Trẻ không thích ăn rau là một thực tế khiến rất nhiều bà mẹ đau đầu. Năn nỉ, dụ dỗ, doạ nạt là cách các bà mẹ đã thử, đôi khi những cách này không hiệu nghiệm khiến mỗi bữa ăn như một cuộc chiến.
Bất cứ bà mẹ nào cũng mong muốn trẻ ăn uống đủ chất để phát triển tư duy và thể chất. Nhưng những đứa trẻ lại không như vậy. Chúng chưa ý thức được việc cần thiết phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm đa dạng. Đa số trẻ chỉ tập trung ăn món mình thích và từ chối các loại thực phẩm khác.
Rau xanh là thực phẩm chứa nhiều vitamin và chất xơ có ích cho sức khỏe nói chung và đặc biệt tốt cho da và hệ tiêu hoá của trẻ. Tuy nhiên, phần lớn trẻ không thích ăn rau, do nó không có nhiều hương vị như các thực phẩm khác. Với trẻ, rau xanh là một thực phẩm khá nhàm chán.
Hiểu được điều đó, Hannah Gilbert, một chuyên gia dinh dưỡng đã nghĩ ra những mẹo vặt tuyệt vời giúp bé thưởng thức rau một cách tự nguyện và ngon miệng.
Bắt đầu, có thể trẻ sẽ từ chối ăn rau một cách quyết liệt vậy nên có thể nhượng bộ chúng một chút bằng cách thay thế rau tươi với bánh quy có bổ sung chiết xuất rau, củ.
Trên thị trường có một số bánh quy, bánh gạo, bánh mặn được bổ sung thêm rong biển, chiết xuất việt quất, rau bina… Các mẹ hoàn toàn có thể giới thiệu cho con những loại bánh này. Cho chúng biết, bánh được làm từ loại rau, củ nào. Từ đó dần dần cho con nếm thử rau, củ tươi.
Nếu trẻ chê rau vì chúng không nhiều hương vị thì salad là một lựa chọn tuyệt vời. Mix các loại rau, củ với một chút đường, muối, mayonnaise, có thể thêm một chút protein mà bé thích như cá ngừ, cá hồi, thịt bò… đảm bảo bé sẽ thích mê.
Trẻ nhỏ luôn bị cuốn hút bởi những câu chuyện và tò mò khám phá thế giới trong chuyện. Bởi vậy hãy khéo léo lồng vào những câu chuyện chi tiết về món ăn. Ví như Táo đỏ sẽ hấp dẫn và ngọt ngào hơn khi được gắn với sức mạnh của chúng trong truyện Bạch Tuyết. “Tiêm” một chút trí tưởng tượng vào rau và bạn sẽ ngạc nhiên về sự hấp dẫn mà chúng đối với trẻ.
Làm một nội quy mới. Mọi người trong nhà - trẻ em và người lớn - phải ăn một chút rau, củ bất kỳ, ngay cả khi đó không phải là thứ yêu thích. Ai ăn nhiều hơn sẽ được phần thưởng. Đừng nản lòng nếu con không hợp tác ngay lần đầu, hãy duy trì điều này như một thói quen. Sự cạnh tranh giữa mọi người để giành phần thắng sẽ khuyến khích trẻ ăn nhiều hơn.
Thay vì sử dụng thịt làm thực phẩm chính trong bữa ăn, hãy cơ cấu lại sao cho số lượng rau nhiều hơn thịt. Bên cạnh đó học cách chế biến các món rau lạ miệng và nhiều hương vị để kích thích vị giác của trẻ. Có rất nhiều cách để chế biến rau củ, hấp, xào, chiên, nướng… đừng quên kết hợp với những loại thực phẩm khác để tạo ra kết cấu thú vị hơn cho món ăn.
Trẻ có thể từ chối nhiều loại rau nhưng lại thích nhiều loại trái cây. Vì thế hãy thử làm một món salad trái cây ngon và thêm một ít rau. Sự kết hợp bởi vị ngọt của ngô, đậu Hà Lan và kết cấu giòn của cần tây hoặc dưa chuột, thêm một chút màu sắc từ cà chua, ớt ngọt, dưa hấu sẽ tạo nên một tổng thể vô cùng hấp dẫn. Bạn thậm chí có thể biến điều này thành một trò chơi - tìm thấy bao nhiêu loại trái cây và rau quả?
Nếu con bạn không thích thứ gì đó, đừng coi đó vấn đề lớn. Mỗi đứa trẻ có một sở thích riêng, hãy kiên nhẫn thử xem con bạn thích loại rau nào, cách chế biến nào. Hãy thử lại theo cách khác, vào những thời điểm khác nahu. Ví dụ bí đỏ luộc có thể không hấp dẫn, hãy thử xào với tỏi để tạo thêm sức hấp dẫn cho món ăn. Càng nhiều lần bạn thử với các loại rau khác nhau, nó càng trở nên quen thuộc với trẻ.
Những lời khuyên mang tính giáo điều như ăn đi nó tốt cho sức khỏe, nó rất nhiều vitamin đấy... không hề có tác dụng với trẻ. Hãy thử nói với chúng về loại rau này, nó đến từ đâu, nó phát triển như thế nào, hành trình để nó đến được bàn ăn ra sao. Trẻ em thích một câu chuyện hay, vì vậy nếu có thể khiến chúng yêu thích câu chuyện thì chúng sẽ dễ dàng tự khám phá.
Cho trẻ tham gia vào bữa ăn chuẩn bị có thể có kết quả thực sự tích cực. Cắt nhỏ các loại thảo mộc và rau, rửa rau, nhặt lá khỏi thảo mộc và trộn các thành phần… là những công việc thu hút sự thích thú và mới mẻ đối với trẻ. Vì vậy, chúng sẽ vui vẻ thưởng thức những thành quả của mình làm ra, thậm chí hào hứng thử nghiệm các món ăn mới.
Thay đổi thói quen lười ăn rau của trẻ là một quá trình đòi hỏi sự kiên trì vô cùng lớn của mẹ nhưng đổi lại là niềm vui khi được đồng hành và nhìn con khôn lớn.