Duyên Dáng Việt Nam

7 cách dạy con không đòn roi

Hà My • 03-11-2020 • Lượt xem: 1566
7 cách dạy con không đòn roi

Roi vọt là một trong những chủ đề nuôi dạy con cái được tranh luận rộng rãi nhất. Mặc dù hầu hết các bác sĩ nhi khoa và các chuyên gia nuôi dạy con cái không khuyến khích đòn roi, nhưng đại đa số các bậc cha mẹ trên khắp thế giới thừa nhận đánh đòn con cái mình. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy trừng phạt thân thể có hậu quả lâu dài đối với trẻ em.

Nếu bạn đang tìm cách thay thế cho việc đánh đòn, thì đây là 7 cách để kỷ luật con bạn mà không cần sử dụng hình phạt thể chất.

1. Đặt thời gian chờ

Đánh trẻ vì hành vi sai trái và thông qua việc đánh con bạn đã vô tình truyền cho trẻ một thông điệp không đúng. Con bạn sẽ thắc mắc tại sao bạn đánh chúng thì được, nhưng chúng đánh anh chị em của mình thì không. Việc cha mẹ nên làm là đặt một đứa trẻ vào thời gian chờ.

Cha mẹ đừng nên yêu cầu trẻ phải dừng việc làm sai trái của chúng ngay lập tức, mà hãy sử dụng thời gian chờ bằng cách cho trẻ thời gian. Hãy đếm từ 1 đến 3, và hãy quy ước với trẻ rằng lúc nào bố/mẹ đếm đến 3 thì trẻ phải dừng việc chúng làm lại.

Nhiều ông bố bà mẹ thừa nhận rằng việc đặt thời gian chờ như thế này đặc biệt hữu ích. Công cụ kỷ luật này hoạt động hiệu quả bằng cách cảnh báo trẻ em rằng chúng sẽ bị phạt nếu chúng không dừng lại. Nếu trẻ mất bình tĩnh, bố mẹ hãy cho trẻ thời gian chờ để nguôi ngoai cảm  xúc, nói với con rằng: bố mẹ sẽ cho con một ít thời gian, nếu con cảm thấy sẵn sàng chúng ta sẽ nói chuyện. Đừng làm gì khi trẻ đang mất kiểm soát, cáu giận. Chiến lược này, có thể giúp trẻ học và thực hành các kỹ năng tự quản.

2. Mất đặc quyền

Việc tước mất một đặc quyền nào đó của trẻ không phải là để trừng phạt con bạn phục tùng mà để giúp chúng học cách đưa ra những lựa chọn tốt hơn cho tương lai. Tuy nhiên, điều này cần thực hành. Nếu chúng đưa ra một lựa chọn không tốt, hãy dạy cho trẻ biết hậu quả là mất một đặc ân. Ví dụ, khi cha mẹ bảo rằng đã hết giờ xem TV, nhưng trẻ vẫn không chịu tắt. Bạn hãy nói với con rằng nếu bây giờ con không tắt TV thì ngày mai con không được xem nữa, hoặc con sẽ bị cấm trong vòng 24 giờ. Cũng có thể lệnh cấm của bố mẹ không cần phải có thời gian. Bố mẹ có thể thỏa thuận ngầm với nhau rằng lúc nào con ngoan trở lại thì sẽ được cấp lại đặc quyền. Bạn có thể nói với con rằng: Không xe đạp, không TV, không đi chơi công viên..., con sẽ nhận lại, sẽ được xem, được đi chơi lúc nào con xứng đáng. Điều này làm cho trẻ biết rằng chúng sẽ phải cố gắng ngoan, làm nhiều việc tốt để lấy lại đặc quyền của mình.

Bố mẹ cũng có thể cho trẻ được có cơ hội nhận lại đặc quyền khi trẻ biết khắc phục lỗi lầm của mình. Khi chúng phạm lỗi, hãy nói với chúng rằng con đã mất một đặc quyền nào đó, nhưng con có thể được lấy lại đặc quyền của mình nếu con làm việc này, việc kia (dọn đồ chơi, dọn phòng...) trong lần đầu bố mẹ yêu cầu. Trẻ sẽ hiểu rằng cơ hội chỉ dành cho chúng duy nhất một lần mà thôi.

3. Bỏ qua hành vi sai trái nhẹ

Bỏ qua có chọn lọc thực sự có thể hiệu quả hơn đánh đòn. Điều này không có nghĩa là bạn nên nhìn theo hướng khác nếu con bạn đang làm điều gì đó nguy hiểm hoặc không phù hợp. Nhưng bạn có thể bỏ qua hành vi tìm kiếm sự chú ý.

Khi con bạn cố gắng thu hút sự chú ý bằng cách than vãn hoặc gây hấn, hãy  theo hướng khác, giả vờ như bạn không thể nghe thấy và không phản hồi. Sau đó, khi chúng yêu cầu hay cư xử tử tế, hãy chú ý đến trẻ. Theo thời gian, con sẽ học được rằng cư xử lịch sự là cách tốt nhất chúng được đáp ứng nhu cầu.

4. Hệ quả logic

Hệ quả hợp lý là một cách tuyệt vời để giúp những đứa trẻ đang gặp khó khăn với các vấn đề hành vi cụ thể. Hậu quả lôgic cụ thể gắn liền với hành vi sai trái.

Ví dụ, nếu con bạn không ăn tối, đừng để chúng ăn vặt trước khi đi ngủ, chúng sẽ phải mang cái bụng đói cồn cào đi ngủ cho đến bữa sáng hôm sau. Hoặc nếu chúng từ chối mặc áo khoác trước khi đi ra ngoài, hãy để chúng ra ngoài mà không có áo khoác, và chắc chắn hậu quả là chúng phải lãnh đủ. (Tuy nhiên cũng cần lưu ý mức độ an toàn cho trẻ). Liên kết trực tiếp hậu quả với vấn đề hành vi giúp trẻ em thấy rằng lựa chọn của chúng có hậu quả trực tiếp và người phải gánh hậu quả không ai khác ngoài bản thân trẻ.

Bố mẹ hãy đưa ra hệ quả. Bình tĩnh và chắc chắn giải thích hậu quả nếu trẻ không cư xử đúng mực, và cho trẻ thời gian để cân nhắc, lựa chọn. Ví dụ, nói với con rằng hoặc là con mua món đồ chơi đó hoặc không, hoặc là con ăn hết bát cơm của mình một cách vui vẻ nếu không con sẽ phải rời khỏi bàn ăn. Đưa ra những lựa chọn như thế này cho trẻ, điều quan trọng là cha mẹ đừng nhượng bộ mà hãy kiên quyết với luật của mình. Nếu cha mẹ nhất quán trong 1-2 lần, lần sau trẻ sẽ hiểu rằng chúng phải suy nghĩ kĩ trước khi lựa chọn vì bố mẹ sẽ không nhân nhượng với chúng.

5. Hãy lắng nghe trẻ

Trong mọi mối quan hệ, lắng nghe luôn là quan trọng. Hãy để trẻ nói ra điều chúng nghĩ, trước khi bố mẹ giải quyết vấn đề. Nên để ý tới những lúc con có hành vi sai trái, chẳng hạn như con bạn đang cảm thấy ghen tị. Khi đó cha mẹ hãy nói chuyện với con mình, giải thích cho con hiểu vấn đề. Đừng giải quyết vấn đề khiến cho trẻ không phục hoặc con cảm thấy ấm ức trong lòng.

Thông thường, trong một gia đình có nhiều con cái, chúng sẽ hay suy bì, tị nạnh với nhau: Sao mẹ mua cái này cho anh, chị mà không mua cho con; sao em có cái áo này đẹp mà con lại không?... Nhiệm vụ của cha mẹ là phải giải thích cho trẻ hiểu vì sao lại thế. Lắng nghe con không chỉ giúp bố mẹ nhận ra vấn đề của trẻ mà còn giúp con có thể giải tỏa những cảm xúc tiêu cực trong lòng.

6. Khen ngợi hành vi tốt

Hãy ngăn chặn các vấn đề về hành vi bằng cách hướng con bạn trở thành người tốt. Ví dụ, khi chúng đang “chơi đẹp” với anh chị em của mình, hãy chỉ ra điều đó. Hãy tuyên dương, khen ngợi chúng rằng hôm nay chúng đang rất hòa đồng với nhau, biết chia sẻ và giúp đỡ nhau.

Khi có nhiều trẻ trong phòng, hãy chú ý và khen ngợi những trẻ tuân thủ các quy tắc và cư xử tốt. Sau đó, khi đứa trẻ khác bắt đầu cư xử như vậy, hãy khen ngợi và chú ý đến chúng.

7. Phần thưởng cho hành vi tốt

Thay vì đánh đòn trẻ khi có hành vi sai trái, hãy thưởng cho trẻ khi có hành vi tốt. Ví dụ, nếu con bạn thường xuyên cãi nhau với anh chị em của chúng, hãy thiết lập một hệ thống khen thưởng để thúc đẩy chúng hòa đồng hơn. Phần thưởng sẽ giúp trẻ tập trung vào những gì chúng cần làm để giành được đặc quyền, thay vì nhấn mạnh những hành vi xấu mà chúng phải tránh.

Ví dụ, cha mẹ có thể nói nếu 2 chị em chơi hòa đồng với nhau, các con sẽ được thưởng thêm 15 phút xem ti vi; hoặc nếu không tranh giành đồ chơi của nhau, cuối tuần này chúng sẽ được đi siêu thị để mua thêm đồ chơi mới...