VĂN HÓA

Bể trăng côi - Làm sao tự tại như một vầng trăng

Phúc Thụy • 18-03-2023 • Lượt xem: 1883
Bể trăng côi - Làm sao tự tại như một vầng trăng

Dịch bệnh, thiên tai, nhân họa tàn khốc nào rồi cũng sẽ qua đi, còn lại đây những con người bé nhỏ có dám vượt qua được chính mình, để hiện hữu trên mặt đất này tự tại như vầng trăng côi ngự sáng trên bể đời xáo động? 

Tin bài khác:

NXB Trẻ kỷ niệm 15 năm tủ sách khoa học khám phá

Để yêu thương cất lời

Trên trời là vầng trăng lẻ, dưới đất là người cút côi. Theo chân những con người cút côi đó, tác phẩm vẽ ra hành trình tầm đạo của hai thầy trò thời hiện tại xuống núi “nhập thế” gặp phải trận đại dịch. Song song là chuyến đi được hư cấu hóa về thầy Trần Huyền Trang ở Đại Đường xa xưa vượt bao gian khổ hòng thỉnh được chân kinh. Họ như vầng trăng côi lang thang trên trời đất, bất tử với thời gian. 

Tác phẩm với các nhân vật xưa - nay, xấu - đẹp đang trầm luân giữa các biến cố của đời sống, nhất là trong đại dịch. Người chọn hướng nội và người chọn hướng ngoại, nhưng tất thảy đều mãi loay hoay với thân và tâm, với bản chất của hiện hữu.

Dịch bệnh, thiên tai, nhân họa tàn khốc nào rồi cũng sẽ qua đi, còn lại đây những con người bé nhỏ có dám vượt qua được chính mình, để hiện hữu trên mặt đất này tự tại như vầng trăng côi ngự sáng trên bể đời xáo động? 

Tác phẩm được viết bằng lối kể chuyện song tuyến. Một nhà sư trẻ rời chùa tìm đến núi Sa Mạo theo nguyện vọng của sư phụ nhưng bị kẹt giữa thành phố đang cao điểm dịch, ở trong một gia đình ba thế hệ. Vị sư Huyền Trang trên con đường thỉnh kinh, không phải Huyền Trang trong tưởng tượng của của Ngô Thừa Ân. Những kiếp nạn họ gặp phải khác nhau về thời không nhưng vẫn có nét tương đồng kỳ lạ, đằng sau đó là tầng tầng ý nghĩa về những ám ảnh nhân sinh. 

Sách có những chi tiết khốc liệt và đau buồn nhưng kỳ lạ thay cảm tưởng chung gợi lên vẫn là sự nhẹ nhàng và từ bi. Có lẽ do không khí thiền và Phật bàng bạc trong từng câu chữ. Những con người bình thường trong một sát na làm điều phi thường, thì có thể thấy Phật trong họ. Như nhà sư trẻ nhìn theo bóng lưng cô gái xung phong đi chống dịch “Sư phụ từng giảng rằng chỉ cần trái tim đủ từ bi, dũng cảm làm nứt toạc con tim chai lì như đất đá thì tức thời có thể đánh động giải phóng vô lượng vị Bồ Tát trong mình”.

Đại dịch Covid-19 hẳn nhiên là một dấu ấn sâu đậm đối với tác giả khi sáng tác tác phẩm này. Nhưng khi đọc bạn sẽ không thấy một trận dịch nào cụ thể, không có những mô tả từng thấy nhiều trên báo chí. Trận dịch cũng như những kiếp nạn của Huyền Trang, đều chỉ là phương tiện để tác giả nói đến về cuộc đời và cách chúng ta vượt qua.

Tác giả Huỳnh Trọng Khang hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, anh đã xuất bản một số tiểu thuyết và truyện ngắn.

Trích đoạn:

“Những  người  chết  và  những  người sống. Chú nhớ cái đêm bầy mèo được sinh ra. Nhỏ, ướt át như con chuột, cứ bám chặt vào vú mẹ. Từ bầu vú ấy, mèo mẹ sẽ truyền cho bầy con ký ức của sự sống, một sự sống lâu đời, bất tận, cứ không ngừng tuôn chảy. 

Trên cao, trăng mười bốn vẫn chưa kịp tròn đầy. 

Ánh sáng tỏa ra bàng bạc, phủ xuống núi rừng. Chú tự hỏi, mặt trăng đêm nay có khác gì mặt trăng hơn ngàn  năm  trước  Huyền  Trang  từng  ngắm.  Vẫn  là trăng ấy hay kỳ thực nó đã tự diệt rồi tái sinh trong sát na, qua hàng ngàn năm. Vầng trăng trên trời kia là hóa thân của vầng trăng trước, là hóa thân của chính nó trong thế gian ấm lạnh này. Trong vũ trụ bao la vô cùng tận, có bao nhiêu mặt trăng tồn tại. 

Mặt trăng nào đã sinh ra mặt trăng này và vỡ vụn, để lại một vầng trăng côi cút đứng bên trời. Côi cút giống chú, giống Cẩm, giống hàng ngàn đứa trẻ sau đại dịch. 

Hàng bao người cha, người mẹ đã chết vì dịch  bệnh, có phải họ cũng đang hóa thân thành những ngôi sao trên cao kia, cạnh mặt trăng côi cút. Đêm này qua đêm khác, mở mắt trông vào giấc mơ đứa cô nhi của họ.”