chẳng hạn, trẻ sợ chó con, thích tô màu, xem truyện tranh hoặc mê lắp ráp mô hình.

Khi đó, bố mẹ nên để tâm đến việc: con làm tốt điều gì nhất; con đã dành bao nhiêu thời gian để làm việc đó; việc đó có lặp lại từng ngày không và con có khao khát tìm hiểu những điều liên quan đến việc đó không?

Tùy theo độ tuổi, bé sẽ có những niềm ham thích ở nhiều hoạt động, lĩnh vực khác nhau. Ví dụ, năm 6 tuổi trẻ rất thích vẽ những bức tranh nhưng khi 10 tuổi bé lại mê học toán hơn. Vì vậy, ba mẹ có thể hỗ trợ cho bé những gì liên quan đến sở thích này như vở tập tô hay sách toán, để bé có thể thỏa thích làm những điều mình hứng thú. Bé không chỉ được chơi mà còn thu nhận kiến thức từ những sở thích đó.

2. Giúp con trải nghiệm nhiều nhất có thể

Con trẻ luôn rất tò mò, hay quan sát và bắt chước những chuyện mà người lớn thường làm. Thế nên, bố mẹ có thể là người giúp con trải nghiệm nhiều việc nhất có thể, đặc biệt trong việc học tập.

Hàng ngày, bố hay mẹ nên dành một khung giờ phù hợp nhất định để đọc sách, may vá, làm đồ handmade hoặc chơi cầu lông, bơi lội… Khi quan sát người lớn, con sẽ muốn thử làm việc mà bố mẹ đã làm. Vì vậy, bố mẹ nên hướng dẫn trẻ làm việc đó và con sẽ có thêm nhiều trải nghiệm mới.

Từ đó, con khám phá ra niềm yêu thích của mình và có hứng thú hơn trong học tập và rèn luyện việc mình thích. Bố mẹ nên giúp con hiểu rõ, sự kiên trì sẽ là chìa khóa giúp con đạt được thành tựu trong một việc nào đó.

day con hoc tapGóc học tập giúp con rèn luyện sự tập trung và sáng tạo - Nguồn: danviet.vn

3. Trang trí góc học tập cùng con

Trẻ từ 6 tuổi sẽ đến trường. Sự tiếp xúc của trẻ với trường lớp, cô thầy và bạn bè sẽ làm trẻ mở rộng thêm tâm trí của bản thân. Việc học tập của con từ đó sẽ có thêm tính nề nếp và ràng buộc từ nhà trường. Thời điểm này, bố mẹ nên dành thời gian để chuẩn bị một góc học tập tạo hứng thú cho con.

Góc học tập không chỉ là nơi giúp con tập trung hoàn thành những bài tập được giao mà còn nên là nơi tạo cho trẻ niềm vui thích khám phá những điều mới. Bố mẹ dựa trên ý muốn và sở thích của con để cùng bé trang trí và hoàn thiện góc học tập. Nơi học tập lý tưởng có thể là một không gian đủ ánh sáng, có cửa sổ hướng ra khu vườn xanh mát, có kệ sách và một khoảng trống đủ rộng để trẻ có thể thoải mái đổi tư thế khi khám phá kiến thức. Không gian học tập đầy màu sắc và sáng tạo sẽ giúp tăng thêm niềm ham mê tìm hiểu kiến thức của trẻ.

4. Khuyến khích con trẻ tự giải đáp thắc mắc của bản thân 

Khi trẻ không hiểu điều gì đó thường sẽ “cầu cứu” bố mẹ. Trong thế giới của con trẻ, cha mẹ là người “biết tuốt”. Bố mẹ không nên điều gì cũng giải đáp rành mạch với con, mà hãy gợi ý cho con phương tiện và cách thức để tự con tìm hiểu, hoặc bố mẹ “cầu cứu” ngược lại với con. Điều này sẽ kích thích trí tò mò của trẻ, giúp trẻ có thể ấn tượng và nhớ lâu hơn những gì bản thân đã học được qua quá trình tự mày mò. Khi con cảm thấy không thể hiểu nổi điều gì đó mặc dù con đã tìm hiểu rất lâu, lúc ấy, bố mẹ mới nên đứng ra để diễn giải vấn đề và giúp con tường tận, minh bạch với đáp án hơn.

Dần dà, con sẽ tự chủ động giải đáp băn khoăn của mình trước khi đem vấn đề đến hỏi bố mẹ. Đôi khi, con sẽ gặp những trở ngại và phạm sai lầm khi đơn độc đi tìm câu trả lời. Tuy nhiên,  bố mẹ không nên vì điều đó mà lo lắng. Việc của bố mẹ là động viên, ủng hộ và hỗ trợ trẻ tự sửa sai, hoàn thiện những việc dở dang. Con sẽ học được nhiều điều hơn khi tự mình đứng lên từ những vấp ngã của chính mình.

day con hoc 2Bố mẹ có thể phát hiện ra điểm mạnh của con nhờ học cùng con - Nguồn: khanhhoa.gov.vn

5. Cho con thử nhiều cách học mới

Mỗi trẻ có một độ nhạy riêng: có thể hiểu ngay hoặc chậm hiểu một vấn đề gì đó. Vì vậy, mỗi trẻ sẽ có một cách học khác nhau để có thể tiếp cận kiến thức và tiến bộ trong học tập. Có em thích tự mày mò trong sách vở để hiểu. Có em lại thích nghe thầy cô giảng bài.

Trên lớp, giáo viên chỉ có thể cho học sinh học tập theo một phương pháp trong thời gian nhất định. Tuy nhiên, ở nhà, bố mẹ có nhiều điều kiện hơn về thời gian và không gian để giúp trẻ có cơ hội trải nghiệm nhiều cách học mới lạ như: cách học trực quan (nhìn, nghe, sờ, nắm), thí nghiệm, tìm tòi tài liệu hoặc ứng dụng kiến thức trong thực tế…

Khi trẻ đã khám phá ra được cách học phù hợp với mình thì việc học tập của trẻ cũng theo đó mà có bước tiến hơn.

6. Khuyến khích phần thưởng khi con có ý thức học tập

Phần thưởng chỉ nên là phần quà khi trẻ có biểu hiện tốt như chăm học, đạt giải trong cuộc thi.

Nhiều cha mẹ muốn con ngồi vào bàn học là phải hứa hẹn phần thưởng này nọ cho con. Việc hứa hẹn này lặp đi lặp lại làm con “được nước lấn tới”. Những giờ học sau, con sẽ càng nấn ná thật lâu đến khi cha mẹ hứa sẽ cho quà ưng ý mới chịu học bài, làm bài. Điều này thật không tốt vì làm trẻ không có tính tự giác trong học tập.

Bố mẹ nên giúp con hiểu rõ, việc học là trách nhiệm của con. Nếu con không hoàn thành nhiệm vụ của mình thì sẽ bị thầy, cô phạt. Mặc khác, khi con nghiêm túc học tốt thì con không chỉ không bị thầy cô rầy la hay phải viết bảng kiểm điểm, mà còn nhận được quà khuyến khích từ bố mẹ. Bố mẹ chỉ nên trao quà cho con khi con tự ý thức và hoàn thành tốt trách nhiệm của mình.