Duyên Dáng Việt Nam

Mỹ: Nhiều thanh thiếu niên bị bạo hành trong thời kỳ đại dịch COVID-19

DDVN • 04-04-2022 • Lượt xem: 259
Mỹ: Nhiều thanh thiếu niên bị bạo hành trong thời kỳ đại dịch COVID-19

Nghiên cứu mới từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) về sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên trong thời kỳ đại dịch COVID-19 cho thấy, đối với nhiều thanh thiếu niên không phải lúc nào nhà cũng là nơi an toàn.

Trong một cuộc khảo sát trên toàn nước Mỹ được thực hiện với 7.705 học sinh trung học trong nửa đầu năm 2021, dựa trên những phát hiện trước đó về mức độ đau khổ cao về cảm xúc, có 44,2% người mô tả cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng dai dẳng khiến họ không thể tham gia vào các hoạt động bình thường và 9% báo cáo có ý định tự tử.

Điều này cũng cho thấy tỷ lệ bạo hành được báo cáo cao, với 55,1% thanh thiếu niên được hỏi cho biết bị cha mẹ hoặc người lớn trong gia đình bạo hành tinh thần và 11,3% bị bạo hành thể chất trong năm 2021.

Bạo hành tinh thần được định nghĩa là bị chửi mắng, xúc phạm hoặc bị coi thường. Bạo hành thể chất được định nghĩa là bị đánh đập hoặc làm tổn thương cơ thể.



Nghiên cứu được thực hiện vào năm 2013, cho thấy rằng bản thân các báo cáo về sự bạo hành từ cha mẹ về cơ bản thấp hơn đáng kể, với 13,9% số người được hỏi từ 14 - 17 tuổi báo cáo bị bạo hành tinh thần và 5,5% bị bạo hành thể chất.

Theo nghiên cứu mới đây, bị bạo hành chỉ là một trong những nguyên nhân gây căng thẳng mà thanh thiếu niên cho biết khi ở nhà. 29% những người được phỏng vấn trong cuộc khảo sát báo cáo rằng họ khủng hoảng khi cha mẹ hoặc người lớn trong nhà bị mất việc làm và 24% nói rằng họ đã từng bị bỏ đói.

Dữ liệu nhấn mạnh vai trò bảo vệ của trường học trong cuộc sống của thanh thiếu niên, đặc biệt là những người đang vật lộn với sự phân biệt chủng tộc hoặc bản dạng giới.

Kathleen Ethier, người đứng đầu Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên và học đường tại CDC cho biết: "Hiện nay, sự gia tăng bạo hành tinh thần được báo cáo là vượt quá mức đáng lo ngại và sự gia tăng hành vi tự tử là rất đáng kể. Điều này cho thấy rằng giới trẻ đang gặp khủng hoảng nghiêm trọng về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là những học sinh, sinh viên nữ, những người đồng tính nữ, đồng tính nam hoặc lưỡng tính". 

Các nhà nghiên cứu và bác sĩ lâm sàng đã bày tỏ sự báo động về sự suy giảm mạnh về sức khỏe tâm thần của những người trẻ tuổi trong thời kỳ đại dịch.

Theo báo cáo, sau khi nước Mỹ rơi vào tình trạng khủng hoảng vì bệnh dịch, số lượt khám tại phòng cấp cứu vì các nỗ lực tự tử đã tăng 51% ở trẻ em gái vị thành niên vào đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm 2019. Con số này tăng 4% đối với trẻ em trai. Một báo cáo của CDC được công bố vào tháng 2 cho thấy các trẻ em gái vị thành niên đến khám tại phòng cấp cứu có liên quan đến chứng rối loạn ăn uống đã tăng gấp đôi trong thời kỳ đại dịch.

Hơn 1/3 học sinh trung học có sức khỏe tâm thần kém, với 44,2% cho biết họ có cảm giác buồn bã hoặc tuyệt vọng dai dẳng. Gần 20% cho biết họ từng có suy nghĩ muốn tự tử, và 9% nói rằng đã từng cố gắng tự tử trong năm 2021.

Tiến sĩ Ethier nói: "Điều đó vô cùng quan trọng. Nó cho thấy một phần đáng kể những người trẻ không còn có hứng thú với cuộc sống".

Sự gia tăng hành vi tự tử trong thời kỳ đại dịch, đặc biệt rõ rệt ở phụ nữ trẻ và sinh viên đồng tính nữ, đồng tính nam hoặc lưỡng tính. Các nhà nghiên cứu lo lắng "về việc những thanh niên này phải rời trường học và ở nhà với gia đình, những người có thể không ủng hộ việc xác định giới tính hoặc xu hướng giới tính hoặc bản dạng giới của họ", Tiến sĩ Ethier nói.

Tiến sĩ Moira Szilagyi, Chủ tịch Học viện Nhi khoa Mỹ và là chuyên gia về các trường hợp bạo hành cho biết, thanh thiếu niên có tinh thần thoải mái hơn khi được đến trường và tiếp xúc với nhiều người.

Dữ liệu của CDC cho thấy sức khỏe tâm thần tốt hơn ở những học sinh có cảm giác “kết nối” hoặc gần gũi với mọi người ở trường học ngay cả khi học trực tuyến.

Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng những đứa trẻ không thể hoàn thành bài tập trong thời gian kỳ đại dịch cũng có mức độ lo lắng và trầm cảm cao hơn.

Một nghiên cứu trên 168 trẻ em từ 5-11 tuổi là bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Boston (Mỹ) cho thấy các triệu chứng trầm cảm và lo lắng trong thời kỳ đại dịch tăng mạnh, từ 5% lên 18%. Sức khỏe tâm thần tồi tệ hơn có liên quan đến chứng trầm cảm cũng như không hoàn thành bài tập.

Tiến sĩ Andrea E. Spencer, một bác sĩ tâm thần trẻ em tại Trung tâm Y tế Boston và một trong những tác giả của bài báo cho biết các phát hiện nhấn mạnh rằng trường học "tốt cho trẻ em ở nhiều cấp độ"

“Gia đình là vô cùng quan trọng nhưng đôi khi trong thời kỳ đại dịch phụ huynh cũng gặp phải nhiều khủng hoảng. Điều này làm tăng xung đột trong gia đình và làm các mối quan hệ xấu đi", Tiến sĩ Spencer nói.

Theo Đan Thùy/1thegioi.vn