VĂN HÓA

‘Ảnh xạ’ – Triển lãm đậm màu sắc thiền định của họa sĩ Trang Thanh Hiền

Hà Thành • 12-11-2023 • Lượt xem: 1388
‘Ảnh xạ’ – Triển lãm đậm màu sắc thiền định của họa sĩ Trang Thanh Hiền

“Ảnh xạ” là triển lãm cá nhân thứ hai của họa sĩ Trang Thanh Hiền, sau triển lãm thứ nhất 8 năm. Được biết như một nhà nghiên cứu hàng đầu về mỹ thuật truyền thống, triển lãm “Ảnh xạ” lần này của tác giả cũng ghi dấu ấn rất riêng ảnh hưởng bởi những nghiên cứu, đặc biệt là mang màu sắc thiền định của Phật giáo.

Họa sĩ Trang Thanh Hiền là Phó giáo sư, Tiến sĩ đang giảng dạy và nghiên cứu mỹ thuật tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Chị có nhiều công trình nghiên cứu góp phần đưa mỹ thuật truyền thống gắn với tôn giáo đến gần hơn với công chúng. Các tác phẩm nghiên cứu đã xuất bản của chị có thể kể tới như: Hình tượng quan âm Thiên thủ thiên nhãn ở Việt Nam, Cửu phẩm liên hoa trong kiến trúc cổ Việt Nam (giải Sách hay, sách đẹp của Hội Xuất bản Việt Nam), Nghệ thuật tạo tác tượng Phật trong các ngôi chùa Việt (giải ba của Hội Mỹ thuật Việt Nam)… Chị cũng là đồng dịch giả cuốn Nghệ thuật An Nam của Louis Bezacier… Ngoài ra, họa sĩ Trang Thanh Hiền còn là người sáng lập dự án “Cùng bé sáng tạo”, mở ra không gian học hỏi, khám phá và sáng tạo nghệ thuật mặt nạ giấy bồi, tranh Tết, tranh dân gian Kim Hoàng... dành cho thiếu nhi.

Tuy dành nhiều thời gian cho công tác nghiên cứu, nhưng họa sĩ Trang Thanh Hiền vẫn vẽ tranh, điêu khắc và tham gia nhiều hoạt động triển lãm nhóm trong và ngoài nước. Họa sĩ kể rằng, chị bắt đầu sáng tác từ những năm 2000 và vẽ khá nhiều; nhưng sau đó phải nhường toàn bộ tâm trí và thời gian cho sự nghiệp nghiên cứu mỹ thuật truyền thống, nên ít vẽ hơn. 20 năm sau, khi niềm đam mê giục giã, họa sĩ tìm lại những sáng tác trước đây và rất xúc động, muốn tiếp nối.

Họa sĩ Trang Thanh Hiền bên một tác phẩm tại triển lãm.

“Có thể nói “Ảnh xạ” không chỉ đơn thuần là một sự phản chiếu, hay sự ẩn tàng mà còn là một sự kết nối, giữa hiện tại và quá khứ, giữa những bóng hình biểu tượng đã định hình từ những năm 2000 để vượt thời gian, để hiện hữu trong sự đồng hành ngoạn mục giữa nghiên cứu và sáng tác. Tất cả như những khúc nhạc trong cuộc đời mình mà tôi muốn tỏ bày cùng bè bạn và công chúng”, họa sĩ Trang Thanh Hiền chia sẻ.

Chọn tên triển lãm là “Ảnh xạ” - đó là sự phản chiếu, sự in dấu, lúc tĩnh lúc động, lúc vô tình, lúc hữu ý. “Tôi có thể tự ví tâm hồn mình như một mặt nước hồ, nó ghi nhận phản chiếu vô vàn những khoảng khắc của cuộc sống và những tác phẩm của tôi, chính là sự khúc xạ trở lại những giá trị sống đó. Nó bao chứa trong đó không chỉ là hình màu, không chỉ là bút mực, không chỉ là kỹ thuật tạo hình mà cả những nghiên cứu trong suốt một hành trình ngược dòng tìm về mỹ thuật cổ, mỹ thuật Phật giáo và khai phóng tâm hồn mình lên những bức tranh”, tác giả cho biết.

Tác phẩm “Tơ lòng”

Tại triển lãm “Ảnh xạ”, họa sĩ Trang Thanh Hiền giới thiệu với công chúng 44 tác phẩm tranh vẽ trên giấy dó và điêu khắc gỗ, với 3 mốc thời điểm khác nhau, gồm một bộ 5 bức vẽ năm 2002; loạt tranh 12 bức vẽ năm 2022; loạt tranh in 18 bức kết hợp với vẽ mực nho, màu nước trên giấy dó và 9 bức tượng điêu khắc gỗ được sáng tác trong năm 2023. Các tác phẩm đều thấm đẫm những nghiên cứu của chị về mỹ thuật dân gian, truyền thống gắn với tôn giáo, cụ thể là Phật giáo. Xuyên suốt các tác phẩm của họa sĩ Trang Thanh Hiền trong triển lãm “Ảnh xạ” là hình tượng Đức Phật ngồi thiền, cùng với hoa sen – cũng là một biểu tượng của Phật giáo. Các tác phẩm ở triển lãm mang đậm màu sắc thiền định, như một hành trình ở cõi vô thường, là sự chiêm nghiệm với cả không gian và thời gian. Nhưng không chỉ có thế, “Ảnh xạ” không phải là những khoảnh khắc lặng im, cô độc hay quá trầm tư; “Ảnh xạ” có cả sự nồng ấm và hoan ca với bảng màu đa dạng, phóng bút tung tẩy, khoáng đạt. Triển lãm “Ảnh xạ” giống như một cuộc đối thoại nội tâm của họa sĩ Trang Thanh Hiền.

Ở đó, người xem có thể gặp nhiều đôi môi và những chiếc hôn của tình yêu. Như chị viết: "Nhiều chiếc hôn vào buổi sáng mùa thu/đặt dấu môi hồng lên gương mặt". Tranh có màu đỏ của môi, của phù sa, của hoa đang thắm; có màu xanh của núi non; có dông bão vần vũ, gió mưa và những hạt nắng của tình yêu… Còn có sen khi nở khi tàn, bay bay, rụng rơi rồi tái sinh vào kiếp khác.

Tất cả mọi thứ xung quanh tác động vào nội tâm nhưng Phật - hình tượng trung tâm lại tĩnh. Trang Thanh Hiền nói, trong tranh của chị, dáng ngồi của vị chư Phật là một ý niệm hiện hữu của thế giới tinh thần một cách trung trinh, ôm trọn vào đó các giá trị. 

Tác phẩm “Khúc hoan ca”.

Về họa sĩ Trang Thanh Hiền, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Trang Thanh Hiền không chỉ đam mê với lý luận mà còn thực hành nghệ thuật với năng lượng cháy bỏng. Ở lần ra mắt triển lãm cá nhân này, tác giả trình làng một nghệ thuật tổng hợp, đa diện với sự hòa trộn các ngôn ngữ của hội họa, đồ họa và điêu khắc; với sự dung hợp những biểu tượng truyền thống quen thuộc trong các hình thể mang tính nhận diện cá nhân”.

Về triển lãm “Ảnh xạ”, Phó giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Quách Thị Ngọc An cho rằng, những nét tạo hình chuyển biến trong các tác phẩm của họa sĩ Trang Thanh Hiền cho thấy việc định hình phong cách được khẳng định qua nhiều năm tháng. Chất liệu và kỹ thuật trong triển lãm này dường như được mở rộng hơn cùng với ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật. Trong tranh và tượng có cả tâm tư, bản ngã của con người, có mưa gió, núi sông, sen nở sen tàn…

Triển lãm “Ảnh xạ” diễn ra tại Phòng Bảo tàng, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), từ ngày 7 đến 15/11/2023.

Một số tác phẩm khác trong Triển lãm “Ảnh xạ” của họa sĩ Trang Thanh Hiền:

Tác phẩm: Cảm thức sen.

Tác phẩm: Mẹ.

Tác phẩm: Sen hồng 1.

Tác phẩm: Sen trắng 1.

Tác phẩm: Sông núi 1.

Tác phẩm: Tâm thiền.

Tác phẩm: Thiền 2.

Tác phẩm: Tình yêu.