ĐỜI SỐNG

Bộ Tài chính lấy ý kiến người dân việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

DDVN • 12-06-2022 • Lượt xem: 299
Bộ Tài chính lấy ý kiến người dân việc bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ tài chính đang lấy ý kiến góp ý của người dân dân với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 9 năm thi hành.

Bộ Tài chính cho biết, Luật giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2013, đồng bộ với đó là các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành được ban hành kịp thời đã tạo khung pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá của Nhà nước.

Luật giá được ban hành thay thế Pháp lệnh giá năm 2002 đã tiếp tục thể hiện tư duy đổi mới phương thức quản lý giá trong nền kinh tế thị trường theo hướng khuyến khích cạnh tranh về giá, tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, tôn trọng các quy luật kinh tế khách quan chi phối sự hình thành và vận động của giá cả thị trường.

Thực tiễn sau 9 năm thi hành Luật cũng đã phát sinh một số tồn tại, hạn chế nhất định. Nội dung một số Điều, Khoản còn có cách hiểu khác nhau, gây khó khăn cho áp dụng thực hiện; hoặc một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn; hoặc hiện đã có một số vấn đề mới phát sinh đòi hỏi phải được thể chế tại Luật.

Đối với hoạt động định giá Nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng việc định giá theo 2 phương pháp chủ đạo hiện hành là phương pháp so sánh và phương pháp chi phí còn khó khăn khi áp dụng đối với một số trường hợp định giá các dịch vụ (như dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục...); việc định giá trong một số trường hợp cũng cần tính đến các yếu tố về điều kiện kinh tế - xã hội hoặc đời sống người dân nên cần thiết phải bổ sung nguyên tắc về lộ trình triển khai cơ chế giá thị trường tại Luật.

Một mặt khác là các hình thức định giá (giá cụ thể, khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu) chưa đáp ứng được những phát sinh trong thực tiễn gần đây, như đối với giá xăng dầu, gas, than, một số mặt hàng nông sản, dịch vụ viễn thông... vẫn chưa hoàn toàn có sự cạnh tranh hoàn hảo cần phải có biện pháp quản lý, điều hành gián tiếp.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá, hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Bộ Tài chính cũng đề xuất điều chỉnh biện pháp kiểm tra yếu tố hình thành giá trở thành một bước trong việc tổ chức thực hiện bình ổn giá nhằm giúp cơ quan quản lý xác định rõ nguyên nhân gây biến động về giá, làm cơ sở cho việc lựa chọn các biện pháp bình ổn giá phù hợp với thực tế.

Đồng thời, cụ thể hóa rõ hơn biện pháp "áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế". Trong trường hợp áp dụng biện pháp định giá hàng hóa, dịch vụ để bình ổn giá thì trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giá thấp hơn phương án giá đã được rà soát, đánh giá theo quy định thì xem xét, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Luật ngân sách hoặc có cơ chế hỗ trợ hợp lý, phù hợp với thẩm quyền.

Dự thảo lần này, Bộ Tài chính cũng đã bổ sung hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu, có tính chất độc quyền trong mua bán và không thể thay thế vào nhóm hàng hóa do Nhà nước định giá; bổ sung quy định về kê khai giá, theo đó hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá bao gồm hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá; hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá, giá tối đa, giá tối thiểu, giá tham chiếu; một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; một số hàng hóa, dịch vụ tại địa phương. Chính phủ quy định chi tiết danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá.

Đối với công tác kiểm tra, thanh tra giá: Tại Luật giá chưa có các quy định cụ thể về công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về giá; một số chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá và thẩm định giá vẫn còn chưa đủ chặt chẽ, đảm bảo theo kịp với sự phát triển, thay đổi không ngừng của kinh tế xã hội nói chung cũng như từng ngành nghề nói riêng.

"Do vậy, công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá luôn gặp khó khăn nhất định; nhất là khi phát sinh các yêu cầu về đánh giá nắm bắt chi phí giá thành, công tác định giá của doanh nghiệp để phục vụ triển khai các giải pháp điều hành, bình ổn giá thị trường. Trong bối cảnh quản lý giá bằng các biện pháp vĩ mô, trao nhiều quyền chủ động cho doanh nghiệp thì việc tăng cường công tác hậu kiểm là cần thiết được chú trọng hơn nữa...", Bộ Tài chính cho hay.

Trên cơ sở việc đánh giá chi tiết, cơ quan này cho thấy việc ban hành Luật giá (sửa đổi) là cần thiết vì 4 lý do sau đây:

Một là, khắc phục những tồn tại, hạn chế sau hơn 9 năm thi hành Luật giá và bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật dân sự kinh tế liên quan nhằm củng cố hành lang pháp lý đồng bộ, tạo thuận lợi cho công tác tổ chức thực hiện.

Hai là, để thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

Ba là, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, trong đó có cải cách thể chế là một nội dung quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, thuận lợi, minh bạch.

Bốn là, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần triển khai hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Bộ Tài chính trước đó cho biết, tổng số dư quỹ bình ổn giá xăng dầu (quỹ BOG) đến hết quý 1/2022 còn âm 169,920 tỉ đồng. Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cũng phải đối mặt với việc bị âm quỹ BOG do giá xăng dầu thế giới liên tục tăng cao.

Giá xăng dầu trên thế giới tăng liên tiếp thời gian qua gây lo ngại về tình hình lạm phát. Giới chuyên gia lo rằng với xu hướng tăng giá xăng dầu thế giới như hiện nay, quỹ BOG trong nước khó có thể "chống đỡ" được.

Ông Bùi Ngọc Bảo - quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, giá xăng dầu trong nước chịu tác động từ giá xăng dầu thế giới. Vì vậy, việc điều chỉnh cần phải linh hoạt theo thị trường, cân đối các yếu tố như: thị trường, nguồn cung, giá thế giới, quỹ bình ổn. Đặc biệt, cần phải kết hợp với những yếu tố vĩ mô, đó là xem xét đến việc giảm thuế phí để kìm giá xăng dầu tăng phi mã, thay vì cứ phụ thuộc vào quỹ BOG vốn đã cạn kiệt như hiện nay thì không khả thi.

"Khi giá xăng dầu trên thế giới tăng mạnh thì giá trong nước cũng không thể không tăng. Quỹ BOG đang vận hành đúng theo tinh thần là tránh để giá xăng dầu trong nước tăng sốc. Nhưng quỹ cũng không thể mãi bình ổn giá xăng dầu được", ông Bảo nói.

Theo Tuyết Nhung/1thegioi.vn