Duyên Dáng Việt Nam

Bệnh nhân 91 là bài học để điều trị các ca mắc COVID-19 khác

DDVN • 23-06-2020 • Lượt xem: 842
Bệnh nhân 91 là bài học để điều trị các ca mắc COVID-19 khác

Bệnh nhân 91 – phi công người Anh đến nay đã cơ bản khỏe mạnh. Hiện các cơ quan chức năng đã trở lại bình thường, chỉ cần thêm thời gian để tập cho bệnh nhân đi đứng trở lại bình thường. Như vậy đến lúc này, về cơ bản bệnh nhân 91 đã được điều trị thành công.

Tin, bài liên quan:

Phi công người Anh mắc COVID-19 xin được xuất viện về nước sớm

 

Sáng nay (22.6), Bệnh viện Chợ Rẫy đã thông tin với báo chí về tình hình sức khỏe của bệnh nhân 91 – phi công người Anh cũng như đánh giá về quá trình điều trị trong thời gian qua và khả năng xuất viện của bệnh nhân này.

Theo PGS.TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo – Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện bệnh nhân 91 tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ 2 tay bình thường, sức cơ 2 chân cải thiện 4/5, tự xoay trở trên giường, tự ngồi dậy được, chịu lực hai tay trên khung tập tự đứng dậy. Đặc biệt, bệnh nhân cầm nắm, tự ăn, bấm điện thoại một cách thanh thoát, tự ho khạc đàm qua miệng, giao tiếp tốt bằng lời nói.

Liên quan đến vấn đề bệnh nhân 91 mong muốn được xuất viện sớm để về nước, bác sĩ Thảo cho biết, việc này sẽ do Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, Tiểu ban điều trị của Bộ Y tế cân nhắc quyết định thời gian cụ thể.

“Về cơ bản các cơ quan chức năng của bệnh nhân đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân cần thêm thời gian để tập đi đứng trở lại bình thường. Đây là quá trình điều dưỡng phục hồi cho bệnh nhân sau khi điều trị”, bà Thảo nói và nhấn mạnh: "Việc điều trị thành công bệnh nhân 91- phi công người Anh này là một bài học giúp các bác sĩ điều trị tốt các bệnh nhân mắc COVID-19 khác”.

Ban giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đến thăm hỏi và kiểm tra sức khỏe bệnh nhân 91- Ảnh: BVCC

Bệnh nhân 91 phát hiện dương tính với vi rút SARS- CoV-2 và nhập viện điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới TP.HCM từ ngày 18.3.2020. Bệnh nhân trải qua hơn 2 tháng điều trị tại Bệnh viện bệnh nhiệt đới và 1 tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

Trong suốt thời gian điều trị, bệnh nhân 91 đã trải qua nhiều cơn “thập tử nhất sinh”. Thời điểm ấy, các bác sĩ chưa hiểu vi rút SARS- CoV-2 hoạt động như thế nào. Bệnh nhân lại lâm vào tình trạng "bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá phải áp dụng nhiều biện pháp để cứu mạng sống như lọc máu, can thiệp máy tim phổi nhân tạo ECMO. Có thời điểm cả 2 lá phổi của bệnh nhân đông đặc, hơn 90% phổi không hoạt động, tràn khí màng phổi, phế nang hoại tử, các vi huyết khối bị đông, bệnh nhân hoàn toàn lệ thuộc vào ECMO. Bệnh nhân được xử lý nhanh chóng tình trạng tràn khí màng phổi, thoát được ngưng tim, ra khỏi cửa tử. Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã chỉ định cho bệnh nhân ghép phổi với hy vọng “ còn nước còn tát”.

"Hệ miễn dịch, sợ nhất là cơn “bão cytokine”, chúng tôi phải dồn hết tâm lực để chiến đấu với cơn bão này. Thời điểm bão nặng, bệnh nhân phải dùng thuốc kháng mạnh, lọc máu liên tục để lấy những cytokin dư thừa, hạn chế cơn bão gây hại cơ thể, trong khi đó thận suy cấp, không có nước tiểu. Trong suốt quá trình điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ luôn đặt bệnh nhân trong tình trạng báo động đỏ, nhiều lúc bỏ qua mọi thủ tục giấy tờ", bác sĩ Thảo chia sẻ.

(Theo Một thế giới)