Duyên Dáng Việt Nam

9 bí quyết giúp đánh bay cơn ác mộng say tàu xe

Minh Nhân • 08-08-2020 • Lượt xem: 870
9 bí quyết giúp đánh bay cơn ác mộng say tàu xe

Say tàu xe vẫn luôn là nỗi ám ảnh của nhiều người bởi những cảm giác khó chịu, buồn nôn, chóng mặt… mà chúng mang lại trong những chuyến đi. Tuy nhiên việc liên tục sử dụng thuốc chống say tàu xe trong những chuyến đi ít nhiều cũng sẽ mang đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe. Dưới đây là một số mẹo chống say tàu xe hiệu quả, có thể giải quyết cơn ác mộng khủng khiếp này mà không cần sử dụng đến thuốc. 
 

Tránh ăn quá no hoặc để bụng đói
Việc ăn quá no trước khi lên xe là một trong những sai lầm nhiều người mắc phải. Trước khi khởi hành cần tránh việc ăn quá no, đặc biệt là đồ dầu mỡ, nhiều chất béo, tuyệt đối không được sử dụng rượu, bia. Bởi khi có quá nhiều thức ăn trong dạ dày, việc tiêu hóa thức ăn diễn ra liên tục sẽ khiến cho bạn dễ rơi vào tình trạng say xe.
Tuy nhiên cũng nên tránh việc lên đường với một chiếc bụng trống rỗng, điều này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, dễ dẫn đến cảm giác say xe hơn. Cách tốt nhất là nên ăn vừa đủ no trước khi di chuyển, đặc biệt một số loại thực phẩm có tác dụng chống say xe hiệu quả như bánh mì sandwich, trái cây khô, sữa đậu nành hay bánh quy giòn…


Tránh dùng điện thoại, đọc sách báo
Nếu là một nạn nhân của chứng say xe thì bạn nên cố gắng tránh việc sử dụng điện thoại di động hoặc đọc sách báo giết thời gian. Thay vào đó hãy tập trung hướng tầm mắt nhìn ra các điểm ở những nơi xa ngoài cửa kính. Điều này sẽ giúp cho não bộ xác định các tín hiệu chính xác rằng bạn đang di chuyển. Đồng thời, tuyệt đối tránh ngồi ngược hướng xe chạy, ngồi nghiêng lệch hoặc liên tục di chuyển trên xe, những điều này sẽ dễ gây ra tình trạng nhức đầu, chóng mặt.


Đeo khẩu trang
Sử dụng khẩu trang vẫn luôn là một trong những phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả lại cực kỳ cao. Việc đeo khẩu trang trong suốt quá trình di chuyển có thể giúp chúng ta tránh ngửi phải những mùi xăng dầu xe cùng những mùi khó chịu khác...


Sử dụng vỏ cam, vỏ quýt
Việc ngửi những tinh dầu có trong vỏ cam, vỏ quýt có thể giúp cho những người hay bị say xe cảm thấy dễ chịu hơn khi di chuyển. Khi sử dụng, hãy dùng tay bóp nhẹ vỏ cam hoặc quýt để tiết ra tinh dầu và hít nhẹ khoảng 10 lần trước khi đi xe khoảng 1 tiếng. Hoặc trong quá trình di chuyển, chúng ta cũng có thể đưa những loại vỏ này lên để ngửi cũng vô cùng hiệu quả.


Sử dụng gừng tươi
Theo Đông y, gừng tươi được xem là một trong những “thần dược” trong việc chống say tàu xe. Trước khi lên xe khoảng 30 phút, bạn hãy uống một cốc nước ấm có pha thêm một ít gừng tươi giã nhuyễn. Thậm chí theo trong quá trình di chuyển, bạn cũng có thể ngậm thêm một vài lát gừng tươi. Vị cay nồng và tính ấm trong gừng sẽ giúp cho bạn thoát khỏi tình trạng buồn nôn và chóng mặt khi đi xe.


Sử dụng lá trầu không
Một trong những mẹo dân gian khác trong việc chữa say xe chính là sử dụng lá trầu không. Trước khi lên xe khoảng 15 phút, hãy vò nát lá trầu không sau đó buộc cố định lên trên rốn. Lá trầu không sẽ có tác dụng khử tính hàn, làm ấm cơ thể đồng thời giúp cơ thể thăng bằng trong khi di chuyển.
Ngoài ra, bạn có thể cầm trên tay 1 - 2 lá trầu để thi thoảng ngửi, mùi thơm nhẹ của chúng sẽ át đi những mùi hôi khiến bạn có cảm giác khó chịu.


Sử dụng khoai lang
Khoai lang cũng là một trong những thực phẩm được biết đến với tác dụng chống say xe rất hiệu nghiệm. Khi sử dụng cần rửa sạch khoai lang, gọt vỏ, thái lát và nhai sống, nuốt cả nước và bã. Điều này có thể giúp bạn tránh xa cảm giác khó chịu mà việc đi tàu xe mang lại.


Sử dụng bánh mì không
Cùng với khoai lang, nhiều người bị say xe lâu năm vẫn luôn truyền tai nhau về tác dụng chống say xe của bánh mì không. Sử dụng một vài lát bánh mì để ngậm hoặc để ngửi khi có cảm giác say xe sẽ khiến bạn cảm thấy dễ chịu hơn.


Ấn giữ huyệt nội quan
Ngoài việc sử dụng một số loại thực phẩm, khi gặp phải tình trạng say xe bạn có thể dùng ngón tay cái ấn nhẹ vào huyệt nội quan và giữ trong vòng vài phút (huyệt nội quan nằm ở bên khớp cổ tay, trên vân ngang cổ tay, khoảng giữa ngón tay giữa và gân mu bàn tay) để có thể giảm đáng kể cảm giác mệt mỏi, chóng mặt…