Lần đầu tiên sau một thời gian dài, Mỹ không phải là nước ghi nhận nhiều ca tử vong vì COVID-19 trong 24 giờ khi họ bị Brazil “soán ngôi”.
Theo Reuters, Brazil đã ghi nhận 807 ca tử vong trong 24 giờ qua trong khi Mỹ chỉ ghi nhận 620 ca tử vong trong thời gian tương tự. Brazil hiện là ổ dịch COVID-19 lớn thứ 2 thế giới khi ghi nhận 374.898 trường hợp nhiễm, sau Mỹ với 1.637 triệu trường hợp. Tổng số người chết ở Mỹ đã lên tới 99.459 và dự kiến sẽ tăng chạm mốc 100.000 vào hôm nay. Brazil dù là nước nhiệt đới, vốn ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh cúm nhưng nay đã ghi nhận 23.473 ca tử vong, xếp thứ 6 thế giới sau Mỹ, Anh, Ý, Pháp và Tây Ban Nha.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ hai cho biết các quốc gia có số ca nhiễm coronavirus đang giảm vẫn có thể phải đối mặt với đỉnh sóng thứ hai ngay lập tức nếu họ chủ quan trong việc ngăn chặn bùng phát.
Bác sĩ Mike Ryan, người đứng đầu các trường hợp khẩn cấp của WHO lưu ý rằng trong khi tình hình lây lan đang giảm ở nhiều quốc gia, bệnh dịch lại vẫn đang gia tăng ở Trung và Nam Mỹ, Nam Á và châu Phi. Vì thế, ông cho rằng “thế giới vẫn đang ở giữa làn sóng bùng phát coronavirus đầu tiên”.
Ông Ryan cho biết dịch bệnh thường xuất hiện theo đợt, điều đó có nghĩa là dịch bệnh có thể quay trở lại vào cuối năm nay tại những nơi mà đợt sóng dịch đầu tiên đã lắng xuống. Ông cũng không loại trừ khả năng tỷ lệ lây nhiễm có thể tăng trở lại nhanh hơn nếu các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh trong đợt sóng đầu tiên được dỡ bỏ quá sớm.
“Khi chúng ta nói về một làn sóng dịch bệnh thứ hai theo cách truyền thống, chúng ta thường nghĩ là có một đợt dịch bệnh đầu tiên rồi nó sẽ tái phát nhiều tháng sau đó. Và đó có thể là một thực tế đối với nhiều quốc gia trong thời gian một vài tháng tới.
Tuy nhiên, chúng ta cũng cần phải nhận thức được thực tế rằng dịch bệnh này có thể bùng phát lại bất cứ lúc nào. Chúng ta không thể chủ quan nghĩ rằng dịch bệnh đang giảm dần và theo đà tiếp tục giảm nên chúng ta sẽ có một vài tháng để chuẩn bị cho đợt thứ hai. Chúng ta có thể nhận ngay đỉnh thứ hai ngay trong đợt này”, ông Ryan chia sẻ.
Ông Ryan nói các nước ở châu Âu và Bắc Mỹ nên tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội và y tế cộng đồng, các biện pháp giám sát, kiểm tra và có chiến lược toàn diện để đảm bảo tình hình lây nhiễm tiếp tục đi theo quỹ đạo đi xuống và không xuất hiện đỉnh thứ hai vào lúc này. Lời nhắc nhở của ông Ryan được đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia châu Âu và các tiểu bang ở Mỹ trong những tuần gần đây đã thực hiện các bước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa để phục hồi nền kinh tế.