Duyên Dáng Việt Nam

Biến chứng từ răng khôn nguy hiểm như thế nào?

TD • 16-10-2020 • Lượt xem: 2187
Biến chứng từ răng khôn nguy hiểm như thế nào?

Răng khôn hay còn gọi là răng số 8 là chiếc răng mọc ở phía trong cùng của miệng. Răng khôn thường mọc ở những người có độ tuổi từ 18 đến 25 khi xương hàm đã ngừng tăng trưởng và phát triển. Không chỉ không có chức năng rõ ràng nó còn gây ra tình trạng đau nhức, khó chịu và nhiều biến chứng khó lường khác.

Tin, bài đọc thêm:
Chăm sóc răng miệng cho trẻ theo từng giai đoạn

Sâu răng
Một trong những biến chứng mà người mọc răng khôn thường gặp phải chính là tình trạng sâu răng. Bởi răng khôn nằm ở vị trí rất khó vệ sinh - phía trong cùng của hàm trên. Đây là nơi rất dễ bám dính thức ăn, thêm vào đó là bề mặt răng lớn, gồ ghề. Do đó, dù có đánh răng thường xuyên và đều đặn thì cũng rất khó để bàn chải lấy đi sạch sẽ những mảng bám trên răng.

Việc tích tụ các mảng bám lâu ngày sẽ là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và cơ chế sâu răng hình thành. Những lỗ sâu răng xuất hiện tại vùng răng khôn thường sâu và nghiêm trọng hơn rất nhiều so với nơi khác. Tình trạng nhẹ sẽ gây cảm giác khó chịu, đau đớn. Tình trạng nặng có thể dẫn đến viêm tủy, chết tủy.

Hình minh họa

Viêm nướu
Người mọc răng khôn cũng rất thường gặp tình trạng viêm nhiễm nướu. Cũng vì đặc điểm dễ bám dính thức ăn và khó vệ sinh nên vùng nướu xung quanh răng khôn cũng rất dễ bị viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra. Bên cạnh đó, khi răng khôn mọc sẽ kèm theo cảm giác sưng và nhức. Nó làm chúng ta không thể vệ sinh nướu sạch sẽ, vi khuẩn càng có điều kiện thuận lợi để tấn công gây viêm.

Nếu bạn để tình trạng viêm nướu này kéo dài mà không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đầu tiên là tình trạng hàm bị sưng to, tiếp theo là sốt, đau và thậm chí là không thể mở miệng. Nếu bạn gặp tình trạng này thì nhổ răng khôn là cách giải quyết duy nhất bởi nó việc viêm nướu sẽ thường xuyên tái phát với mức độ ngày càng nghiêm trọng cho đến khi răng khôn được nhổ.

Hủy hoại xương và hàm mặt
Răng khôn đột nhiên mọc chen chúc vào hàm, thường là trong tình trạng mọc lệch, mọc kẹt, đâm ngang,... Vì vậy, xương và hàm mặt của người mọc răng khôn sẽ rất có nguy cơ bị hủy hoại. Bởi răng khôn mọc ở vị trí sai lệch sẽ đè lên những răng xung quanh. 

Những chiếc răng nằm cạnh răng khôn mọc lệch dần dần sẽ bị lung lay và sau cùng là dẫn đến nhổ bỏ răng. Nó gây ra cảm giác khó chịu, đau nhức và tình trạng đau âm ỉ kéo dài cho người mắc phải. Nghiêm trọng hơn, việc nhiễm trùng tại vùng răng mọc lệch nếu không được chữa trị kịp thời sẽ làm lây lan sang những vùng khác như tai, cổ, mắt, má...

Rối loạn cảm giác và phản xạ
Phần lợi sưng tấy do bị răng khôn ảnh hưởng sẽ tác động xấu đến các dây thần kinh khác. Bởi có rất nhiều dây thần kinh liên quan đến hàm răng của chúng ta như ở niêm mạc, da và môi. Răng khôn mọc lệch sẽ chèn ép lên những dây thần kinh đó. Biểu hiện rất dễ thấy cho tình trạng này là đau một bên mặt, phù đỏ quanh vùng mắt.

Cảm giác ăn không ngon miệng
Không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, răng khôn còn gây ra nhiều tác hại về tinh thần và thể chất. Khi răng khôn bắt đầu mọc, chúng ta sẽ không thể tránh được cảm giác mệt mỏi vì phải chịu đựng những cơn đau nhức thường xuyên. Người mọc răng khôn sẽ không có đủ tinh thần và sự tập trung cho công việc. Những cơn đau nhức dai dẳng còn gây ra cảm giác chán ăn, không còn hứng thú với thức ăn. Từ đó, dễ xảy ra tình trạng thiếu chất dinh dưỡng hay suy nhược cơ thể.