Duyên Dáng Việt Nam

Biến rác thải thành chất tẩy rửa đa năng

Kim Ngân • 06-06-2019 • Lượt xem: 3447
Biến rác thải thành chất tẩy rửa đa năng

Những rác thải thực vật như rau củ, vỏ trái cây... nếu biết chế biến có thể trở thành chất tẩy rửa đa năng vô cùng hữu ích cho gia đình bạn. Không chỉ tiết kiệm tiền, bạn còn góp phần bảo vệ môi trường khi sử dụng chất tẩy rửa an toàn này.

Tin, bài liên quan:

Những loại rác thải không nên vứt vào ống cống

Chất tẩy rửa đa năng này thực chất là enzyme sinh học (Garbage Enzyme - G.E) là hỗn hợp các chất hữu cơ như chuỗi protein, muối khoáng, hooc môn tăng trưởng được Tiến sĩ Rosukon (người Thái Lan) có hơn 30 năm nghiên cứu enzyme khuyến khích thực hiện. Theo đó, khi mọi người dùng enzyme sinh học thay các chất tẩy rửa hóa học có thể giúp bảo vệ tầng ozone, bảo vệ môi trường qua việc làm sạch các dòng sông, biển.

* Được sản xuất dễ dàng từ rác thải hữu cơ trong nhà bếp nhưng G.E có rất nhiều công dụng như:

  • Giúp làm sạch môi trường, các enzyme sẽ trung hòa các chất độc và các chất làm ô nhiễm sông ngòi, đất, không khí, nhờ vậy làm sạch Trái đất.
  • Giảm khí CO2 trong môi trường, góp phần giảm sự nóng lên toàn cầu.
  • Làm phân bón cho cây và đất.

* Cách làm G.E:

  • Cho vỏ trái cây, rau củ các loại vào bình - nén chặt, cho ít vỏ thơm (dứa) vào sẽ giúp dung dịch có mùi dễ chịu hơn. Sau đó cho nước sạch và 1 ly nước mía vào bình rồi đậy kín nắp. Có thể thay nước mía bằng một khúc mía, mắt mía chẻ ra hoặc đường thô.

  • Để hơn 1 tháng, các vi sinh vật sẽ lên men và chuyển hóa vỏ trái cây, rau củ tạo hàm lượng cồn nhẹ có khả năng tẩy rửa đồ dầu mỡ. Nước này có thể dùng thay cho nước giặt, rửa chén, lau nhà, vệ sinh, tắm - gội...

  • Sau quá trình lên men này, các vi sinh vật sẽ tiếp tục phân hủy vỏ - trái cây lắng đọng dưới đáy chuyển hóa hoàn toàn thành chất vô cơ.
  • Ngoài vỏ - trái cây, có thể làm Enzyme từ nước đậu hủ: cho nước đậu hủ và ly nước mía (hoặc đường thô) vào bình, đậy thật kín. Sau 1 tháng 15 ngày có thể sử dụng.

* Lưu ý:

  • Luôn dùng bình nhựa mềm. Nếu dùng bình nước suối, bạn phải theo dõi khi thấy bình căng thì vặn nhẹ nắp cho khí xì bớt, giúp cân bằng áp suất, tránh nổ bình. Nếu dùng bình nhựa 10l thì khí bên trong tự xì ra được, không cần xì nắp.
  • Không dùng nguyên liệu đã bị hư thối.

* Cách sử dụng G.E

  • Để làm sạch không khí: Cho dung dịch G.E đã pha loãng ở tỷ lệ 1: 500 vào bình xịt, phun trong không khí, xe hơi giúp làm sạch không khí, hạn chế mùi khó chịu.
  • Làm sạch toilet: Dùng dung dịch G.E để cọ rửa toilet có thể ngăn ngừa các cặn bẩn, cân bằng lại vi khuẩn có hại, xua đuổi được muỗi, gián, chuột.
  • Làm sạch vết bẩn: Dùng dung dịch G.E đã pha loãng để lau tủ, lò nướng, thiết bị nhà bếp có thể làm sạch các vết bẩn ‘cứng đầu’. Cho 2 muỗng G.E vào nước và lau nhà vừa sạch, vừa diệt khuẩn.
  • Chống tắc các ống thoát nước: Dùng lượng G.E vừa đủ, xả nước.
  • Giặt quần áo: Ngâm quần áo với một lượng nhỏ G.E có thể giảm bột giặt, làm quần áo mềm.
  • Rửa rau củ: Cho một lượng nhỏ G.E vào nước rửa rau quả để loại bỏ thuốc trừ sâu.
  • Chăm sóc da: Pha loãng G.E tỷ lệ 1:10 vào nước gội đầu, nước tắm, rửa, có thể bảo vệ da khỏi dị ứng, làm da mềm mại.
  • Dùng G.E pha loãng tắm cho vật nuôi, giúp chúng lớn, khỏe, lông mọc tốt hơn. Có thể kết hợp phun xịt chuồng để khử mùi hôi của gia súc.
  • Dung dịch G.E pha loãng 500-1000 lần làm chất trừ sâu, phân bón hữu cơ, giúp tăng chất lượng, năng suất hoa màu, rau quả. Pha loãng cặn từ nước G.E bón vào đất xấu trong 3 tháng để cải tạo đất.