Duyên Dáng Việt Nam

Bạn không cô đơn (tiếp theo)

Thoại Vy • 15-06-2018 • Lượt xem: 1139
Bạn không cô đơn (tiếp theo)

Tiếp tục những dòng tản mạn của thành viên Thoại Vy gửi đến Duyên Dáng Việt Nam về nỗi buồn và sự cô đơn của những con người đa sầu đa cảm.

 Thứ nhất là tìm cách kết thúc cảm thức “thiên địa chi du du”, như kiểu thổ lộ đầy ám ảnh phận người của Trần Tử Ngang trên đài U Châu thuở nọ. Văn sĩ Tây chán đời cô độc phải kể đến tiểu thuyết gia người Mỹ lừng danh: Hemingway - tự sát bằng súng. Tiếp đến là cách kết thúc cuộc đời u uẩn bằng dây thừng của thi sĩ Esenin.

Bạn đọc ắt mến mộ nhà thơ Nga nổi tiếng tài hoa, đa cảm này qua thi phẩm “Thư gửi mẹ”. Stefan Zweig - nhà văn, nhà viết kịch người Áo lừng danh với các tác phẩm “Bức thư của người đàn bà không quen”, “24 giờ trong đời một người đàn bà”… - trước lúc kết thúc đời mình (oái oăm thay!) lại viết một cuốn sách bàn về ý nghĩa sự sống.

Ảnh minh họa từ Internet

Cuốn sách “Thế giới của ngày hôm qua” được hoàn thành chỉ một ngày trước khi ông tự sát.  Thi sĩ Tàu vang danh có ông Lý Bạch uống rượu suông dưới trăng, ngắm bóng mình bóng nguyệt mãi đâm chán, bèn trầm mình tự vẫn. Hay xót xa không kém là cái chết oan khiên của người con gái tài sắc Trương Quỳnh Như, người yêu của nhà thơ tài kiêm văn võ là Phạm Thái (1777-1813). Trương Quỳnh Như bị ép gả cho người khác, đã phẫn uất quyên sinh, khiến Phạm Thái đẫm lệ khóc nàng qua đoản văn trác tuyệt “Văn tế Trương Quỳnh Như”.

Cách thứ hai là bị ép buộc qua đời. Trước triều đình phong kiến bại hoại, Cao Chu Thần vẫn giữ khí tiết tùng bách ngay thẳng. Đối diện với cái chết, danh sĩ họ Cao vừa lẫm liệt hiên ngang vừa hài hước chua chát “Ba hồi trống giục mồ cha kiếp/ Một nhát gươm đưa bỏ mẹ đời”. Mấy câu điếu văn ngang tàng đến bất cần ấy, thật khó hiểu với người văn chương khuôn mẫu như Cao Bá Quát. Họ Cao vốn nổi tiếng là một nhà nho ao văn ruộng chữ, sinh thời đã viết nhiều áng văn ai điếu cho bằng hữu chi giao – được xem là mẫu mực của khuôn vàng thước ngọc.

Sao hơi chữ khóc mình lại đâm ra … cách tân, hậu hiện đại đến thế !? Hay khi khóc mình, Cao Chu Thần mới nếm tận cùng vị cô độc giữa cõi thế nhân ta bà, nhiều hệ lụy đau đớn, nên chữ nghĩa vượt ra ngoài khuôn sáo văn mẫu ?! Người đọc hẳn không thể quên “ca” ám sát đê hèn “Lễ tiên binh hậu” của Hồ Tôn Hiến – mệnh quan triều đình, dẫn đến cái chết tức tưởi mà bi tráng nghìn thu trong kiệt tác “Truyện Kiều”:

Khí thiêng khi đã về thần

Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng

Trơ như đá vững như đồng

Ai lay chẳng chuyển ai rung chẳng dời

Có thể nói, thiên tài Nguyễn Du đã thật sự ngả mũ đau xót trước cái chết của nhân vật Từ Hải. Và người đọc, không dưng cũng nghiêng mình kính cẩn trước mấy dòng thi điếu lẫm liệt, hào sảng kia (Than ôi, ai tai ! Có linh xin hưởng).

Bạo chúa Tần Thủy Hoàng cuối đời khao khát trường sinh bất lão. Đến nỗi bị tập đoàn đa cấp bao gồm nhóm thuật sĩ lang băm dùng xảo ngôn lừa bịp. Bọn họ bịa chuyện hoang đường rằng ở biển Đông có ba hòn đảo tiên, trên đảo chứa vô số thần dược quý báu là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Tần Thủy Hoàng thiên bẩm thông minh, nhưng hồ đồ trước số mệnh, nhất thời u mê tin sái cổ. Ông ta dốc bao nhiêu của cải, châu báu truy tìm tiên đơn hão huyền, để rồi chết thê thảm trong đống cá thối khi vừa 49 tuổi. Ai đó chép miệng “Bốn chín chưa qua, năm ba đã đến …”.

  Người viết chẳng rõ vận hạn đời người kia có lậm/ nhiễm vào thơ hay không. Chỉ biết vài năm gần đây, thiên hạ có ý tiễn biệt “Ngày thơ Việt Nam” bằng một bài văn điếu thống thiết, ngang tầm nhả ngọc (thành tiếng, thành chữ) phun châu (thành thơ, thành lệ) thì phải. Các nhà thơ tâm huyết trầm ngâm cho rằng tại thơ “sinh bất phùng thời” nên yểu mệnh. Chẳng trách thi nhân ngày nay đa phần phong độ chính khí, mà vẻ mặt thoáng nét lâm li bải hoải như vừa bước ra từ một đám hiếu.

Người viết tha thiết mong mỏi những thi hữu thân thương, đáng kính của mình không vì hiệu ứng tự sát “dây chuyền” của hàng loạt đại văn hào xứ sở Mặt trời mọc (đã dẫn ở phần viết trên), rồi đồng loạt mượn thơ tự vẫn hoặc ai oán thảo thi điếu cho nàng thơ.

Bạn đọc mấy dòng tản mạn tôi viết có biểu quyết đồng tình chăng? Nếu đúng thế, hẳn bạn không cô đơn.