Duyên Dáng Việt Nam

Bảo quản thực phẩm đúng cách, chuyện tưởng dễ mà khó

Cẩm Tú • 17-12-2020 • Lượt xem: 1445
Bảo quản thực phẩm đúng cách, chuyện tưởng dễ mà khó

Tủ lạnh là phương tiện phổ biến và là cách tốt nhất để làm chậm sự phát triển của vi khuẩn và giữ cho thực phẩm tươi ngon lâu hơn. Tuy nhiên, không ít người bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh không đúng cách dẫn đến ngộ độc thực phẩm.

Những sai lầm trong bảo quản thực phẩm

Đầu tiên chính là bạn không bảo trì tủ lạnh. Tủ lạnh cần duy trì ở nhiệt độ 5 độ C hoặc thấp hơn mới có thể đảm bảo độ tươi ngon của thực phẩm. Nếu tủ lạnh không được vệ sinh và bảo dưỡng thường xuyên có thể làm thất thoát nhiệt độ bên trong, không đảm bảo nhiệt độ để lưu giữ thực phẩm.

Sử dụng thực phẩm sắp hết hạn. Hầu hết các loại thực phẩm đóng gói sẵn đều có ghi ngày hạn sử dụng "sử dụng trước" hoặc "sử dụng tốt nhất trước ngày". Nhìn bằng mắt thường, một số thực phẩm vẫn giữ được mùi thơm và hấp dẫn mặc dù đã quá hạn sử dụng. Tuy nhiên, những thực phẩm này đã bị mất đi hàm lượng dinh dưỡng đáng kế, thậm có thể gây ngộ độc.

Không đóng gói thực phẩm trước khi cấp đông. Có rất nhiều loại thực phẩm cần phải cấp đông để bảo quản lâu hơn như thịt, cá, các loại thực phẩm đã qua sơ chế. Để tăng hiệu quả bảo quản, thực phẩm cần đặt trong hộp kín hoặc bọc chặt trong túi trước khi đặt vào ngăn đá, nếu không hơi lạnh sẽ làm khô thực phẩm.

Cách bảo quản thực phẩm đúng cách

Đối với thực phẩm là thịt tươi sống, cần được bảo quản trong các hộp sạch, đậy kín ở ngăn dưới cùng của tủ lạnh. Giữ thịt nấu chín tách biệt với thịt sống và thức ăn sẵn nói chung. Không được cấp đông lại thịt sống đã được rã đông.

Thực phẩm sống đông lạnh có thể được rã đông một lần và bảo quản trong tủ lạnh đến 24 giờ trước khi cần nấu chín hoặc vứt bỏ. Bạn có thể nấu thịt đông lạnh sau khi rã đông, sau đó cấp đông lại. Lưu ý, chỉ nên đông lạnh lại thịt, cá đã nấu chín một lần. 

Cần rã đông thịt và cá thật kỹ trước khi nấu. Để rã đông, bạn có thể cho thực phẩm vào lò vi sóng hoặc để vào ngăn mát qua đêm. Ghi ngày và dán nhãn thịt trong tủ đông và ăn trong vòng 24 giờ sau khi rã đông. 

Phương pháp cấp đông có thể bảo quản thịt trong thời gian dài nhưng chất lượng sẽ giảm sút, vì vậy tốt nhất bạn chỉ nên ăn trong vòng 3 đến 6 tháng.

Cách giải quyết thực phẩm lưu trữ trong tủ lạnh an toàn

Tái chế biến thực phẩm thừa là một cách để tiết kiệm hiệu quả. Tuy nhiên, sử dụng những thực phẩm thừa được bảo quản trong tủ lạnh cần lưu ý những nguyên tắc sau:

- Làm nguội thức ăn thừa càng nhanh càng tốt, lý tưởng là trong vòng 2 giờ.

- Sử dụng thức ăn thừa trong tủ lạnh trong vòng 2 ngày.

- Khi hâm nóng thức ăn, đảm bảo hâm nóng cho đến khi đạt nhiệt độ 70C trong 2 phút.

- Luôn rã đông hoàn toàn thức ăn thừa, trong tủ lạnh hoặc trong lò vi sóng.

- Khi rã đông chỉ nên hâm nóng thức ăn một lần, vì số lần làm lạnh và hâm nóng thức ăn càng nhiều thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm càng cao.

- Thực phẩm đã nấu chín và được đông lạnh sau khi lấy ra khỏi tủ đông nên được hâm nóng và ăn trong vòng 24 giờ sau khi rã đông hoàn toàn.

- Thực phẩm được bảo quản trong tủ đông như kem và các món tráng miệng đông lạnh, không nên cấp đông lần nữa sau khi đã rã đông.

- Để đảm bảo an toàn và giảm thiểu chất thải, chỉ lấy một lượng thức ăn vừa đủ ra khỏi tủ đông.

- Tránh để hộp thiếc đã mở vào tủ lạnh vì thực phẩm bên trong có thể có vị kim loại.

- Làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc đặt sản phẩm trong hộp đựng thực phẩm hoặc bát có nắp đậy trước khi cho vào tủ lạnh.