Duyên Dáng Việt Nam

Bán mình chuộc ai?

Thoại Vy • 15-07-2018 • Lượt xem: 1223
Bán mình chuộc ai?

Mùa World Cup còn tiếp diễn. Cuộc “doanh thương sôi nổi” ở các tiệm cầm đồ, các vụ cá cược và bi kịch hậu World Cup vẫn chưa kết thúc. Những thương vụ trên khoanh vùng ở chuyện cầm cố, mua bán, chuộc ra và ký gửi. Cuộc vui còn dài, thì chợ mua bán mùa bóng đá tầm thế giới càng nóng.

Cách đây ba trăm năm, khi gia cảnh gặp biến cố lớn, Kiều phải bán mình chuộc cha và em. Thương gia Mã giám sinh đã bộc lộ bản chất con buôn cò mồi “Cò kè bớt một thêm hai/  Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm” (câu 647 – 648, Truyện Kiều). Không ít quý ông quý bà đạo cao đức trọng phê phán gay gắt và lấy làm thắc mắc tại sao phải đem mình ra bán, trong khi dịch vụ buôn bán nô lệ thời Trung cổ tưởng đã là tột độ vô nhân đạo.

Ảnh minh họa

Thậm chí cùng đường, có thể mang chó mang con đi bán như chị Dậu. Hoặc giả trước khi bán mình cho tên tham quan Lương Trung Thư, ít ra Thanh diện thú Dương Chí (Thủy Hử) cũng vớt chút sĩ diện mặt xanh đem bảo đao ra chợ rao bán. Hẳn đó là những trăn trở có lý do. Cục phòng chống tệ nạn xã hội cứ mỗi sáu tháng đầu năm lại đưa ra những con số mại dâm rất đáng lo ngại, với thành phần người bán mình trẻ hóa dần, có sự tham gia đa dạng thành phần xã hội từ học sinh – sinh viên đến cả giới người mẫu, diễn viên.

Bán mình thuần vì danh lợi dung tục rơi vào cả nam lẫn nữ. Chẳng cần gặp cơn gia biến “long trời lở đất” khiến nhà tan cửa nát, các nam thanh nữ tú vì thiếu ăn năm bữa nửa tuần cũng tuyên ngôn hùng hồn: không có tiền thì cạp đất mà ăn à. Họ biến đổi linh hoạt câu Kiều của Nguyễn Du “Dẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha” thành một câu rất cập nhật “Tránh ra để thiếp bán mình chuộc xe/ phôn” (hoặc quần áo, nữ trang, túi xách…).

Người ta chỉ bán mình khi rơi vào tuyệt lộ. Cô thiếu nữ Sonya trong kiệt tác Tội ác và trừng phạt thốt lên đau đớn khi trót rơi vào chỗ bần cùng “Trong cánh nghèo nàn ngài có thể giữ được bản tính cao thượng của tâm hồn, nhưng trong cảnh khốn cùng thì không bao giờ và không ai có thể giữ được. Khi ngài ở trong cảnh khốn cùng thì người ta sẽ đuổi ngài, không phải đuổi bằng gậy nữa, người ta sẽ quét ngài ra khỏi xã hội loài người bằng một cái chổi để cho càng thêm nhục nhã”  (trang 18).

Sonya không có bảo đao gia truyền để bán, không đào đâu ra túi xách hay áo quần hàng hiệu, cũng không dễ vay mượn những đôi giày ngất ngưởng giá vài chục nghìn đô để đem cầm cố. Sao Sonya có thể không bán mình để trả tiền viện phí chót vót chon von (như đôi giày cao gót của các kiều nữ Việt hiện đại) cho lũ em nheo nhóc bệnh tật và ông bố nghiện ngập cùng khổ ?.

Chỉ có những kẻ tâm địa hẹp hòi, ăn trên ngồi tróc như ông vua Tấn Huệ Đế (Tấn thư) mới sững sờ ngạc nhiên khi nghe thần dân bị lũ lụt chết đói. Tay vua Tàu này xảo biện kiểu trọc phú: Sao chúng ngu đần vậy, đói cơm thì ăn yến. Chán cơm phở ngán bún mì thì cứ chén đẫy bụng tôm hùm sốt vang, cua hoàng đế hấp phô mai vậy. Không tin cứ đi hỏi các đại gia thì biết. Đã dám buôn vua như Lã Bất Vi hay buôn thánh bán tướng như những kẻ hám danh - lợi, thì bán mình chỉ là chuyện vặt. Bán mình để mua ghế hay bán linh hồn cho liên minh ma quỷ thì cũng thế thôi.