VĂN HÓA

Các nền văn hóa thú vị của châu Á với những truyền thống độc đáo

Ngọc Hà • 06-07-2023 • Lượt xem: 1572
Các nền văn hóa thú vị của châu Á với những truyền thống độc đáo

Bạn đã từng nghe về nền văn minh Ấn Hằng, văn hóa Tây Tạng? Nhưng những điều được chia sẻ trong bài viết này có thể còn khác xa những gì bạn tưởng tượng. Một số địa điểm kỳ vỹ, những vùng đất xa xôi nhất, những con người mới, các nền văn hóa lạ lẫm nhưng vô cùng thú vị… bạn đã sẵn sàng rồi chứ?

Những người thợ săn... đầu người ở Nagaland, Ấn Độ

Đông Bắc Ấn Độ là cái nôi của nhiều bộ tộc ấn tượng và của đa dạng nền văn hóa khác nhau trên khắp thế giới, nhưng bộ tộc Konyak hay còn gọi là những kẻ săn đầu người hung hãn ở Nagaland dường như là điều khiến du khách tò mò nhất. 

Là một trong những bộ lạc lớn nhất ở Nagaland xa xôi hẻo lánh, người Konyaks cổ xưa được biết đến với lòng dũng cảm và họ tự hào về việc chặt đầu các chiến binh đối thủ làm chiến lợi phẩm để treo tại ngôi làng truyền thống Morungs. Người Konyak được phát hiện sinh sống ở những ngôi làng xa xôi tại Longwa ở quận Mon của bang Nagaland.

Tuy nhiên, thế giới đang ngày càng hiện đại hóa, mọi thứ đã dần thay đổi. Từ năm 1969, tập tục săn đầu người đã chấm dứt. Giờ đây, người Konyak không còn là những kẻ săn đầu người nữa, nhưng họ vẫn giữ được bản lĩnh, sự dũng cảm và tinh thần quyết liệt. Hiện chỉ còn lại bộ tộc săn đầu người ở làng Longwa. Và thời điểm tốt nhất để tham quan KonyakNagas là mùa Lễ hội Aoling thường diễn ra vào tháng 4 hàng năm.

Bộ lạc Nyishi từ Arunachal Pradesh, Ấn Độ

Bang Arunachal Pradesh ở Đông Bắc Ấn Độ có 26 nhóm bộ lạc bản địa, bộ lạc Nyishi là một trong những bộ lạc lớn nhất. Cách duy trì nền văn hóa và tín ngưỡng của người Nysihis giống với các bộ lạc Mongoloid từ Myanmar. Người Nyishis tự gọi mình là hậu duệ của Abo-Tani, một vị tổ tiên trong thần thoại.

Họ nói tiếng Tạng - Miến Điện và vẫn chưa phát triển một hệ thống chữ viết riêng. Bởi vì họ không có bất cứ thứ gì còn sót lại bằng văn bản, thật thú vị khi được biết rằng họ truyền bá văn hóa, nghi lễ và lịch sử của mình từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua cách truyền miệng mang đậm tính truyền thống dân gian. Niềm tin của người Nyishis vào văn hóa và nghi lễ của họ là không thể lay chuyển. Họ tin rằng các nghi lễ, khi không được thực hiện theo nghi thức tôn giáo chuẩn mực, có thể dẫn đến tai họa.

Bò tót (gia súc truyền thống) đóng một vai trò quan trọng trong tất cả các mặt của cuộc sống - từ cả xã hội, văn hóa, kinh tế đến tôn giáo. Chú rể hỏi cưới cô dâu bằng bò tót trong hôn lễ, và họ giết bò để cúng tế (theo nghi thức linh thiêng của bộ tộc) để xoa dịu các vị thần trong hầu hết các nghi lễ quan trọng.

Nghi lễ truyền thống là một cách dự đoán mùa màng. Thầy tu cầm một chiếc cốc đo lường làm bằng tre và yêu cầu một người phụ nữ đổ đầy ngũ cốc vào đó. Dựa trên cách người phụ nữ đổ đầy chiếc cốc, thày tu sẽ dự đoán tương lai của cô ấy .

Người Nyishis khá tiến bộ, họ đối xử bình đẳng với phụ nữ và để phụ nữ tham gia vào các quyết định.

Dường như tất cả những gì thuộc về người Nyishis  đều thật đáng yêu. Từ những nét văn hóa, truyền thống, những điệu nhảy (Rikham Pada), những trang phục xinh đẹp, những ngôi nhà (Namlo) cho đến các món apong ủ tại địa phương được phục vụ trong một chiếc patha xinh đẹp (một chiếc cốc làm bằng măng) của họ.

Trong thế giới cạnh tranh và phát triển chóng mặt ngày nay, nơi mà con người ta đang cố gắng đè nhau xuống để sinh tồn, người Nyishis lại sống trong hòa bình và hòa hợp tuyệt đối. Với sự đơn giản, trung thực, luôn tươi cười và sống thực tế, người Nyishi tôn trọng văn hóa và bản chất của họ. Họ chấp nhận mọi thứ theo lẽ thường và không cố gắng thay đổi bất cứ điều gì chỉ vì những động cơ ích kỷ của cá nhân. Thêm vào đó, họ còn là những người chủ nhà hiếu khách tuyệt vời.

Người Kalash

Kalash - một trong những nền văn hóa thú vị nhất trên thế giới. Người Kalash là một dân tộc độc đáo đến từ thung lũng Kalash, nơi được tạo nên từ ba thung lũng nhỏ ở vùng núi phía Tây Pakistan (Bumburet, Rumboor và Birir). Nằm ở phía Bắc tỉnh Khyber Pakhtunkhwa, các thung lũng này dẫn đến những ngọn núi giáp với Afghanistan.

Người Kalash rất độc đáo theo nhiều cách nói khác nhau. Một số nhà nghiên cứu tin rằng họ là hậu duệ của đội quân của Alexander Đại đế; một số lính của ông đã ở lại tiểu lục địa Ấn Độ sau cuộc chinh chiến khu vực này. Mặc dù đây là tuyên bố không xác thực ở Pakistan và Ấn Độ, nhưng người Kalash là những người duy nhất có gen sỡ hữu thành phần DNA của người châu Âu vào khoảng thời gian diễn ra đại chiến của Alexander.

Đặt tính chính xác của lời đồn sang một bên, không thể phủ nhận rằng người Kalash trông không giống những người hàng xóm của họ. Nhiều đàn ông và phụ nữ có làn da trắng và đôi mắt sáng, một màu sắc không phổ biến ở Nam Á.

Người Kalash cũng có tôn giáo và văn hóa riêng. Mặc dù Pakistan là quốc gia đa số theo đạo Hồi, nhưng người Kalash lại theo thuyết vật linh. Văn hóa Kalash được cho là có liên quan đến Ấn Độ giáo cổ đại. Người Kalash tự làm và tiêu thụ rượu của họ. Phụ nữ mặc váy có màu sắc rực rỡ và đội mũ có hình thêu độc đáo đặc trưng cho người Kalash.

Hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Kalash có thể được chứng kiến tại một trong ba lễ hội Kalash lớn. Tại mỗi lễ hội, mọi người ăn mặc, uống rượu và nhảy múa để cầu nguyện cho một vụ mùa bội thu và cầu cho các vị thần bảo vệ đàn gia súc của họ.

Bạn nên ghé thăm thung lũng Kalash một lần nếu có cơ hội đến Pakistan, và đặc biệt hãy dành sự tôn kính cho truyền thống và văn hóa của người dân nơi đây đồng thời đối xử với họ bằng sự tôn trọng mà họ đáng được hưởng.

Cộng đồng người Khasi ở Meghalaya, Ấn Độ

Cộng đồng Khasi là nhóm người bản địa chính gốc đến từ bang Meghalaya, Ấn Độ. Họ là một cộng đồng mẫu hệ. Tại đây, tất cả tài sản thuộc về cô con gái út của gia đình. Trẻ em nhận được đặt tên theo họ của người mẹ. Sự hiện diện của chế độ mẫu hệ còn thể hiện trong việc sau khi kết hôn, người chồng đến cư trú với gia đình vợ. Vì tất cả những lý do này, cộng đồng người Khasis sống một cuộc sống rất khác so với những cộng đồng khác tại Ấn Độ.

Khi đến Meghalaya, du khách sẽ bị cuốn hút bởi nhưng khu chợ nhộn nhịp, những người phụ nữ bán hàng đang trò chuyện ngồi cạnh nhau bên những chiếc sạp nhỏ. Những người không có sạp đội thúng đầy lông gà trên đầu. Ở đó có những người phụ nữ mặc trang phục truyền thống của người Khasi địa phương đang chặt thịt. Đây có thể xem là một xã hội bình đẳng.

Bạn sẽ được chứng kiến một xã hội gắn bó khăng khít ở mọi nơi bạn đi đến. Nếu ai đó không có nhà ở trong làng, cả làng sẽ tập hợp lại để cung cấp cho họ một mảnh đất và xây một ngôi nhà. Họ có thể canh tác đất đai để kiếm kế sinh nhai tại ngay chính ngôi làng này. Cộng đồng người Khasi cũng rất gần gũi với thiên nhiên và họ sống trong một mối giao hòa bền chặt, thân thiện với núi rừng.

Người Tây Tạng

Nếu bạn đã từng đọc cuốn sách “Hành trình đến Lhasa của tôi” của tác giả Alexandra David-Neel, bạn sẽ càng bị cuốn hút bởi văn hóa của người Tây Tạng. Cuốn sách kể về việc một phụ nữ đã cải trang thành một người ăn xin Tây Tạng vào Lhasa để tìm hiểu về Phật giáo từ các Lạt ma Tây Tạng. Qua cuốn sách, tác giả đã thể hiện sự tôn trọng và say mê sâu sắc của bà đối với Phật giáo Tây Tạng, một tôn giáo có sức lan tỏa lớn lao.

Cho dù đã từng chứng kiến nhiều nền Phật giáo ở nhiều quốc gia trên khắp châu Á thì bạn vẫn có thể tìm ra điểm khác biệt ở Phật giáo Tây Tạng. 

Không chỉ có những lời dạy về lòng từ bi và sự phổ độ với tất cả chúng sinh, hình thức Phật giáo ở Tây Tạng dường như luôn rất bí ẩn. Bạn có thể bị mê hoặc bởi những âm thanh kỳ bí của những chiếc chuông xoay, nó giống như những rung động sâu thẳm trong tâm hồn khi nghe những bài tụng kinh. Ngoài ra, màu sắc rực rỡ của những mạn đà la cát cũng có thể khiến bạn cảm thấy bị thu hút.

Theo Taleof2backpackers.com