Duyên Dáng Việt Nam

Các biến thể COVID-19 được đặt tên theo tiếng Hy Lạp, biến chủng Ấn Độ gọi là Delta

Hoàng Phương • 01-06-2021 • Lượt xem: 537
Các biến thể COVID-19 được đặt tên theo tiếng Hy Lạp, biến chủng Ấn Độ gọi là Delta

Các biến thể của COVID-19 với những cái tên quốc gia, chữ và số hiện đã được gán các chữ cái trong Bảng chữ cái Hy Lạp nhằm đơn giản hóa việc thảo luận và phát âm trong khi giảm tránh việc các quốc gia bị kỳ thị.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tiết lộ những cái tên mới vào ngày 31.5 sau khi có những lời chỉ trích rằng những cái tên được các nhà khoa học đưa ra, ví dụ như cái gọi là biến thể Nam Phi có nhiều tên khoa học bao gồm B.1.351, 501Y.V2 và 20H / 501Y.V2 là quá phức tạp.

Như vậy, bốn biến thể COVID-19 được cơ quan Liên hợp quốc coi là mối đe dọa và được công chúng thế giới gọi chung là các biến thể của Anh, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ hiện đã được đặt tên các chữ cái Alpha, Beta, Gamma, Delta theo thứ tự được phát hiện của chúng. Các biến thể đáng quan tâm khác sẽ tiếp tục được đặt tên dọc theo Bảng chữ cái Hy Lạp.

WHO đưa ra lời giải thích về quyết định này: “Mặc dù chúng có những tiện lợi riêng, nhưng những tên khoa học này có thể khó nói và khó nhớ, và dễ bị hiểu sai".

Theo nhà vi khuẩn học Mark Pallen, người tham gia cuộc đàm phán, việc lựa chọn Bảng chữ cái Hy Lạp được đưa ra sau nhiều tháng cân nhắc, trong đó các lựa chọn đặt tên khác, ví dụ như dựa trên các vị thần Hy Lạp và những cái tên giả cổ điển đã được các chuyên gia xem xét.

Nhưng nhiều cái tên trong số đó đã được đặt cho các thương hiệu, công ty hoặc tên xa lạ.

Một ý tưởng khác để đặt tên cho các biến thể đáng quan tâm như VOC1, VOC2, v.v. đã bị loại bỏ sau khi ông chỉ ra rằng nó giống một từ chửi thề trong tiếng Anh.

Trong lịch sử, vi rút thường gắn liền với những vị trí mà chúng được cho là lần đầu xuất hiện, chẳng hạn như vi rút Ebola, được đặt theo tên con sông tại Congo.

Nhưng điều này có thể gây tổn hại danh tiếng đến các địa điểm này và thường không chính xác, chẳng hạn như với cái gọi là đại dịch 'cúm Tây Ban Nha' năm 1918 mà trên thực tế nguồn gốc không được biết rõ.

Nhà dịch tễ học Maria Van Kerkhove của WHO cho biết: “Không quốc gia nào nên bị kỳ thị trong việc phát hiện và báo cáo các biến thể".

Theo 1thegioi.vn