ĐỜI SỐNG

Báo Anh ấn tượng với tranh cổ động ‘chống dịch như chống giặc’ của Việt Nam

Mẫn Nhi • 10-04-2020 • Lượt xem: 3706
Báo Anh ấn tượng với tranh cổ động ‘chống dịch như chống giặc’ của Việt Nam

Báo Guardian (Anh) vừa có bài viết về các bức tranh cổ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam. Tờ báo Anh nhận định những thông điệp ý nghĩa trên các tranh cổ động, cùng những biện pháp cách ly, khoanh vùng các ca nghi nhiễm, tiếp xúc giúp Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Tin, bài liên quan:

Việt Nam chế tạo nhiều loại robot phòng chống dịch Covid-19

Việt Nam xuất khẩu kit xét nghiệm nCoV

Chống dịch COVID-19: Triển khai ứng dụng công nghệ phục vụ khám bệnh từ xa

Guardian miêu tả một bức tranh cổ động của họa sĩ Lê Đức Hiệp, trong đó, một nhân viên y tế đeo khẩu trang dũng cảm như một người lính, bên cạnh khẩu hiệu “ở nhà là yêu nước”. 

Tranh cổ động của họa sĩ Lê Đức Hiệp

Bức tranh cổ động này chỉ là một trong vô số loại hình nghệ thuật phản ánh tinh thần “chống dịch như chống giặc” của Việt Nam. Từ ca khúc Ghen cô Vy, vũ điệu rửa tay phòng chống virus đến những con tem bưu chính… Đặc biệt, bức tranh không phải được “đặt hàng” mà xuất phát từ chính cảm xúc của họa sĩ Lê Đức Hiệp trước tình hình dịch bệnh. 
Họa sĩ Lê Đức Hiệp cho biết: "Sau khi chính phủ kêu gọi người dân ở nhà để phòng chống Covid-19, tôi lướt khắp các trang mạng xã hội và thấy nhiều người vẫn tụ tập và đi cà phê, nhà hàng... khiến tôi bức xúc. Tôi muốn sáng tạo thứ gì đó có khả năng lan tỏa, cảnh báo và truyền cảm hứng cho người dân làm điều đúng đắn".
Anh chọn cách vẽ áp phích tuyên truyền nhằm tạo cảm giác thân thuộc cho người dân Việt Nam và đây là phong cách có thể "khơi dậy tình yêu nước".

Bộ tem "Chung tay phòng chống dịch Covid-19 vừa được phát hành

Họa sĩ Phạm Trung Hà cũng được truyền cảm hứng từ cách vẽ áp phích tuyên truyền trong mùa dịch Covid-19. Ông đã phối hợp cùng Bộ Y tế Việt Nam và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát hành bộ tem "Chung tay phòng chống dịch Covid-19".
Dù đang chống chọi với căn bệnh ung thư, họa sĩ Lưu Yên Thế, 73 tuổi, cũng đóng góp 2 poster cổ động chống dịch. Trả lời Guardian, ông cho biết: "Vẽ áp phích tuyên truyền vốn là sở thích của tôi từ những năm 1960 và 1970, thời Việt Nam tập trung vào việc thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiện giờ, bạn có thể thấy những bức tranh tuyên truyền cổ động trên khắp nước tôi”.
"Tôi quyết định tham gia dự án để giúp đỡ mọi người trong “cuộc chiến” này. Các nghệ sĩ không thể ở tiền tuyến chống dịch, nhưng có thể hỗ trợ theo cách riêng qua các bức tranh tuyên truyền", họa sĩ Lưu Yên Thế cho biết thêm.

Tranh cổ động của họa sĩ Lưu Yên Thế

Tranh còn là cách để gửi lời cảm ơn đến các y bác sĩ, và chiến sĩ trong quân đội - những người ở tuyến đầu chống dịch, như nữ họa sĩ Huỳnh Kim Liên và Phụng Nguyễn Quang, người sáng lập KAA Illustrated đã thực hiện. Các nghệ sĩ này cho biết, trong thời điểm hiện tại, nghệ thuật là cách duy nhất để kết nối với người khác.
Cũng theo báo Guardian, những thông điệp từ tranh cổ động, tuyên truyền, cùng các biện pháp cách ly, khoanh vùng ca nghi nhiễm, tiếp xúc gần giúp Việt Nam tránh được khủng hoảng dịch Covid-19 như các quốc gia châu Âu. Việt Nam cũng thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 1/4. Trong khi đó, TP.HCM tiến hành phạt những người không đeo khẩu trang và lập chốt kiểm soát, đo thân nhiệt người dân tại các cửa ngõ giao thông…
Kết quả, “sau 88.000 xét nghiệm, chỉ có 245 người được xác nhận mắc bệnh Covid-19. Không có ca nào tử vong”, báo Guardian dẫn lại số liệu tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

(Theo Guardian)