Duyên Dáng Việt Nam

Bóng đá phải được bắt đầu và chắt chiu từ những vùng đất nghèo khó

Nguyễn Công Khế • 20-10-2019 • Lượt xem: 871
Bóng đá phải được bắt đầu và chắt chiu từ những vùng đất nghèo khó

Hôm nay, 15h45 chiều ngày 20-10, sẽ diễn ra trận đối đầu của hai đội mạnh nhất giải bóng đá trẻ quốc gia là Phố Hiến (Quĩ đầu tư phát triển bóng đá Việt Nam, PVF) của Phạm Nhật Vượng, và Hà Nội của Bầu Hiển trên sân Pleiku (trận này được truyền hình trực tiếp trên VTV6, HTV thể thao, SCTV, VTC 3, bóng đá TV...).

Nói như ông Juergen Gede - Giám đốc kỷ thuật của LĐBĐ Việt Nam đang có mặt ở Pleiku, thì đây là lực lượng trẻ chơi hay nhất, gây hưng phấn cho bóng đá quốc gia trong nay mai. Đó là niềm tin cho những ai từng đặt hy vọng cho bóng đá nước nhà bước vào kỷ nguyên mới. Đội tuyển từng qua mặt Thái lan ở AFF cúp, U23 VN đã từng đứng thứ hai Châu Á ở Thường Châu. Liên tiếp trong những trận vòng loại World cup, chúng ta đã thắng Malaysia 1-0, thắng Indonesia 3-1, hoà Thái Lan 0-0. Điều mà xưa nay hiếm ở Việt Nam, có ai dám nghĩ tới.


Những Quang Hải, Văn Hậu, Tuấn Anh, Xuân Trường, Công Phượng, Hùng Dũng, Tiến Linh.. từ đâu ra, đâu phải là Phù Đổng vươn vai ngựa sắt, tự nhiên vụt lên có mặt ở những sân cỏ lớn quốc tế, để quý vị lãnh đạo đất nước cùng đông đảo người hâm mộ mừng reo chiến thắng trên những sân cỏ có hàng vạn cổ động viên rợp màu cờ đỏ và tiếng tung hô.

Nhà báo Nguyễn Công Khế và các cầu thủ trong giải U.21 Quốc gia Thanh Niên 2019


Nếu quý vị và những người thực sự yêu bóng đá không muốn có mặt ở những sân chơi nhỏ cho giới trẻ ở những nơi hẻo lánh, ít người xem như chúng tôi đang làm ở Pleiku, Kontum... như thế này, thì quý vị cũng không nên mong bóng đá chúng ta nay mai sẽ vươn ra thế này, thế kia. Cái buồn của chúng ta là trong khi những trận chơi lớn của đội tuyển Quốc gia, hoặc U.22, U.23 đá với quốc tế thì ngập người và giá vé chợ đen ngất ngưởng, nhưng có ai hiểu những cờ xí ngợp trời vinh quang đó, nó phải được bắt đầu từ đâu? Hãy trả lời đi các cổ động viên và cả các quan chức có trách nhiệm?


Nó phải bắt đầu từ vùng Nghệ An nghèo khó, chắt chiu từng đồng bạc lẻ để nuôi lớp trẻ tập bóng từ bước đi ban đầu. Nó được bắt đầu từ thành phố cao nguyên hiu hắt Pleiku, nơi Đoàn Nguyên Đức đi thu gom, tuyển lựa khắp hang cùng ngõ hẻm từ các vùng quê xa xôi về để có những Công Phượng, Tuấn Anh. Xuân Trường của ngày hôm nay... Dù ai cũng biết không phải lúc nào tập đoàn anh cũng làm ăn thuận lợi. Anh cũng ít được ngồi trên những hàng ghế danh dự trên khán đài, khi có những trận đấu lớn ở tầm quốc tế. Và ít ai biết rằng doanh nhân Phạm Nhật Vượng đã từng chi rất nhiều tiền cho bóng đá trẻ trong đào tạo, trong các giải trẻ mà không hề đòi một dòng quảng cáo nào cho các sản phẩm thương mại của mình.

Nhà báo Nguyễn Công Khế (thứ tư từ trái sang) - trưởng ban Tổ chức giải U.21 Quốc gia Thanh Niên 2019


Phải nói có những ông Bầu như Bầu Hiển ở Hà Nội, Bầu Thắng ở Long An, Bầu Đức ở Tây Nguyên, Bầu Kiên ở Hà Nội ACB, Bầu Long ở Hoà Phát và Phạm Nhật Vượng ở PVF là hồng phúc cho bóng đá.


Tôi thương và nhớ những nhà lãnh đạo như ông Võ Văn Kiệt. Ông lo mọi bề cho kinh tế đất nước lúc còn bao nhiều gập ghềnh sóng gió, nhưng ông không bao giờ quên bóng đá, nhất là bóng đá Trẻ và cả bóng đá Nhi đồng.
Nhớ lúc ông gọi tôi và anh Hồ Đức Việt lại nhà riêng, ông hỏi: Tụi bây làm công tác Thanh Niên thì có nghĩ đến bóng đá trẻ hiện nay không? Bóng đá của ta hiện nay, thực sự là xây nhà trên cát. Không có nền gì hết. Sau khi thảo luận nhiều việc về bóng đá, ông lắng nghe và phán luôn: Bên Đoàn Thanh Niên nên suy nghĩ để nhận tổ chức các giải trẻ đi là vừa. Không thì trễ mất. Lập tức, anh Hồ Đức Việt nhanh nhẩu giao cho tôi và Báo Thanh Niên đứng ra tổ chức giải U.22 và sau đó là U.21 báo Thanh Niên và được duy trì mãi cho tới ngày hôm nay.


Tôi nhớ, lần đầu tiên đó, là vào năm 1997, để động viên anh em tổ chức, ông ngưng họp Chính Phủ để cùng Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh cùng nhiều quan chức lãnh đạo Nhà nước ra dự khán trận đấu và trao giải U. 22 đầu tiên tại sân Hàng Đẫy.


Đêm trước ngày ông vào bệnh viện và sau đó là ông ra đi vĩnh viễn, ông đã gọi tôi và Phạm Nhật Vượng đến nhà để hỏi rất tỉ mỉ về việc Vượng khởi xướng quỹ đào tạo tài năng bóng đá trẻ có tên là PVF ngày nay, và đang vào chung kết U.21 lần thứ 23 này với tên là Phố Hiến. Đêm đó đã thấy tiếng nói ông bị sụt sịt và có dấu hiệu của bệnh cảm.


Có một điều làm tôi thấy hơi chạnh lòng là trên Facebook của một số người, họ cho rằng sự tập trung vào bóng đá, và những thắng lợi của bóng đá làm cho giới trẻ xao lãng về vận nước và Chính trị, trong số đó có một vài người bạn của tôi. Nhưng tôi thì nghĩ hoàn toàn ngược lại.


Hằng ngày tôi thường theo dõi rất sát về tình hình biển Đông, về nguồn nước bẩn Sông Đà, về cái chết của thứ trưởng Lê Hải An, về độ ô nhiễm môi trường tại Hà Nội và TP.HCM và tôi thường xuyên viết về những quan tâm này, tức lòng say mê và ham mê làm bóng đá của tôi không hề làm suy giảm sự quan tâm của tôi về những vấn đề chính tri, xã hội khác. Ngược lại bóng đá làm tôi phấn khích hơn để quan tâm nhiều hơn về những vấn đề khác của xã hội và đất nước.