ĐỜI SỐNG

Ba địa điểm không nên bỏ qua khi đến Tây Tạng

Anh Tuấn • 06-07-2023 • Lượt xem: 2785
Ba địa điểm không nên bỏ qua khi đến Tây Tạng

Ngày nay, khám phá Tây Tạng giống như lạc vào một nền văn hóa cổ xưa có niên đại gần 1.500 năm, nằm trong các thung lũng đầy hồ và cao nguyên đá. Đặt chân vào đền Johkang, cung điện mùa hè, cung điện mùa đông… ta không khỏi bất ngờ trước cảm giác tìm về chánh niệm và sự thanh bình.

Tin bài khác:

Khám phá 5 điểm đến đẹp quên lối về tại Bình Thuận

Umbria: Trái tim xanh của nước Ý

Lâu đài Heidelberg - Một kiến trúc tuyệt mỹ từng tồn tại

Đền Johkang

Đền Johkang và phố Barkhor bao xung quanh mình chính là khu vực linh thiêng và là “trái tim đang đập” của Phật giáo Tây Tạng. Quần thể di tích đã được xây dựng vào những năm 600 và được mở rộng suốt nhiều thế kỷ. Barkhor là một trong những địa điểm hành hương chính, nơi người Tây Tạng sẽ đến đi bộ cũng như cầu nguyện theo chiều kim đồng hồ quanh con đường Kora (linh thiêng). Người ta tin rằng mọi người Tây Tạng nên đến cầu nguyện tại Johkang ít nhất một lần trong đời.

Jokhang được thành lập dưới triều vua Songtsen Gampo. Theo truyền thuyết, ngôi đền này được xây cho hai hoàng hậu, là công chúa Văn Thành của nhà Đường (Trung Quốc) và công chúa Bhrikuti (Nepal). Cả hai được cho là đã mang những bức tượng và hình ảnh Phật giáo quan trọng từ Trung Quốc và Nepal đến Tây Tạng, và đặt ở đây như một phần hồi môn của hai người họ.

Công trình trải qua nhiều lần trùng tu cũng như mở rộng suốt một thế kỷ, và lần cuối cùng được ghi nhận là vào năm 1610 bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ năm. Đền Johkang cũng là trung tâm của một mạng lưới gồm các ngôi chùa Phật giáo cổ xưa ở Lhasa. Nó là tâm điểm của hoạt động thương mại trong thành phố, với nhiều nhánh rẽ đường phố tỏa ra từ nó.

Jokhang cách cung điện Potala khoảng một cây số về phía đông, và vẫn còn đang lưu giữ một bộ sưu tập những đồ tạo tác văn hóa khá lớn, quý giá và quan trọng, bao gồm các tác phẩm điêu khắc bằng đồng thời nhà Đường và các tượng được chạm khắc tinh xảo với các hình dạng khác nhau từ thời nhà Minh.

Cung điện Potala

Nằm bên sườn Marpo Ri (Núi Đỏ) ở phía Tây Bắc thành phố Lhasa, cung điện Potala là một quần thể công trình rộng lớn và đầy ấn tượng. Được xây dựng vào năm 637, đây là cung điện hoàng gia của Vua Songtsan Gampo. Năm 1645, Lozang Gyatso (Đại Đạt Lai Lạt Ma thứ năm) tái thiết cung điện Potala, từ đó nó đã trở thành nơi ở của ông và là trung tâm thần quyền của Tây Tạng.

Nó được coi là cung điện mùa đông của các Đức Đạt Lai Lạt Ma, và vào thời này, cũng đã trở thành biểu tượng quyền lực cũng như trung tâm hành chính cũ của Tây Tạng với nhiền gian nhà nằm trên sườn đồi. Năm 1994, quần thể di tích kiến tục được UNESCO công nhận là Bảo tàng và Di sản Thế giới.

Cung điện chứa 698 bức tranh tường, gần 10.000 bức tranh cuộn, nhiều tác phẩm điêu khắc, thảm, rèm cửa, đồ sứ, ngọc bích và các đồ vật bằng vàng và bạc, cũng như một bộ sưu tập lớn bộ kinh và các tài liệu lịch sử quan trọng. Ở phía Tây cao hơn ngọn núi, cung điện Đỏ chứa các bảo tháp mạ vàng chôn cất các Đạt Lai Lạt Ma trong quá khứ. Xa hơn về phía tây là tu viện riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Namgyel Dratshang.

Số lượng du khách đến với cung điện đã bị hạn chế ở mức 1.600 người mỗi ngày, với giờ mở cửa giảm xuống 6 giờ hàng ngày để tránh tình trạng quá tải làm xuống cấp di tích, tính từ thời điểm 2003. Theo đó cung điện thường đón trung bình 1.500 người mỗi ngày trước khi có luật can thiệp, và con số này có khi đạt đỉnh là hơn 5.000 lượt chỉ trong một ngày. Các chuyến viếng thăm mái của cấu trúc bị cấm hoàn toàn sau các nỗ lực trùng tu được hoàn thành vào năm 2006, để tránh làm hư hại thêm cấu trúc khác.

2 kết cấu chính của cung điện mùa đông gồm có Bạch Dinh (The Potrang Karpo) và Hồng Cung (The Potrang Marpo). Trong đó Bạch Dinh là nơi ở của Đức Đạt Lai Lạt Ma, chứa nhiều bảo tháp bằng vàng linh thiêng khác nhau, chính là lăng mộ của 8 vị Đạt Lai Lạt Ma trước đó. Trong khi đó Hồng Cung lại được sử dụng cho nghiên cứu tôn giáo và cầu nguyện Phật giáo.

Cung điện Norbulingka

Norbulingka, cung điện mùa hè trước đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma, được xây dựng vào thế kỷ 18, nằm trên bờ sông Lhasa cách Cung điện Potala khoảng 2 km hướng về phía Tây trong một khung cảnh xanh tươi vô cùng tuyệt đẹp. Nó bao gồm một khu vườn rộng với bốn quần thể cung điện và một tu viện.

Tất cả các gian nhà đều được tích hợp vào trong bố cục lấy vườn làm trung tâm, từ đó tạo ra một tác phẩm nghệ thuật đặc biệt có diện tích 36ha. Công trình được liên kết chặt chẽ với các vấn đề tôn giáo và chính trị, từng là nơi để suy ngẫm và ký kết các thỏa thuận chính trị trong quá khứ.

Cung điện với 374 phòng nằm cách cung điện Potala 3 cây số về phía Tây, và cũng từng được gọi là cung điện mùa đông. Nằm ở độ cao 3.650 mét trên mặt nước biển, Norbulingka được mệnh danh là "khu vườn làm vườn nhân tạo cổ đại cao nhất, lớn nhất và được bảo tồn tốt nhất thế giới".

30.000 di tích văn hóa của lịch sử Tây Tạng cổ đại hiện được bảo tồn tại đây. Bên ngoài có vườn trồng nhiều hoa hồng, dạ yên thảo, thục quỳ, cúc vạn thọ… rất nhiều những loại thảo mộc cũng như là các loại cây quý hiếm. Các loại cây ăn quả cũng xuất hiện ở đây, bao gồm táo, đào và mơ cũng như cây dương và tre….

Vào thời hoàng kim, Norbulingka cũng từng là nơi sinh sống của động vật hoang dã, như công và vịt brahminy. Khuôn viên rộng lớn và được bố trí hợp lý đến mức người sống trong đó còn được phép đạp xe xung quanh khu vực để tận hưởng vẻ đẹp của môi trường.

Ngày nay các khu vườn này vẫn là địa điểm dã ngoại yêu thích, và cũng là nơi tổ chức diễn kịch, khiêu vũ và lễ hội, đặc biệt là Lễ hội Shodun hay còn được gọi là Lễ hội sữa chua diễn ra thường niên vào đầu tháng 8 hàng năm, khi các gia đình cắm trại trong khuôn viên cung điện nhiều ngày, bao xung quanh hô là những khu vườn tràn đầy màu sắc.