VĂN HÓA

Bánh gừng Khmer, ý nghĩa của sự thủy chung son sắt

An Nhiên • 15-05-2022 • Lượt xem: 1016
Bánh gừng Khmer, ý nghĩa của sự thủy chung son sắt

Ai đến Sóc trăng mà chưa dùng qua bánh gừng của người Khmer quả là một sai sót rất lớn. Đây là một loại bánh truyền thống của dân tộc Khmer từ các nguyên liệu đơn giản như bột nếp, trứng, đường… nhưng lại mang ý nghĩa rất lớn. Đó là sự thủy chung trong tình cảm vợ chồng và sung túc trong cuộc sống.

Nguồn gốc tên gọi của bánh gừng 

Bánh gừng theo cách gọi của người Khmer là Num-khơ-nhây. Loại bánh này xuất phát từ một truyền thuyết của người Khmer về người phụ nữ tên Nai Chrao Cho Phò, tương tự như câu chuyện hòn Vọng Phu. Nàng Nai Chrao Cho Phò cũng chờ đợi chồng trong vô vọng, những lúc như thế nàng đã làm bánh gừng và mang lên tảng đá ngồi, vừa ăn vừa chờ cho tới khi hóa thành tảng đá.

Ngày nay bánh có tên gọi là bánh gừng vì hình dạng mà chiếc bánh được làm ra tương tự như một củ gừng.

Cách làm bánh gừng

Bánh tuy đơn giản, nhưng cũng yêu cầu người thợ làm bánh phải thật khéo léo và tỉ mỉ ở từng công đoạn. Nếp được dùng để làm bánh là loại nếp lớn có màu trắng đục, đem vo sạch rồi xay nhuyễn. Trong một cái thau lớn, người làm bánh sẽ trộn bột chung với trứng gà, và ít men rượu. Nhàu đến khi hỗn hợp dẻ, mịn, không còn dính tay thì sẽ đến công đoạn nắn chúng thành những hình dạng giống như củ gừng. 

Bánh khi được nắn xong sẽ cho vào nồi dầu được đun sôi với lửa vừa, đến khi thấy bánh nổi lên mặt và có màu vàng đều thì vớt ra và áo chúng qua một lớp đường đã được thắng sệt. Cuối cùng đem chúng đi phơi nắng nữa là xong. 

Bánh khi ăn có độ giòn tan pha lẫn vị béo của trứng, ngọt bùi của đường kèm mùi thơm thoang thoảng của rượu.

Ý nghĩa của bánh gừng Khmer

Theo phong tục của người Khmer, thì vào các dịp lễ Dolta, Chol Chnam Thmay, Tết cổ truyền, đám cưới… thường phải có bánh gừng, bởi họ quan niệm rằng củ gừng thường đẻ ra rất nhiều nhánh, nên sự có mặt của bánh gừng sẽ khiến cho gia đình, con cháu được sung túc. Trong đám cưới bánh gừng sẽ có ý nghĩa tượng trưng cho sự thủy chung vợ chồng. Thông thường bánh gừng sẽ được đặt giữa bánh tét và bánh gang tay của người Khmer tại lễ cưới. Bánh tét được quan niệm là đại diện cho người nam, bánh gang tay đại diện cho người nữ, vị trí ở giữa của bánh gừng đại diện cho sự hòa hợp âm dương giữa cả hai.

Ngoài ra, trong một số lễ hội quan trọng của người Khmer thì bánh gừng sẽ được ghim vào các que tre, cắm xung quanh chiếc trụ tròn bằng gỗ hay đất sét, được trang trí thêm hoa văn sặc sỡ bằng giấy màu rồi đặt ở vị trí chưng.

Bánh gừng là một trong những phong tục văn hóa đẹp của người Khmer. Dù cuộc sống có hiện đại, có xuất hiện thêm biết bao nhiêu món độc lạ đi chăng nữa, thì bánh gừng vẫn giữ nguyên những giá trị tinh thần vốn có của nó, vẫn không bao giờ vắng mặt trên những mâm cỗ ngày tết, hay đám cưới của đôi lứa Khmer.