VĂN HÓA

Biên kịch Việt Linh: Kích thích văn hóa đọc sách bằng chuyển thể kịch nói

Bảo An • 09-12-2023 • Lượt xem: 1343
Biên kịch Việt Linh: Kích thích văn hóa đọc sách bằng chuyển thể kịch nói

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Việt Nam - Pháp (1973 - 2023) thiết lập quan hệ ngoại giao, sân khấu Hồng Hạc chính thức tổ chức chương trình mang tên “Tháng kịch Pháp”, nhằm giới thiệu đến công chúng về 3 vở kịch được chuyển thể từ 3 tác phẩm văn học Pháp là “Giờ của quỷ”, “Mọi điều ta chưa nói” và “Eugenie Grandet”. 

Xem thêm:

Nhạc Bolero được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại 

Nhà hát Hồ Gươm của Việt Nam lọt vào Top 10 nhà hát opera tuyệt vời nhất thế giới

Vở kịch đầu tiên trong chương trình “Tháng kịch Pháp” đã chính thức diễn ra tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TP.HCM vào tối ngày 5/12. Vở kịch “Giờ của quỷ” được chuyển thể từ tiểu thuyết “À cloche coeur” của nữ nhà văn Catherine Arley. Tác phẩm được thực hiện bởi biên kịch Việt Linh, đạo diễn Đinh Mạnh Phúc cùng sự góp mặt của dàn diễn viên trẻ như: Đinh Mạnh Phúc, Lê Chi Na, Kỳ Thảo, Hoàng Trung Anh,... 

Đạo diễn Đinh Mạnh Phúc (bên trái) kiêm diễn viên trong vở "Giờ của quỷ". 

Mang thể loại tâm lý - trinh thám, “Giờ của quỷ” mở đầu với vụ án mạng đầy bí ẩn của một cô gái được đồn đoán là Du Miên (Kỳ Thảo thủ vai) và sau đó là những câu chuyện xoay quanh về vụ án mạng này với hàng loạt xung đột, mâu thuẫn giữa các nhân vật. Dần về cuối, vở kịch khiến người xem không khỏi “choáng ngợp” trước những cảnh giằng xé, nhập tâm của nhân vật khi “giờ của quỷ” lên ngôi. 

Được biết, đây là lần đầu tiên ở Việt Nam 3 vở diễn ở “Tháng kịch Pháp” đều là tác phẩm văn học được chuyển thể thành sân khấu. 

Chia sẻ về thông điệp của vở diễn “Giờ của quỷ”, biên kịch Việt Linh nói: “Không chỉ trong tình yêu, tình bạn, mối quan hệ xã hội,... khi gặp phải khó khăn, thử thách, chúng ta cần phải thận trọng và bình tĩnh để đối mặt,... bởi mọi sự yên lành tưởng như vậy nhưng đến thời điểm nhất định bất ngờ bùng lên sẽ khó tránh được hậu quả, thế nên phải thận trọng điều đó”. 

Giữ vai trò biên kịch cho 3 vở diễn được chuyển thể từ văn học Pháp, Việt Linh cho biết việc làm này được thực hiện với mục đích: “Văn học đọc đến khán giả ngắn hơn, mong muốn kích thích văn hóa đọc đến công chúng”. Nữ biên kịch nói thêm, văn học đọc của nước ta đang đi xuống vì có nhiều nỗi lo cho cuộc sống và để những tác phẩm ý nghĩa của Việt Nam lẫn thế giới được biết đến nhiều hơn, bà rút ngắn thời gian bằng cách chuyển thể từ văn học thành kịch nói. Thông qua vở diễn, từ đó có thể kích thích người xem tò mò về tác phẩm, kích thích mong muốn đọc sách. Đây cũng chính là mục tiêu mà bà và sân khấu Hồng Hạc đang hướng đến. 

Biên kịch Việt Linh cho biết, đây không phải là lần đầu tiên bà xem trực tiếp vở diễn "Giờ của quỷ", thế nhưng cảm xúc vẫn nguyên như lần đầu. Bên cạnh đó, bà còn cho biết thêm trong quá trình các diễn viên trình diễn trên sân khấu, bà có thời gian xem lại và điều chỉnh các đường dây cho kịch bản hoàn hảo hơn cho lần diễn kế tiếp. 

Bên cạnh đó, biên kịch Việt Linh bày tỏ mong muốn xây dựng con đường riêng cho mình lẫn sân khấu Hồng Hạc chính là tạo nên những tác phẩm kịch nói nhưng vẫn mang tính chất của điện ảnh từ cách diễn, lời thoại chân thật đến âm thanh, ánh sáng.  

Sau vở diễn “Giờ của quỷ”, tại “Tháng kịch Pháp” còn 2 vở diễn lần lượt là “Một điều ta chưa nói” và “Eugenie Grandet” kéo dài đến hết tháng 12/2023 tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Được biết, trong tháng này còn là cột mốc đánh dấu sinh nhật sân khấu kịch Hồng Hạc và sinh nhật của biên kịch Việt Linh, đây được xem như một món quà tặng đến fans yêu mến sân khấu. 

Việt Linh sinh năm 1952, là biên kịch, đạo diễn điện ảnh Việt Nam, tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng. Bà được công chúng biết đến khi là đạo diễn của các bộ phim: Gánh xiếc rong, Mê Thảo, Dấu ấn của quỷ,.... Trong đó, ấn tượng nhất chính là thành công của phim điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” mà chị giữ vai trò biên kịch.