Duyên Dáng Việt Nam

Bạn dạy con hiểu về tiền như thế nào?

Lan Phương • 19-06-2019 • Lượt xem: 1137
Bạn dạy con hiểu về tiền như thế nào?

Nhiều câu nói cha mẹ hay nói với con về tiền, ví dụ như: Tiền không phải là tất cả, người giàu thường là không tốt... đều là những câu nói mang tính chất tiêu cực, ảnh hưởng không nhỏ tới tương lai phát triển sự nghiệp của con cái.

Nhiều bậc phụ huynh vì muốn con có một tinh thần cao thượng, luôn dạy rằng “Tiền không quan trọng”. Thế nhưng chẳng bố mẹ nào mong muốn sau này con cái trở nên nghèo khó. Nuôi dưỡng một đứa con giàu có về mặt tinh thần chẳng có gì sai, nhưng muốn giàu có tinh thần cũng cần phải dựa vào vật chất. Ví dụ như một người có trái tim ấm áp nhưng chẳng bao giờ giải quyết nổi bài toán kinh tế gia đình, liệu anh ta có được hạnh phúc hay không?

Giống như tất cả các loại hình giáo dục khác, giáo dục tài chính kinh doanh cũng rất phức tạp. Vì thế phụ huynh trước khi muốn dạy con về lĩnh vực này cần tự mình tìm hiểu kỹ kiến thức, áp dụng các tình huống thực tế trong gia đình, ngoài xã hội để tìm ra phương pháp thích hợp nhất cho con.

Hình minh họa

T. Harv Eker cho rằng giáo dục tài chính kinh doanh rất quan trọng, được thực hiện theo từng bước. Ở mỗi độ tuổi trẻ em có cách tiếp nhận khác nhau về sự giàu có. Điều này cũng có nghĩa khi tiến hành dạy con, mỗi độ tuổi sẽ có nội dung trọng tâm khác nhau.

3 tuổi: Nhận biết giá trị của tiền tệ

5 tuổi: Giúp trẻ hiểu được lao động là được trả bằng tiền đồng thời yêu cầu trẻ giúp đỡ những công việc trong gia đình.

6 tuổi: Cho trẻ học cách đếm số tiền lớn và học cách tiết kiệm tiền.

7 tuổi: Xem tỷ giá và quy đổi với tiền trẻ đang sở hữu.

8 tuổi: Dạy trẻ cách mở tài khoản ngân hàng để tiết kiệm tiền và có thể tiết kiệm tiền cho mình.

9 tuổi: Trẻ có thể tự lên kế hoạch kiếm tiền và mặc cả với người thuê mình.

10 tuổi: Biết cách tiết kiệm tiền và mua những mặt hàng có giá trị cao.

11 tuổi: Học cách đánh giá các quảng cáo thương mại. Tìm được hàng hóa giá rẻ, có chất lượng tốt và hiểu được khái niệm hàng giảm giá.

12 tuổi: Biết trân trọng đồng tiền và luôn có ý thức tiết kiệm.

Sau 12 tuổi: Có thể tham gia đầy đủ các hoạt động thương mại, quản lý tài chính, giao dịch và các hoạt động khác trong xã hội mình đang sống.

Theo T. Harv Eker, sau khi làm rõ tầm quan trọng của sự giàu có, cần phải có những bài học thiết thực, cụ thể để trẻ hiểu được rõ kinh doanh tài chính. Ví dụ như về mặt tiêu dùng, trẻ em nên được dạy cách sử dụng tiền và sau đó dạy trẻ cách kiếm tiền.

Một phương pháp giáo dục tài chính hợp lý là không để trẻ em tiết kiệm tiền bằng mọi cách. Cũng đừng dạy trẻ em rằng tiêu tiền là xấu. Hãy cho trẻ một không gian để khám phá nhằm tạo ra thói quen tiêu dùng thông minh qua các bài học thực tiễn.

Robert Kiyosaki, tác giả của Rich Dad, Poor Dad (Cha giàu, cha nghèo) đã từng nói: “Nếu bạn không dạy con mình về tiền, sẽ có những người khác thay thế bạn. Nếu bạn muốn ngân hàng, chủ nợ, cảnh sát, thậm chí là kẻ lừa đảo thay thế bạn dạy con, đó có lẽ là trải nghiệm chẳng thú vị chút nào”.

Vậy đừng chần chừ khi giáo dục con về tài chính kinh doanh ngay từ bây giờ.