Khám phá

Bác sĩ Lan Viên: Tìm thấy hạnh phúc từ CHIR chính là đồng hành cùng nhau để giảm áp lực y tế

NM • 09-12-2020 • Lượt xem: 2230
Bác sĩ Lan Viên: Tìm thấy hạnh phúc từ CHIR chính là đồng hành cùng nhau để giảm áp lực y tế

Bác sĩ Lan Viên, một phụ nữ tưởng như nhỏ bé, nhưng đã có một quá trình trải nghiệm thú vị, khi cô nghỉ việc ở một bệnh viện và dừng chân tại tổ chức CHIR vì một mục đích khác, ý nghĩa với cô hơn, đó là: Làm thế nào để môi trường làm việc ở bệnh viện vui vẻ, hiệu quả, đồng nghiệp quý mến và nâng đỡ nhau? Làm sao để giúp công việc đỡ áp lực, để họ vẫn còn năng lượng dành cho con, cho gia đình sau khoảng thời gian mỗi ngày tại bệnh viện? Làm thế nào để cho người dân bớt khổ khi vào bệnh viện?

HƯỚNG RẼ MỚI TỪ LẦN GẶP GỠ VỚI MỘT NHÂN VẬT ĐẶC BIỆT

Bác sĩ có thể chia sẻ về công việc trước đây của mình và lý do nào khiến một cô gái trẻ rẽ lối tìm sang một hướng đi khác cũng gắn bó với y tế nhưng rộng hơn công việc chuyên môn trước đó?

Đến với ngành y đa khoa là một cái duyên tình cờ của tôi vì hồi thi đại học tôi không thi y, nhưng tôi lại trở thành cô sinh viên y từ năm 2004 - 2010.

Sau khi tốt nghiệp Bác sĩ Đa Khoa tại Đại Học Tây Nguyên năm 2010, Lan Viên về TP.HCM để học chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh. Sau đó thì tôi về công tác tại Khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Lâm Đồng đến năm 2014.

Tôi thấy mình may mắn khi được quý nhân phù trợ trong giai đoạn vàng này (vì mình chưa có gia đình, sức trẻ, sức học còn hừng hực…). Tôi có một người sếp rất giỏi chuyên môn - BS Bùi Hoàng Hải Thủy tiếp cho mình tình yêu với Chẩn đoán hình ảnh, luôn sẵn sàng chỉ bảo cho những ai ham học hỏi, và có những người đồng nghiệp thân luôn hỗ trợ, động viên mình. Anh tôi là BS. Phan Thạch Khuê cũng hỗ trợ về chuyên môn và tinh thần. Đặc biệt ba tôi, và gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc nhất.

Giai đoạn đó làm việc cực lắm, cả khoa chỉ có sếp trưởng, sếp phó và tôi là bác sĩ duy nhất vì các anh chị bác sĩ đi học và nghỉ hậu sản đồng loạt. Nhưng mọi người làm rất hứng khởi và rất vui vì được đắm mình trong việc học những điều mới mẻ, hữu ích.

Năm 2014, tôi lấy chồng và chuyển về công tác tại Bệnh viện Đa Khoa Khu Vực Cai Lậy cho đến hết năm 2017. Tôi không chỉ làm chuyên về Chẩn đoán hình ảnh nữa mà làm đa khoa vì nhân lực thiếu nên hầu như các bác sĩ của bệnh viện đều chiến đấu trên nhiều mặt trận giống mình. Lúc đầu, cũng khó khăn lắm vì có quá nhiều thứ để học, để làm và nhiều áp lực, đi làm lúc nào mình cũng vác sách theo để xem khi cần, hồi đó mình chưa tận dụng để gom tất cả vào điện thoại trong lòng bàn tay như bây giờ. Bệnh viện công, bệnh nhân đông, bác sĩ ít nên tôi không dành được nhiều thời gian như mình muốn. Đa phần những bệnh nhân mình muốn xem kỹ, tư vấn kỹ đều hẹn họ lại cuối giờ hoặc gọi điện thoại sau đó. Quá trình làm việc tại nhiều vị trí, tiếp xúc với nhiều người, nhiều bộ phận, tham gia hoạt động Đoàn và đối mặt, chứng kiến nhiều tình huống khó đỡ hơn trong bệnh viện, có nhiều lúc tôi mệt nhoài, cảm thấy kiệt sức, nhất là khi có con nhỏ. Cũng may có chồng là chỗ dựa tinh thần để tôi vượt khó mỗi ngày. Tôi thích tạo không khí vui vẻ trong khoa để làm đỡ mệt mà khi đó tôi đâu có biết đó là làm “quản lý chất lượng” đâu.

Năm 2015, tôi được kết nối lại với chị Linh Phan sau 4-5 năm không liên lạc, rồi đươc chị ấy kết nối vào CLB Quản lý chất lượng & An toàn người bệnh. Chính chị là người bền bỉ truyền lửa chất lượng bệnh viện cho tôi trong suốt những năm qua. Lúc đầu, tôi chẳng để ý mấy vì thấy nó không nằm trong quan tâm của mình, dần dần thấy nó hữu ích nên mày mò áp dụng cho công việc. Thế là tôi bắt đầu tham gia các khóa học miễn phí của CLB, lớp đầu tiên tôi học là lớp TOT của thầy Trần Phong, lớp Nâng cao năng lực cảm xúc của BS Linh Phan, lớp Quản lý sự thay đổi của Thầy Ngô Đình Dũng, rồi lớp Lean Six Sigma của Thầy Huỳnh Bảo Tuân… Những khóa học đó không chỉ cho tôi nhiều kiến thức mới mẻ mà còn tiếp thêm cho rất nhiều động lực để vận dụng nó vào thực tế công việc.

Học được nhiều điều hay, tôi háo hức vận dụng nó vào thực tế bằng tất cả sự nhiệt thành, nhưng trong thực tế rất khác, nhiều khó khăn và thử thách lắm luôn, nhất là khi lúc ấy tôi là một nhân viên bình thường, tầm tác động chỉ như một viên sỏi đơn lẻ được ném xuống mặt nước để tạo nên những vòng loan ra trong chốc lát, thất bại nối tiếp thất bại, thất vọng đến thất vọng kia, khi tôi nghĩ mình cần làm gì đó tốt hơn cho bệnh viện, cho đồng nghiệp của mình, cho bệnh nhân của mình nhưng khả năng mình không đủ làm điều mình muốn.

Rồi tôi cũng lớn dần lên để biết thế giới bên ngoài thật rộng lớn và mình thì thật nhỏ, biết lượng sức mình hơn khi quyết định vận dụng những kiến thức về quản lý chất lượng ở quy mô khoa Chẩn đoán hình ảnh của mình. Vì nhân lực ở khoa mỏng nên tôi cần hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn trước, các hoạt động về quản lý chất lượng trong khoa tôi thường làm khi rảnh, làm ngoài giờ, có khi làm lúc ra trực. Giây phút hạnh phúc nhất của mình trong thời gian làm việc tại khoa là lúc tôi chứng kiến đồng nghiệp tranh luận sôi nổi khi tham gia vào hoạt động cải tiến chất lượng mà tôi bày ra. Năm 2017, khoa tôi hầu như ai cũng có một sáng kiến cải tiến được công nhận, dù 2 đề án cải tiến do tôi và trưởng khoa đứng ra không được duyệt nhưng với tôi niềm vui cùng thành quả của khoa đạt được là món quà rất lớn với bản thân mình. Rồi tôi nghỉ việc ở đó năm 2017…


Bác sĩ Phan Thị Lan Viên (thứ 8 từ trái sang) thay mặt CHIR nhận giải thưởng doanh nghiệp có tác động xã hội năm 2020

NHIỀU CƠ HỘI MỞ RA KHI ĐẾN VỚI CHIR

Việt Nam với một nền y tế tiến bộ, tiến bộ vì sự thay da đổi thịt rõ lên từng ngày. Nhưng cũng vì vậy mà bệnh như nhiều hơn, phức tạp hơn và áp lực của người làm trong ngành thật khó nói hết bằng lời mà chỉ người đã trải qua rồi mới cảm nhận được. Nhưng chỉ cảm nhận được thôi là chưa đủ, để họ có thể tiếp tục trong sự phấn khởi, giàu năng lượng cho công việc mỗi ngày và lâu dài là cả một vấn đề không chỉ riêng ai. Vậy đây có phải là khởi nguyên của một tinh thần nhân văn – một mục tiêu cho việc bác sĩ chuyển việc và dấn thân vào tổ chức ChIR?

CHIR được thai nghén vào năm 2017 khi có sự xuất hiện và trở về từ Úc của anh Dimitry Tran (Anh Trần Đặng Minh Trí - Chủ tịch của CHIR) cộng hưởng với tâm huyết bao lâu nay của chị Linh Phan, anh Thế Anh cũng như sự chung tay của em Hoàng Phụng, chị Lily Trang Phạm, anh Phương Danh và nhiều người khác. Và vào cuối năm 2017, CHIR được thành hình và chuẩn bị cho sự chào đời vào năm 2018 là tư cách pháp nhân chính thức của CLB Quản lý chất lượng và An toàn người bệnh với mong muốn kiến tạo một nền y tế tốt hơn cho người bệnh, cho nhân viên y tế và cho cả cộng đồng. 


Bác sĩ Lan Viên tập huấn về Hướng dẫn giáo dục người bệnh tại Bệnh Viện tỉnh Tây Ninh

Thật ra lúc đầu, khởi nguyên của việc chuyển việc không phải là một tinh thần nhân văn to lớn đâu ạ, mà nó xuất phát từ tình thương mình dành cho con mình, cho đồng nghiệp và con của họ, cho bệnh nhân của mình. Tôi đã từng nghĩ sẽ tạm ngưng việc bệnh viện, chỉ làm phòng khám ở nhà từ khi mang thai bé thứ nhất vì mình muốn đồng hành cùng con, đến khi có con, những áp lực quá nhiều từ công việc, có nhiều khi kiệt sức đến nỗi không chăm được con như mình mong muốn, rồi mình nhìn quanh, mình thấy nhân viên y tế, con họ sao đáng thương quá, tôi tự hỏi liệu có cách nào giúp họ và giúp cả mình không? Làm thế nào để môi trường làm việc ở bệnh viện vui vẻ, hiệu quả, đồng nghiệp quý mến và nâng đỡ nhau để giúp công việc đỡ áp lực để họ vẫn còn năng lượng dành cho con, cho gia đình sau khoảng thời gian làm tại bệnh viện không? Làm thế nào để cho người dân bớt khổ khi vào bệnh viện không? Tất cả những điều ấy đau đáu trong tôi và sự xuất hiện của CHIR với tầm nhìn, sứ mệnh và giá trị phù hợp với quan điểm cá nhân là cú hích cuối cùng giúp mình ra quyết định nghỉ làm ở bệnh viện. 

CHIR sắp tròn 3 tuổi, hành trình đồng hành cùng CHIR là hành trình có nhiều trải nghiệm với nhiều thách thức lẫn cơ hội giúp tôi lớn lên rất nhiều, không có CHIR chắc sẽ không có tôi như hiện tại. Tại đây, tôi có cơ hội được tiếp xúc, lắng nghe, học hỏi từ những người giỏi trong ngành lẫn ngoài ngành để khai phóng tầm nhìn hạn hẹp của mình. Ở CHIR tôi được kết nối với cộng đồng y tế khắp cả nước, có cơ hội được cống hiến và hiện thực hóa những mong ước của mình theo cách mình muốn. CHIR đem đến cho tôi nhiều cơ hội: Cơ hội được bày tỏ niềm tự hào dân tộc khi chia sẻ về hành trình nhân văn của CHIR đến bạn bè quốc tế trong chuyến đi Úc năm 2019, cơ hội được ở trong cộng đồng những bạn trẻ nhiệt huyết, giỏi giang của Học viện lãnh đạo ABG... Cơ hội được cống hiến ở CHIR còn cho cơ hội để hai vợ chồng tôi đồng hành cùng nhau nữa.

Hiện tại, ở đây tôi đang phụ trách lớp Thiết kế tài liệu Hướng dẫn - giáo dục người bệnh bằng Công cụ Canva, đồng giảng với BS Linh Phan lớp Hướng dẫn - giáo dục người bệnh.

Lan Viên lẫn ông xã mình - anh Phương Danh vốn là dân Chẩn đoán hình ảnh nên chúng tôi đang chuẩn bị để năm sau chạy chương trình đào tạo online kết hợp tư vấn cải tiến khoa Chẩn đoán hình ảnh. Đó cũng là tâm nguyện và cũng là lời tự hứa của tôi khi được các đồng nghiệp chẩn đoán hình ảnh ở Úc nhiệt tình hướng dẫn khi có dịp sang Úc học tập vào cuối năm ngoái.

Ngoài ra tôi còn phụ trách hai dự án cộng đồng của CHIR: Áo Blouse Màu và An toàn cho trẻ (dự án an toàn cho trẻ hiện tại tạm trì hoãn một thời gian do Lan Viên đang trong đợt cao điểm của một khóa học).

Có những người họ gắn bó hai mươi năm, ba mươi năm thậm chí nhiều hơn cho ngành Y vì mục tiêu cao cả chữa bệnh cứu người. Nhưng bác sĩ Lan Viên lại rẽ hướng đi sang cách nuôi dưỡng cảm xúc tích cực và hỗ trợ tinh thần cho cán bộ, nhân viên y tế, bác sĩ cảm thấy sự lựa chọn của mình mang lại điều gì cho mình và cho người?

Tôi luôn luôn dành sự kính trọng, nể phục và tình thương đặc biệt cho các đồng nghiệp dành nhiều năm cho nghề vì tôi biết đó không chỉ là trách nhiệm, tình yêu nghề mà còn cả sự hi sinh rất lớn của chính bản thân họ, của người vợ, người chồng, của những đứa con và gia đình họ.

Tôi trải qua những khó khăn, thăng trầm của nghề dù 10 năm cũng chỉ là đoạn đường ngắn nhưng mình phần nào hiểu được những khó khăn, thử thách, đắng cay lẫn niềm vui thầm lặng của nghề.

Nhân viên y tế là người đi chăm sóc sức khỏe cho người khác, ai cũng nghĩ là họ sẽ tự biết cách chăm sóc sức khỏe cho bản thân như một sự hiển nhiên, chính nhân viên y tế cũng nghĩ họ cần gồng lên để làm điểm tựa cho bệnh nhân, cho gia đình, cho người khác do công việc buộc như vậy, dần dần thành thói quen, quen tới nỗi có áp lực tự chịu, tự xoay và khó mở lòng với người khác khi nói về khó khăn của mình.

"Mình chọn nghề rồi, mình phải chịu và cố gắng". Nghe vậy mình thấy thương lắm…

Chọn con đường nuôi dưỡng cảm xúc tích cực và hỗ trợ tinh thần cho cán bộ, nhân viên y tế, bác sĩ, thật ra đó là tôi đi tìm lời giải cho chính mình và vấn đề về tinh thần của nhiều đồng nghiệp y tế khác trong đó có nhiều người thân thương của mình, nếu làm hiệu quả mình thấy mình sẽ được yên an, hạnh phúc, nhiều người thân của mình, nhiều đồng nghiệp của mình cũng vậy. Và khi đó, bệnh nhân sẽ được nâng đỡ bởi chính nội lực, lòng trắc ẩn tự bên trong của nhân viên y tế một cách tự nhiên như hơi thở. Hiện tại, tôi thấy hành trình mình đi được sự chung vai vì giúp sức của nhiều người, được nhiều đồng nghiệp quan tâm hơn, bước đầu kết nối hỗ trợ được anh chị em về kỹ năng để có đời sống tinh thần lành mạnh. Sự phản hồi tích cực của mọi người sau mỗi hoạt động là niềm động viên lớn giúp tôi tiến lên phía trước. Và tôi nghĩ chương trình đang dần cắm rễ để là điểm neo cho nhiều nhân viên y tế giúp họ cởi mở hơn, quan tâm tới sức khỏe tinh thần của chính mình và biết đến Áo Blouse Màu có thể kết nối khi cần hỗ trợ về mặt sức khỏe tâm thần.

CHIR đại diện cộng đồng y tế Việt Nam đến thăm và chụp hình lưu niệm với nhà sáng lập Canva ở trụ sở chính của Canva tại Sydney năm 2019.

ÁO BLOUSE MÀU VÀ HẠT GIỐNG TÂM HỒN ẨN SÂU BÊN TRONG

Dự án Áo Blouse Màu hàm chứa những thông điệp gì và những công việc thú vị như thế nào? Hiện Áo Blouse Màu đã đi tới chặng đường nào rồi và cần tiếp thêm sức như thế nào để lớn mạnh và lan tỏa?

Chương trình Áo Blouse Màu có một vài thông điệp.

Thông điệp thứ nhất từ chính cái tên, vì sao không phải là Áo Blouse Trắng mà lại là Áo Blouse Màu.

Dân y mình ngày ra trường, ai cũng tự hào khi được khoác trên người chiếc áo blouse trắng tinh tươm, đọc lời thề Hippocrates như lời hứa với tổ nghiệp, tự hào lắm chứ vì đó là cả hành trình nỗ lực bền bỉ không chỉ của tụi tôi mà còn của gia đình, của người thân.

Chiếc áo blouse trắng biểu tượng cho sự thanh khiết, cao cả và trong sáng như tấm lòng của người thầy thuốc, người nhân viên y tế dành cho những bệnh nhân của mình và ẩn sau đó là rất nhiều áp lực vô hình khi không được phép sai sót vì phải trả giá bằng sức khỏe, mạng sống của con người; không được phép mệt mỏi, kiệt sức vì bao bệnh nhân đang đợi… Nhân viên y tế cũng là con người bình thường như bao người khác với hỉ, nộ, ái, ố ...đủ cả. Ở một góc nhìn khác, áo blouse trắng như đời sống tinh thần đơn điệu, người làm nghề lâu năm lắm khi bị cuốn vào vòng quay của công việc, của áp lực của nghề, áp lực đời sống đè lên họ rất nhiều.

Chính vì vậy, hình tượng Áo Blouse Màu ra đời với mong muốn cuộc sống tinh thần của nhân viên y tế có nhiều gam màu của cuộc sống, công việc, nó có thể là gam màu trầm, buồn trước những vô thường mà nhân viên y tế chứng kiến trong bệnh viện những cũng có thể là những màu tươi vui, ấm áp của sự sẻ chia, của tình người, của hạnh phúc trong đời sống của nhân viên y tế. Với hình tượng này, chúng tôi chúng mong muốn từ phía cộng đồng người dân có cách nhìn khách quan hơn, đồng cảm hơn với nhân viên y tế - những con người bình thường được trao nhiệm vụ, sứ mệnh chăm lo sức khỏe người dân chứ không phải là nhân vật phi thường, kiệt xuất nào cả.

Slogan của chương trình "Bạn chăm sóc người dân, chúng tôi chăm sóc bạn" với mong muốn truyền đến cộng đồng nhân viên y tế rằng các bạn luôn có một điểm tựa vô hình ấm áp luôn mong muốn và sẵn lòng tìm cách hỗ trợ các bạn trong khả năng của chúng tôi, là điểm neo giúp các bạn cảm thấy yên an hơn giữa sóng gió, bão táp của nghề.

Hiện tại, Áo Blouse Màu đã làm được 9 hoạt động hỗ trợ xoay quanh các hoạt động hội thảo online để giúp tăng nhận thức của nhân viên y tế về chăm sóc sức khỏe tinh thần, hoạt động giải trí giảm stress, kết nối lớp chuyên sâu để hỗ trợ kỹ năng vượt stress của nhân viên y tế, kết nối chuyên gia tâm lý khi họ có nhu cầu. Lan Viên đang chuẩn bị cho các hoạt động cải thiện mối quan hệ xã hội trong bệnh viện để chạy vào đầu năm 2021.

Lan Viên đang muốn làm một sự kiện offline cho chương trình có tên gọi là Ngày hội Áo Blouse Màu tích hợp các hoạt động offline như Chiến dịch đi bộ, thi vẽ tranh với chủ đề "Nghề của ba/mẹ" dành cho nhân viên y tế hay hội chợ giảm giá cho nhân viên y tế kết hợp với Gala Vinh danh những người đồng hành, cống hiến vì chương trình vào tháng 3 năm sau để tạm kết thúc giai đoạn 1, sau đó sẽ xin tài trợ, nếu được sẽ tiếp tục hỗ trợ các chương trình chuyên sâu về vấn đề này cho nhân viên y tế.

Lan Viên đang cần hỗ trợ các nguồn lực: những chuyên gia ngoài ngành quan tâm và muốn cống hiến cho cộng đồng y tế về lĩnh vực này, cần nhân lực để chạy truyền thông cho chương trình, cần kinh phí để tổ chức các chương trình hiệu quả hơn nữa. Hiện tại do kinh phí hạn hẹp, dịch bệnh Covid nên CHIR ưu tiên chạy những chương trình online là chính và tận dụng các nguồn lực đang có.

Theo bác sĩ Lan Viên, một người làm việc trong lĩnh vực Y tế nói chung hoặc một bác sĩ làm việc tại bệnh viện nói riêng, họ cần trang bị cho mình một “hành trình nội tại” như thế nào để có thể làm người chữa khỏi cho bệnh nhân và chữa khỏi cho chính mình trước những áp lực công việc?

Mình nghĩ một khi đã chọn nghề Y là mình đã chọn sự hi sinh và cho đi rất nhiều, điều đó có nghĩa là mình cần được biết và chấp nhận những áp lực vốn có của nó để trang bị cho mình nội lực, tâm thế lẫn vũ khí chiến đấu từ những ngày mình chọn để thi vào ngành này.

Lan Viên mong sao các bạn học sinh, trước khi đăng ý vào y sẽ được trò chuyện thật kỹ, thật rõ về những niềm vui, giá trị vô giá của nghề lẫn khó khăn, thách thức cần phải đối mặt bởi những đàn anh, đàn chị làm nghề đi trước. Điều này cũng cần liên tục được trang bị thêm cho các bạn sinh viên y dược, không chỉ kiến thức mà còn về kỹ năng (kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần của chính mình...) và có sự chuẩn bị cho các thách thức trong quá trình làm nghề. Đó là những điều chỉnh tận gốc.

Còn đối với phần đông các anh chị em đồng nghiệp y tế đang căng mình với nhiều áp lực, mình mong sao các anh chị được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng làm việc để có thể giảm thiểu tác động của sự quá tải hiện tại, nhưng đó cũng chỉ là phần ngọn, một phần gốc rễ nữa mang tính hệ thống đó là những chính sách hỗ trợ lẫn việc cải tiến vận hành tại các đơn vị y tế để công việc hiệu quả hơn. Nói thì dễ nhưng để triển khai được cũng còn vô vàn thách thức và cần nhiều thời gian. Thôi thì, mình cứ "lấy ngắn, nuôi dài" bằng việc động viên anh chị em, hỗ trợ anh chị em cải thiện đời sống tinh thần của chính mình trong khả năng của mình thông qua chương trình Áo Blouse Màu chẳng hạn.

Cô gái nhỏ bé và những cộng sự quốc tế với khát vọng mang hành trình của CHIR lan tỏa

Trong số những hoạt động tại Chir và chương trình Áo blouse màu, có nhân vật nào hay câu chuyện nào đặc biệt thú vị và khiến bác sĩ nhớ mãi cũng như muốn chia sẻ?

Chương trình Áo Blouse Màu mới chính thức công bố và chạy vào cuối tháng 10 vì mình chuẩn bị không kịp chứ lẽ ra là chạy vào tháng 6, sau hoạt động khơi mào rất nhân văn, ý nghĩa mà mình có nhiều cảm xúc đó là cuộc thi viết "Tôi tự hào vì mình là Điều dưỡng" nhân kỷ niệm ngày Điều Dưỡng - Nữ Hộ Sinh 12.5. Bật mí một chút, mình là bác sĩ nhưng mình thấy mình luôn dành những ưu ái rất đặc biệt dành cho các bạn điều dưỡng.

Lan Viên cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy - Tiền Giang ra quân cho hoạt động cải tiến tại khoa Chẩn đoán hình ảnh và các khoa liên quan - 2016

Lúc đầu, khi tổ chức, tôi đã được cảnh báo là có thể sẽ không nhận được bài dự thi vì các anh chị điều dưỡng không quen nói về mình. Tôi tổ chức mà cũng lo lắm dù vận động ngoài hành lang, trong hành lang, vận động "oang oang" hay "thủ thỉ, tâm tình" mà gần đến hạn nộp bài thấy cũng ít bài nộp quá chừng, không ngờ đến hạn nộp bài, mình nhận được 68 bài dự thi và gần 10 bài viết cổ động cuộc thi. Mỗi bài viết là một câu chuyện đầy xúc động. Trong đó, tôi ấn tượng với bài viết "Đêm trực đầu tiên kinh hoàng" của chị CNĐD Nguyễn Thị Đào ở Nghệ An. Tôi đọc mà xúc động không cầm được nước mắt, thấy thương sao là thương khi chị kể về đêm trực đầu tiên của chị, chị và các đồng nghiệp trong ekip phải tháo chạy trong hoảng loạn vì bị thân nhân bạo hành, đổ máu. Đó là một trong nhiều câu chuyện đau lòng về bạo hành nhân viên y tế khiến mình đau đáu mong mỏi làm thế nào để hỗ trợ các đồng nghiệp y tế nhiều hơn.

Xin cảm ơn chị và chúc chị cùng CHIR gặt hái được nhiều thành công và lan tỏa được giá trị nhân văn của mình!

Chương trình Áo Blouse Màu bao gồm chuỗi các hoạt động xoay quanh các hoạt động nhằm giúp:

  1. Cải thiện các mối quan hệ xã hội trong bệnh viện (giữa nhân viên y tế với bệnh nhân, thân nhân; giữa bác si-điều dưỡng, giữa sếp với lãnh đạo, giữa nhân viên cùng cấp) thông qua các hoạt động học giao tiếp thông qua việc phân tích các tình huống khó đỡ trong bệnh viện.
  2. Cung cấp kiến thức, kỹ năng giúp nhân viên y tế tăng năng lực quản lý stress thông qua các hội thảo và kết nối nhân viên y tế với các khóa học chất lượng.
  3. Kết nối nhân viên y tế gặp khó khăn, áp lực trong công việc, cuộc sống với các tổ chức tham vấn, trị liệu có uy tín.
  4. Tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí dành cho nhân viên y tế.