Duyên Dáng Việt Nam

Bảo tồn dinh Thượng thơ cần giải pháp để di sản sinh lợi

Dương • 29-09-2018 • Lượt xem: 709
Bảo tồn dinh Thượng thơ cần giải pháp để di sản sinh lợi

Không phải ngẫu nhiên mà đề xuất phá bỏ công trình dinh Thượng thơ lại bị dư luận phản đối mạnh mẽ như thế.

Tại hội thảo đánh giá về giá trị và giải pháp bảo tồn kiến trúc công trình dinh Thượng thơ (59-61 Lý Tự Trọng, phường Bến Nghé, quận 1) ngày 28-9, các chuyên gia đã đưa ra nhiều tài liệu chứng minh đây là công trình vừa có giá trị lịch sử, văn hóa và kiến trúc, vừa gắn liền với lịch sử của TP.

Hàng loạt công trình cùng với dinh Thượng thơ đã biến đường Lý Tự Trọng trở thành con đường di sản gần như rất hiếm hoi của TP. Đó là các công trình như Soái Phủ (Trường Trần Đại Nghĩa), Sở Học chánh, Sở Công chánh (nay là hai sở TN&MT và GTVT), Khám lớn (nay là thư viện Khoa học tổng hợp), Pháp đình (nay là Tòa án TP.HCM), Sở Hiến binh (nay là doanh trại quân đội)…

Quan điểm chung của các chuyên gia là cùng với việc bảo tồn công trình dinh Thượng thơ thì cần phải có giải pháp để phát huy giá trị di tích này. Theo PGS-TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, việc giữ lại dinh Thượng thơ là nguyện vọng chung của người dân cũng như các chuyên gia, các nhà khoa học. Tuy nhiên, giữ lại thì phải có giải pháp để phát huy giá trị và bảo tồn bền vững cho công trình chứ không phải chỉ để ngắm. TP cần phải nghiên cứu thêm làm thế nào để di sản sinh lợi chứ không để di sản là gánh nặng của ngân sách.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, việc giữ lại dinh Thượng thơ là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, cần phải gắn giá trị của công trình trong tổng thể quy hoạch của ô phố và khai thác công năng của dinh Thượng thơ tương tự như các tòa nhà hành chính - trụ sở UBND và HĐND TP. 

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội Sử học TP, cũng cho rằng với công trình này cần trùng tu mặt ngoài, chỉnh trang phục dựng nội thất. Đồng thời thay đổi công năng sử dụng, có thể trở thành nơi tiếp khách và tiếp dân của UBND TP sẽ làm cho TP trở nên thân thiện hơn.