Duyên Dáng Việt Nam

Bãi biển - Nơi khắc ghi những giá trị văn hóa

Hòa Bảo • 18-08-2020 • Lượt xem: 1349
Bãi biển - Nơi khắc ghi những giá trị văn hóa

Mỗi bãi biển đều có một lịch sử… một lịch sử có thể sớm sẽ biến mất.

Hằng năm khi hè đến, hàng triệu người lại đổ xô đến các bãi biển, tận hưởng kỳ nghỉ hè dài ngày trong tiết trời ấm áp. Từ đảo Phú Quốc đến bãi biển Mỹ Khê hay Vinpearl Nha Trang, bạn sẽ bặt gặp đâu đâu cũng có hình ảnh tay kéo vali, bôi kem chống nắng, tắm mình dưới nắng. Cảnh tượng tương tự sẽ lặp lại trên toàn thế giới. Việc dành ra một ngày ở bãi biển gần như đã trở thành nghi thức văn hóa.

Tắm biển: Văn hóa sức khỏe

Làm thế nào mà bãi biển đã chuyển mình từ một nơi đầy rẫy nguy hiểm đến biểu tượng của những kỳ nghỉ dài tràn đầy cát trắng và sóng cuộn?

Chính sự phát triển của xã hội công nghiệp, đô thị đã gắn hình ảnh bãi biển với chủ nghĩa hưởng thụ: sức khỏe, sự tiêu khiển, nơi chạy trốn khỏi cuộc sống thường nhật. Chính những “khám phá mới” của châu Âu về bãi biển đã thay đổi suy nghĩ của con người về những nơi này – và cũng kèm theo những hậu quả cho môi trường.

Khoảng giữa thế kỷ 18, giới tinh hoa châu Âu bắt đầu truyền tai nhau những công dụng của không khí trong lành, thể dục và tắm biển. Đặc biệt ở Anh, quê hương của cuộc cách mạng công nghiệp, giới quý tộc và trí thức ngày càng quan tâm đến vấn đề sức khỏe. Họ cho rằng công nhân – tầng lớp ngày càng đông đảo ở các nhà máy và các thị trấn công nghiệp mới – trở nên khỏe mạnh nhờ lao động thường xuyên. So với họ, tầng lớp thượng lưu dường như quá mong manh và yếu đuối, và chính sự yếu kém thể chất đó sẽ khiến họ dần suy thoái.

Từ đây, khái niệm “biển phục hồi” ra đời. Các bác sĩ yêu cầu bệnh nhân lao vào vùng nước lạnh để được tiếp thêm sinh lực và kích thích sức khỏe. Khu nghỉ mát bên bờ biển đầu tiên được mở trên bờ phía đông nước Anh, nằm ở thị trấn nhỏ Scarborough gần York. Lần lượt các cộng đồng ven biển khác mở ra để phục vụ khách hàng – những người đang tìm kiếm phương pháp điều trị cho đủ các loại tình trạng: u sầu, còi xương, phong, gút, liệt dương, nhiễm trùng lao, các vấn đề kinh nguyệt.

Tắm biển chính là biểu tượng chính của văn hóa sức khỏe lúc bấy giờ!

 Ảnh: VIDAR-NORDLI-MATHISEN

Thời bấy giờ, nghệ thuật, thơ ca và văn học du ký cũng đã góp phần thổi hồn vào những bãi biến vốn từng gắn liền với những câu chuyện thủy quái li kì. Các nhà văn và nghệ sĩ lãng mạn đã viết nên những bài văn, bản nhạc bật lên cảm xúc và sự nhẹ nhõm gắn liền với… việc tản bộ dọc theo bãi biển ngắm nhìn bình minh, hoàng hôn.

Bờ biển, nơi từng đầy rẫy nguy hiểm, nay đã trở thành một địa điểm để đắm mình vào vẻ đẹp của tự nhiên.

Lần theo bước ngoặt này, đối với người châu Âu vào những năm 1840, bãi biển là một thứ gì đó hoàn toàn mới mẻ. Đây chính là thời điểm khởi đầu cho “sự thức tỉnh cho mong muốn mãnh liệt được đi biển”.

Các bãi biển đã trở thành một nơi tiêu thụ của con người, một nơi để “trốn thoát” khỏi thành phố và nỗi cực nhọc của cuộc sống hiện đại. Sự phổ biến của xe lửa và du lịch tạo điều kiện cho quá trình văn hóa và thương mại này ngày càng phát triển. Du lịch ngày càng rẻ và dễ dàng hơn. Ngày càng nhiều gia đình trung lưu tìm đến bờ biển.

Các thủy thủ đã từng dùng cụm từ “trên bãi biển” để chỉ tình trạng nghèo đói và bất lực, bị mắc kẹt hoặc bỏ lại phía sau. Giờ đây, cụm từ này lại toát lên một cuộc sống khỏe khoắn và tràn đầy niềm vui. Thuật ngữ “kỳ nghỉ” từng được sử dụng để mô tả tình trạng nghỉ việc bất đắc dĩ, bây giờ thì dùng để chỉ thời điểm nghỉ ngơi mà mọi người mong muốn.


Ảnh: MICHAELA

John K. Walton - tác giả của cuốn sách “Bờ biển nước Anh: Ngày lễ và khu nghỉ mát trong thế kỷ 20” đã viết rằng người Anh đã mang du lịch hiện đại đến với thế giới, “dù hậu quả ra sao”.

Giống như “ngành công nghiệp nhà máy, năng lượng hơi nước, phương tiện vận tải hiện đại và các sáng kiến ​​khác của Cách mạng công nghiệp”, các khu nghỉ mát bên bờ biển cũng là một sản phẩm xuất khẩu khác của Anh – một loại hàng hóa đặc biệt bắt nguồn từ các thị trấn ven biển Scarborough, Margate và Brighton mang theo đó là sự sùng bái về sức khỏe và sự giao thiệp với xã hội.

Trong “Buddenbrooks,” tác phẩm huyền thoại của Thomas Mann, các cuộc tụ họp bên bờ biển Baltic của gia đình và bạn bè là điều đương nhiên, giống như sự tồn tại của những tảng đá trên bờ. Nhưng sự thật lại hoàn toàn ngược lại: Chính những sự biến đổi không ngừng đã tạo ra bãi biển thế kỷ 19 cho xã hội châu Âu.

Mặt trái của văn hóa “bãi biển”

Sự xuất hiện của con người hiện đại đã làm thay đổi phong cảnh tự nhiên, định hình lại các thị trấn cũ. Trong cuốn tiểu thuyết “Sandition”, tác giả Jane Austen đã châm biếm những thị trấn ven biển “hợp thời trang” với bãi biển, gọi đây là kết quả của sự biến dạng tư bản và là điểm kết thúc của đời sống bình thường trong một cộng đồng ngư dân truyền thống.

Ở châu Âu, người ta nhìn nhận bãi biển như một lối thoát hoặc một nơi nghỉ ngơi. Biển cả hiện ra từ hư không, tách biệt hoàn toàn với hoạt động của con người. “Không có gì vĩ đại hơn biển cả” Walter Benjamin viết vào năm 1930, nhấn mạnh sự tồn tại mãi mãi của biển. Sự hấp dẫn của biển nằm ở chỗ nó không có lịch sử và địa điểm cụ thể.

Những ý nghĩa hiện đại này đã tước đi giá trị nội tại của bờ biển, Gillis nói. Điều này đã dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường.

 Mặt trái của văn hóa “bãi biển”. Ảnh: BEN-DEN-ENGELSEN

Trong một bài báo trên tờ New York Times, Gillis đã làm sáng tỏ một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Trái ngược với ảo tưởng về sự vô tận và vĩnh cửu của người hiện đại, “75-90% bãi cát tự nhiên trên thế giới đang biến mất,” ông lưu ý, “một phần do mực nước biển dâng cao và sự gia tăng các cơn bão, nhưng chủ yếu do hành động của con người”.

Gillis cho rằng các hành động diễn ra trên bờ biển dẫn đến nhiều thảm họa sinh thái: chính phủ nhập khẩu cát từ nước ngoài và đổ những xe tải đầy cát lên bờ biển cằn cỗi phía Đông Hoa Kỳ để đáp ứng sự mọc lên của những khu resort đẳng cấp.

Theo Gillis, dân số ven biển đã tăng lên 30% trong 30 năm qua. Bất động sản ven biển là một trong những tài sản giá trị nhất trên thế giới, và mặc dù bờ biển đã trở thành nơi sinh sống hấp dẫn, môi trường ven bờ lại đang gặp nguy hiểm. “Hằng năm các chính phủ trên khắp thế giới chi tiêu hàng tỉ USD để cố gắng ‘sửa chữa’ bờ biển để làm chúng phù hợp với những đường vẽ trên cát”.

Nơi khắc ghi những giá trị văn hóa

Tình trạng nguy hiểm của những bãi biển trên thế giới không chỉ là vấn đề sinh thái mà còn là một vấn đề văn hóa.

Như Rachel Carson đã viết trong “Biển cả quanh ta” một cuốn sách về lịch sử tự nhiên đầy trữ tình của các đại dương trên thế giới: bãi biển không hoàn toàn giống như biển cả.

Carson cho rằng: “Ranh giới giữa biển và đất liền là lằn ranh mơ hồ”. Sự khó nắm bắt này giúp giải thích tại sao bãi biển, cho đến gần đây, không có lịch sử, mặc dù nó là một hiện tượng toàn cầu. Người châu Âu thế kỷ 19 đã đi tìm kiếm những bờ biển hoang sơ trong đế chế thuộc địa của họ.

Thực sự thì mỗi đụn cát đều có lịch sử riêng, một bối cảnh chính trị và xã hội với động lực riêng về giới tính, chủng tộc và giai cấp. Nó góp phần vào sự nổi lên của một “ngoại vi niềm vui” toàn cầu, nơi vượt ra ngoài ranh giới của cuộc sống hằng ngày dành riêng cho việc theo đuổi sức khỏe và giải trí.

Chỉ biết rằng, ở đó, ta thấy “lịch sử của trái đất” trong “từng hạt cát.” Lời nói của cô là một lời nhắc nhở rằng bãi biển có một lịch sử… một lịch sử có thể sớm biến mất.

Bãi biển cần được trả lại vẻ đẹp nội tại vốn có của nó!

(Theo Smithsonianmag)