Duyên Dáng Việt Nam

Bí ẩn việc bùng phát bệnh viêm gan nặng ở trẻ em: Không phải do vắc xin COVID-19

DDVN • 22-04-2022 • Lượt xem: 290
Bí ẩn việc bùng phát bệnh viêm gan nặng ở trẻ em: Không phải do vắc xin COVID-19

Các cơ quan y tế trên thế giới đang điều tra sự gia tăng bí ẩn các trường hợp viêm gan nặng ở trẻ nhỏ.

Dưới đây là tóm tắt những gì được biết về đợt bùng phát bệnh này:

Hơn 130 ca viêm gan nặng ở trẻ nhỏ đã được xác định, đa số ở Anh với 108 trường hợp kể từ tháng 1.2022.

Các quốc gia khác bao gồm Mỹ, Israel, Đan Mạch, Ireland, Hà Lan và Tây Ban Nha cũng đã báo cáo số lượng bệnh nhi nhỏ hơn.

Bệnh viêm gan nhẹ ở trẻ em không phải hiếm, nhưng trường hợp nêu trên lần đầu tiên được báo động tại Scotland, vào ngày 6.4 khi trẻ em bị viêm gan nặng. Một số bé thậm chí còn cần cấy ghép gan.

Mối quan tâm khác là các trường hợp này không liên quan đến loại vi rút điển hình thường gây bệnh viêm gan A, B, C, D và E.

Maria Buti, Giáo sư gan mật đến từ Barcelona và là Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu châu Âu, người đã theo dõi chặt chẽ đợt bùng phát bệnh với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu (ECDC), cho biết: “Đây vẫn là số lượng rất thấp, nhưng đó là trẻ em, mối quan tâm chính, và điều còn lại là mức độ nghiêm trọng”.

Lý thuyết hàng đầu là nhiễm vi rút, có thể là adenovirus - một họ vi rút phổ biến có thể gây ra cảm lạnh thông thường cùng các bệnh khác.

Một loại adenovirus thường gây viêm dạ dày ruột cấp tính và đã có báo cáo về việc nó gây viêm gan ở trẻ em bị suy giảm miễn dịch, nhưng trước đây chưa bao giờ xảy ra với trẻ em khỏe mạnh.

Giám đốc Y tế Công cộng Scotland, Jim McMenamin, nói công việc đang được tiến hành để xác định xem liệu adenovirus có bị đột biến để gây ra bệnh viêm gan nặng hơn hay không, hoặc nếu nó có thể gây ra các vấn đề song song với một loại vi rút khác, bao gồm cả SARS-CoV-2.

Ông cho biết 77% trong 108 trẻ em bị viêm gan ở Anh có kết quả xét nghiệm dương tính với adenovirus.

Các nhà khoa học cho biết có thể một mầm bệnh mới liên quan hoặc do tiếp xúc với một chất độc, nhưng các nhà khoa học nói sự lây lan theo địa lý của các ca nhiễm trùng là lời giải thích khả dĩ hơn.

Mỹ cũng có trường hợp trẻ nhỏ viêm gan nặng - ảnh: Reuters

Bất kỳ mối liên hệ nào với vắc xin COVID-19 đã bị loại trừ, vì các trẻ em viêm gan ở Anh không tiêm vắc xin này.

Các nhà khoa học khác cho biết khả năng miễn dịch giảm do sự hòa nhập xã hội giảm trong đại dịch COVID-19 có thể là một lời giải thích.

Những người khác cảnh báo rằng các ca nhiễm adenovirus có thể là ngẫu nhiên, vì chúng đang lưu hành rộng rãi vào thời điểm này trong năm. Các cuộc điều tra đang được tiến hành.

Cảnh báo sức khỏe cộng đồng ở Mỹ và châu Âu đã dẫn đến việc các bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh và kiểm tra adenovirus ở trẻ em nếu chúng nghi ngờ bị viêm gan.

Các triệu chứng bao gồm nước tiểu sẫm màu, vàng mắt và da (vàng da), ốm yếu, mệt mỏi, sốt, chán ăn, buồn nôn, nôn, đau bụng, phân màu nhạt, đau khớp.

Không có phương pháp điều trị cụ thể cho bệnh viêm gan nhưng các loại thuốc như steroid có thể giúp ích, cũng như các loại thuốc để điều trị các triệu chứng.

Cha mẹ được yêu cầu chú ý đến các triệu chứng và liên hệ với chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu lo lắng.

Để ngăn chặn sự lây lan bệnh thêm, Cơ quan An ninh Y tế Anh khuyến khích rửa tay và "vệ sinh đường hô hấp kỹ lưỡng", chẳng hạn như ho và hắt hơi trong khăn giấy.

Các chuyên gia cho rằng, sự gia tăng số ca tương đối chậm nhưng cảnh báo dự kiến ​​sẽ có nhiều hơn.

Nếu chú ý đến một căn bệnh, bạn sẽ thấy nhiều ca hơn”, Maria Buti nói.

Ngày 15.4, Văn phòng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại châu Âu cho biết nước Anh đang chứng kiến "sự gia tăng đáng kể và đột ngột" của các trường hợp viêm gan cấp tính nặng ở trẻ nhỏ.

WHO đã nhận được thông báo về 10 trường hợp viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ em dưới 10 tuổi trên khắp miền Trung Scotland vào ngày 5.4.

Đến ngày 8.4, con số này đã tăng đột biến lên "74 trường hợp ghi nhận trên toàn Vương quốc Anh".

Những phân tích trong phòng thí nghiệm đã loại trừ khả năng các bệnh nhi trên nhiễm các loại vi rút viêm gan A, B, C, D và E, song lại phát hiện các em nhiễm một trong hai loại vi rút SARS-CoV-2 và adenovirus, trong đó nhiều em nhiễm đồng thời cả hai loại vi rút này.

Theo WHO, cần phải thực hiện các phân tích về sự di truyền của vi rút để xác định bất kỳ mối liên hệ nào có thể xảy ra giữa các trường hợp nêu trên.

WHO nêu rõ: "Một số trường hợp đã được chuyển đến các khoa chuyên về gan của trẻ em để điều trị và 6 bệnh nhi đã được ghép gan. Tính đến ngày 11.4, chưa có trường hợp nào tử vong".

WHO cho biết cơ quan chức năng tại các quốc gia nêu trên đang điều tra những trường hợp bệnh lý này, đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên xác định, điều tra và báo cáo về những trường hợp tương tự.

Theo 1thegioi.vn