ĐỜI SỐNG

Bánh trôi nước - Những 'bí mật' sâu xa bạn có từng biết?

An Nhiên • 25-05-2022 • Lượt xem: 894
Bánh trôi nước - Những 'bí mật' sâu xa bạn có từng biết?

Từ xưa đến nay bánh trôi luôn được xem là món bánh cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Bánh không chỉ thể hiện nét văn hóa của dân tộc Việt mà đằng sau đó còn ẩn chứa nhiều hàm ý sâu sắc.

Nguồn gốc tên gọi và truyền thuyết xoay quanh bánh trôi

Về tên gọi của bánh trôi, nhiều người nghĩ rằng nó bắt nguồn từ công đoạn luộc bánh, vì khi chín là hầu hết các viên bánh đều trôi nổi lên mặt nước, đây cũng được xem là cách lý giải hợp lý. Tuy nhiên, theo một số tài liệu về ẩm thực văn hóa Việt Nam thì món bánh trôi được bắt nguồn từ sự tích Con Rồng Cháu Tiên. Truyền thuyết kể rằng vua rồng xứ Lạc Việt là Lạc Long Quân đã kết duyên cùng nàng  Âu Cơ, sinh ra được một chiếc bọc trăm trứng, nở ra trăm người con. Những người con này về sau được cho là hậu duệ của người Việt bây giờ nên mới có từ gọi "đồng bào" ngụ ý chỉ quan hệ gắn kết. Và những chiếc bánh trôi này từ đó được xem là món bánh biểu hiện cho truyền thống đáng quý ấy.

Bên cạnh đó, món bánh trôi còn được phổ biến từ thời Hai Bà Trưng. Tương truyền rằng, vào thời điểm Hai Bà chuẩn bị ra trận đã tình cờ được thưởng thức món bánh trôi do một bà lão nghèo dâng kính. Từ đó mà tục cúng bánh trôi nước cũng bắt đầu từ Lễ hội Hai Bà Trưng tại khu vực xã Hát Môn. Theo đó, người dân tại đây sẽ làm khá nhiều bánh trôi sau đó xếp chúng trong những chiếc đĩa tre dán giấy hình hoa sen, mỗi đĩa 49 viên, bánh sau khi cúng xong, sẽ được thả trôi theo dòng sông Hát Giang về mạn biển. 

Bánh trôi hai miền Nam, Bắc và cách nhận diện

Bánh trôi được làm từ bột gạo, có vỏ mỏng trắng ngần bên ngoài và nhân ngọt bên trong. Tuy nhiên tùy theo vùng miền mà bánh trôi sẽ có nguyên liệu và cách chế biến khác nhau. Thông thường bánh trôi ở miền Bắc có kích cỡ nhỏ, không ăn cùng với nước và có nhân là đường phèn. Còn bánh trôi nước miền Nam có kích cỡ to hơn, kèm với nhân đậu xanh, ăn cùng nước đường sên với gừng. 

Cách làm món bánh trôi nước 

Loại gạo nếp làm bánh trôi phải là loại gạo nếp cái hoa vàng. Ngày nay mọi người có thể mua bột bán sẵn, nhưng muốn ngon hơn thì bạn có thể tự tay xay. Nhân bánh được làm từ những viên đường phèn cắt nhỏ, hoặc đậu xanh đãi sạch vỏ, đem ngâm cho mềm, rồi bắt lên chảo sên với ít đường đến khi sệt lại, để nguội và vo thành viên tròn.

Phần bột được chia thành nhiều phần nhỏ, cán mỏng đủ để gói một viên bánh trôi. Để nặn viên bánh, bạn chỉ cần đặt viên đường phèn hay đậu xanh vào giữa tấm bột đã cán mỏng, dùng tay khép kín vỏ bánh, xoa cho chúng tròn đều rồi xếp ra mâm.

Bánh khi nắn xong sẽ được luộc trong một nồi nước đun sôi, thêm vào ít đường, gừng cho thơm. Bánh nổi hết lên trên mặt nước là đã chín, lúc này chỉ cần vớt bánh ra đĩa, rắc chút vừng rang lên mặt là hoàn thành.

Ý nghĩa của món bánh trôi nước 

Ít ai biết được, loại bánh giản dị, mộc mạc này lại có mặt trong nền văn hóa Việt từ hàng ngàn năm nay. Những viên bánh trôi trắng, tròn xinh xinh gợi cho người Việt nhớ về hình ảnh trăm quả trứng trong sự tích Con Rồng Cháu Tiên, thời lịch sử oai hùng của Hai Bà Trưng, cùng với đó là tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên vào những dịp lễ trọng đại.