Duyên Dáng Việt Nam

Ăn là ghiền với món bánh đập ở tiệm 35 năm tuổi

Đào Minh • 04-01-2018 • Lượt xem: 1177
Ăn là ghiền với món bánh đập ở tiệm 35 năm tuổi

Ở tiệm 35 năm tuổi này, bánh đập làm theo công thức riêng, quan trọng nhất là người chủ vừa tráng bánh, vừa bán cho khách nên lúc nào bánh cũng nóng hổi, giòn tan.

Không cần phải gọi, chủ quán sẽ bưng ra một đĩa 3 cái kèm theo chén mắm nêm pha sẵn

35 năm qua, món bánh đập đã tăng giá từ 500 đồng/phần đến giá 5.000 đồng/phần. Dù vậy, với nhiều người dân ở Tam Kỳ và những vùng lân cận, bánh đập bà Nga gần chùa (Tam Kỳ, Quảng Nam) chứa nhiều kỉ niệm tuổi thơ. Nhiều người ăn sáng ở đây từ nhỏ cho đến khi trưởng thành, có gia đình, có con vẫn tiếp tục là khách quen của quán. 

Cái lò đắp từ đất, nồi nước sôi bốc lên nghi ngút suốt 35 năm nay vẫn không thay đổi

Ban đầu, nơi này chỉ là cửa hàng lụp xụp, sau bao năm giờ nhà xây kiên cố, chỉ có góc bếp vẫn cái lò đất, nồi nước sôi bốc lên nghi ngút là không đổi. Bà chủ với động tác thành thục, múc muỗng bột rải lên khuôn, tráng đều đậy nắp lại, chờ 30 giây thì mở nắp dùng que tre lấy chiếc bánh ướt đặt lên miếng lưới để sẵn. Bên kia sẽ có người lấy miếng bánh vừa làm xong đặt lên miếng bánh tráng rồi gõ nhẹ nghe cái tách, bánh vỡ làm đôi rồi chập lại thành cặp. Có lẽ vì thế mà bánh đập còn có nơi gọi bánh cặp, bánh chập... để thể hiện các hình ảnh, âm thanh sống động lúc làm bánh. 

Nhiều người ăn ở đây từ nhỏ cho đến khi trưởng thành

Vì quán đông, mỗi khi khách mới đến, không cần phải gọi, chủ quán sẽ bưng ra một đĩa 3 cái bánh đập kèm theo chén mắm nêm pha khéo. Khách ban đầu tưởng nhiều nhưng cứ bẻ miếng bánh đầu tiên, chấm vào chén mắm nêm, nhai luôn miệng, rồi tiếp tiếp, chẳng mấy chốc mà hết một đĩa. Nhiều người đến cùng gia đình, ăn hết một lượt phải gọi thêm vài đĩa nữa. Món ăn hợp với cả người lớn, trẻ con... ai đến cũng gọi đĩa bánh đập, chỉ khác nhau thêm ớt hay không ớt trong nước chấm.

Mắm nêm của quán có hương vị rất đặc biệt

Cái nóng hổi của bánh ướt, có thêm độ giòn của bánh tráng quyện lại cùng nhau, thêm mùi thơm của mè, mùi của mắm nêm hòa trộn, dẫu chẳng có chút thịt thà bên trong nhưng bao người ăn không ngừng. Bánh ngon cũng một phần nhờ mắm. Tam Kỳ có biển Tam Thanh, nổi tiếng với nghề cá. Những con cá tươi được làm thành mắm nêm, có khi là cá cơm, có khi là cá nục.

Mắm nêm được cho vào nhiều món ngon như bún trộn mắm nêm, thịt heo luộc chấm mắm, hay ăn kèm bánh đập. Chén mắm còn pha chút dầu ăn phi thơm, dầu cũng là loại dầu phụng đặc sản trồng ở đây. Bẻ miếng bánh đập, chấm vào chén mắm, có mùi thơm của hành tỏi, có vị béo thơm của dầu phụng, ăn một lần là nhớ mãi.