ĐỜI SỐNG

Bài học đau xót từ việc xem nhẹ những biểu hiện lạ của học sinh

Hạ Vũ • 25-04-2023 • Lượt xem: 4216
Bài học đau xót từ việc xem nhẹ những biểu hiện lạ của học sinh

Sau khi nhiều trang báo mạng đưa tin, vụ việc em nữ sinh lớp 10 trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử, nghi ngờ nguyên do bạo lực học đường đang gây ám ảnh không chỉ đối với học sinh mà còn với các cha mẹ, giáo viên và nhà trường. Việc xem nhẹ, không quyết liệt điều tra kỹ lưỡng, giải quyết những vấn đề khuất tất mà tuổi học trò gặp phải là một bài học ám ảnh với nhiều người.

Làm ngơ trước những biểu hiện lạ

Theo thông tin thu thập được, nạn nhân của bạo lực học đường tại trường THPT chuyên Đại học Vinh (Nghệ An) là em học sinh N.T.Y.N học lớp 10A15. Dù đang nắm giữ những thành tích xuất sắc và là niềm tự hào của gia đình, nhà trường nhưng em đã vĩnh viễn ra đi khi tuổi đời vừa tròn 17 tuổi vì nguyên nhân do bạo lực học đường kéo dài.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tâm lý Giáo dục Hà Nội, ông Nguyễn Tùng Lâm cho biết sau khi nắm rõ tình hình sự việc, ông phân tích. Thứ nhất, việc mẹ em Y.N rất yêu thương và quan tâm đến con, chưa kể khi nghe con bị chặn đường đánh, chị đã đến trường tận 2 lần để gặp hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm xin chuyển lớp cho con gái nhưng bị từ chối. Lần khác, chị đã phản ảnh tới giáo viên dạy giáo dục quốc phòng nhưng vẫn không được chấp thuận yêu cầu. Trong các tình tiết trên, ông Lâm cho rằng mẹ em Y.N vẫn còn lúng túng khi xử lý tình huống và không quyết liệt.

Ngoài ra, do không đánh giá được mức độ nghiêm trọng của sự việc và bảo đảm an toàn cho nữ sinh khi biết con bị đe dọa, dù đã có những biện pháp như đến gặp và trao đổi trực tiếp với giáo viên, nhà trường nhưng mẹ em Y.N lại không can thiệp để giải quyết triệt để vấn đề. Mặc khác, phụ huynh của em Y.N quá độc lập, không có sự phối hợp với giáo viên, nhà trường, bạn bè của con.

Ông Lâm giả định tình huống, nếu như không gặp trực tiếp được giáo viên hay ban lãnh đạo nhà trường, mẹ của Y.N có thể gặp và trao đổi với học sinh trong lớp để tìm hiểu nguyên nhân. Trừ trường hợp bất đắc dĩ không thể can thiệp, phụ huynh có thể đề nghị xin chuyển trường cho con hoặc thậm chí cho con nghỉ học tạm thời cho đến khi tinh thần ổn định.

Về phần giáo viên chủ nhiệm, khi nắm rõ vấn đề học sinh đang gặp phải thông qua các biểu hiện như: nghỉ học nhiều, sợ đi học và hỏi về mẫu đơn xin chuyển lớp nhưng đã hết sức chủ quan, can thiệp qua loa, không dành thời gian giải quyết và thấu hiểu nỗi u uất, lo sợ của học trò.

Về phía Hiệu trường nhà trường, ông Lâm nhận xét chính thái độ thờ ơ, không kết nối giữa học sinh và giáo viên để cùng trao đổi và bàn luận đến lý do chuyển lớp là gì đã một phần gián tiếp tạo nên nỗi đau xót day dứt trong vụ việc trên.

Chủ tịch Hội đồng tâm lý Giáo dục Hà Nội, ông Nguyễn Tùng Lâm phân tích và giả định tình huống sau việc xem nhẹ biểu hiện của học sinh

Không ai có thể thay thế nhà trường và gia đình

Một số các chuyên gia tâm lý nói rằng, để hạn chế những trường hợp tương tự về nạn bạo lực học đường, phía gia đình và nhà trường cần hiểu rõ việc nhìn nhận để thay đổi thái độ, hành vi, nhận thức bên trong mỗi người có vai trò vô cùng quan trọng.

Bên cạch đó, các chuyên gia nói thêm đề phòng tránh bạo lực học đường, nhà trường cần đẩy mạnh và nâng cao công tác giáo dục thông qua các bài học liên quan đến tư tưởng, tình cảm của học sinh, mở các buổi đàm thoại về tư vấn tâm lý học đường. Nhà trường cần đưa ra hướng giải pháp phù hợp đối với tâm lý của học sinh ở lứa THCS và THPT.

Đại diện nhà trường và gia đình cần hiểu rõ và nhìn nhận sự việc đa chiều để có hướng giải quyết phù hợp nhất

TS. Nguyễn Tùng Lâm nói thêm các công tác giáo dục kiến thức, kỹ năng của nhà trường hiện nay đang quá đặt nặng tinh phong trào và phổ cập kiến thức đồng đều cho tất cả học sinh chứ không hướng đến từng cá thể. Do đó đã chưa mang lại giải pháp hiệu quả cho nền giáo dục nói chung và vấn đề bạo lực học đường nói riêng.

Ông Lâm kết luận, nền giáo dục cần phải tạo cho học sinh có động lực sống, tìm ra giá trị văn hóa, động viên học sinh hướng tới chân – thiện – mỹ. 

Hình ảnh: Internet