Duyên Dáng Việt Nam

Bệnh quên - Đâu chỉ ở người lớn tuổi

Lan Hương • 21-04-2022 • Lượt xem: 279
Bệnh quên - Đâu chỉ ở người lớn tuổi

Lẫn, hay quên, suy giảm trí nhớ... là những từ chúng ta hay gọi để miêu tả tình trạng sa sút trí tuệ thường gặp ở người cao tuổi. Không chỉ người lớn tuổi, những người trẻ đặc biệt dân văn phòng cũng đang gặp phải vấn đề này. 

Nhiều nghiên cứu cho thấy những người trên 65 tuổi càng dễ mắc phải tình trạng này, theo thời gian bệnh càng trở nặng khi không được phát hiện sớm.

Vì sao khi lớn tuổi lại dễ mắc phải chứng hay quên

Suy giảm trí nhớ là tình trạng não bộ không còn hoạt động như bình thường và phổ biến ở người cao tuổi, khiến cho người bệnh hay bị nhầm lẫn, hay quên, không thể kiểm soát cảm xúc thậm chí không thể tự chăm sóc cho bản thân mình.

Cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân chính xác gây ra tình trạng hay quên ở người lớn tuổi. Tuy nhiên có thể kể đến một vài nguyên nhân sau:

+ Quá trình lão hóa: theo thời gian, khi tuổi tác già đi, các tế bào cũng sẽ bị lão hóa và mất dần khả năng liên kết với nhau. Chức năng thần kinh bị suy yếu, hệ tuần hoàn hoạt động kém dần, các mạch máu cũng gặp khó khăn khi vận chuyển chất dinh dưỡng để nuôi não khiến cho trí nhớ bị giảm sút.

+ Do bệnh tật: hệ luỵ của các căn bệnh như chấn thương sọ não, viêm não, tai biến mạch máu não, rối loạn tuần hoàn não… đặc biệt là bệnh Alzheimer, là căn nguyên khiến cho bệnh nhân dễ dàng rơi vào sa sút trí nhớ, đặc biệt triệu chứng sẽ càng nghiêm trọng hơn với người cao tuổi.

+ Do sử dụng thuốc: sử dụng các loại thuốc như an thần, trợ tim, các thuốc chống trầm cảm thời gian dài rất dễ tạo ra tình trạng lệ thuộc thuốc, đồng thời gây ảnh hưởng đến chức năng lưu trữ thông tin, khiến người bệnh sa sút trí tuệ, có thể khiến người cao tuổi giảm trí nhớ hoàn toàn.

+ Di truyền: với những người trong gia đình đã có người thân bị lẫn thì khả năng mắc bệnh sẽ cao hơn bình thường.

Bệnh “lẫn” có khỏi được không?

Theo TS.BS Trần Thị Hà An (Trưởng phòng điều trị tâm thần người già, bệnh viện Bạch Mai) cho biết: không chỉ thường gặp ở những người trên 65 tuổi, có những người mắc bệnh rất sớm khoảng độ tuổi 50, có những bệnh nhân nhập viện trong tình trạng không tự mặc quần áo, không ăn được, không kiểm soát được cảm xúc và cần phải có người thân đi theo giám sát.

Cũng theo bác sĩ cho hay, hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho căn bệnh này. Chủ yếu là sử dụng thuốc để hạn chế quá trình tiến triển của bệnh. Do đó, khi phát hiện người già có các dấu hiệu giảm trí nhớ ngày càng tăng, cần phải đưa đến bác sĩ thăm khám để có những biện pháp điều trị kịp thời.

Chăm sóc người cao tuổi hay quên dễ hay khó?

Chăm sóc người cao tuổi chưa bao giờ là dễ, đặc biệt với người lú lẫn hay quên. Bởi người suy giảm trí nhớ cho dù có thể đi lại được nhưng hoàn toàn không nhận thức được môi trường xung quanh, cần phải có người bênh cạnh chăm sóc cả ngày.

+ Về ăn uống, người lẫn thường không phân biệt được giờ giấc, không nhớ mình đã ăn chưa, không biết tự uống thuốc đúng giờ… Vì vậy cần thường xuyên nhắc nhở và trợ giúp kịp thời khi người bệnh không tự thực hiện được các hoạt động này. Ngoài ra cần xây dựng chế độ dinh dưỡng đa dạng, thường xuyên đổi món để tránh cảm giác ngán và giúp bổ sung dưỡng chất đa dạng hơn.

+ Cần chú ý đến giấc ngủ vì đây là một phần quan trọng ở người giảm trí nhớ. Khuyến khích tham gia các hoạt động ban ngày, hạn chế uống nước nhiều vào chiều tối sẽ giúp người bệnh có một giấc ngủ ngon hơn.

+ Các hoạt động thường ngày cũng cần nằm trong tầm kiểm soát để phòng ngừa các tác nhân gây nguy hiểm cho bản thân người bệnh, tránh bị té ngã… vì người lẫn thường không nhận thức và không làm chủ được các việc mình làm.

+ Quan trọng nhất vẫn là thường xuyên trò chuyện, không nên để người bệnh ở một mình sẽ gây cảm giác bất an, sợ sệt vì tâm lý chung của người lớn tuổi là luôn cảm thấy cô đơn, luôn mong muốn được quan tâm chăm sóc từ người thân xung quanh mình.  

Không phải tất cả người già đều phải đối mặt với tình trạng suy giảm trí nhớ, tuy nhiên tỷ lệ này đang có chiều hướng gia tăng trong xã hội hiện nay khi tuổi thọ trung bình ngày càng cao. Vì vậy để phòng ngừa tốt hơn căn bệnh sa sút trí tuệ ở người cao tuổi, cần phải điều trị hiệu quả các bệnh lý nguy cơ như cao huyết áp, tiểu đường, mỡ máu… Cần tập luyện thói quen ăn uống lành mạnh và có chế độ sinh hoạt hợp lý, hạn chế rượu bia, thuốc lá, tập thể dục thường xuyên và gặp gỡ bác sĩ để được kiểm tra tình trạng sức khỏe khi có các biểu hiện nghi vấn về tình trạng này.