Duyên Dáng Việt Nam

Các y tá Nhật Bản phản đối yêu cầu điều động họ đến Thế vận hội Tokyo

Hoàng Phương • 30-04-2021 • Lượt xem: 673
Các y tá Nhật Bản phản đối yêu cầu điều động họ đến Thế vận hội Tokyo

Các y tá Nhật Bản vào ngày 28.4 đã phản đối yêu cầu của các nhà tổ chức Olympic trong việc điều động 500 người trong số họ tới Thế vận hội, nói rằng họ không phải là "con tốt thí mạng" để được dùng cho một sự kiện "không cần thiết".


Các y tá được báo cáo đã bỏ việc hàng loạt do làm việc quá sức, lương thấp, căng thẳng cao độ và chấn thương tâm lý sau khi bệnh nhân chết quá nhiều.

Các dòng tweet đầy phẫn nộ đã đổ về từ các nhân viên y tế giận dữ khi hashtag có tên "có vấn đề khi cử y tá đến Olympic" đang trending (nổi bật) trên Twitter. Nhiều người đã trút giận trên Twitter vì kế hoạch này có thể tước đi nguồn lực y tế quan trọng của Nhật Bản trong cuộc chiến chống COVID-19 của họ.

Như một hashtag khác - "bảo vệ các sinh mạng thay vì Olympic" - đang trending, họ nói rằng trách nhiệm của chính quyền phải là đối với bệnh nhân của họ, và kêu gọi chính quyền "phải xem lại những ưu tiên của mình".

Liên đoàn Công nhân Y tế Aichi, đơn vị tổ chức cuộc biểu tình, cho biết: "Chúng tôi đã chạm đến ngưỡng giới hạn rồi. Xin hãy cho chúng tôi thêm kinh phí và làm ơn, xin hãy cho chúng tôi một chút thời gian để nghỉ ngơi và tăng thêm nhân sự".

Họ nói thêm: "Chúng tôi hoàn toàn không còn nhân sự để cử đến Olympic Tokyo 2020".

Một bức ảnh được chia sẻ rộng rãi cho thấy một y tá giấu tên giơ tấm biển có nội dung: "Chúng tôi không phải là những con tốt thí mạng".


Bức ảnh được chia sẻ rộng rãi về một y tá giấu tên giơ tấm biển có nội dung: “Chúng tôi không phải là những con tốt thí mạng”.

Truyền thông địa phương đưa tin vào ngày 26.4, một ngày sau khi tình trạng khẩn cấp thứ ba được công bố ở nhiều nơi trên đất nước, cho biết các nhà tổ chức Olympic Tokyo 2020 đã yêu cầu Hiệp hội Điều dưỡng Nhật Bản triển khai 500 y tá tới sự kiện thể thao bị trì hoãn một lần này. Sự kiện sẽ chính thức diễn ra sau ba tháng vào ngày 23 tháng Bảy.

Giám đốc điều hành Olympic Tokyo 2020 Toshiro Muto đã xác nhận các báo cáo, nhưng cho biết các nhà tổ chức đang cố gắng "đưa ra một cách khả thi để đảm bảo nguồn lực y tá".

Ông nói: “Một trong những giả thiết quan trọng là mức độ dịch vụ y tế trong cộng đồng địa phương không nên xấu đi khi điều động những y tá này đi. Chúng ta cần tìm ra một cách để đôi bên cùng tồn tại. Đó là điều tôi muốn nói về việc linh hoạt với giờ làm việc và ca làm việc".

Nhưng Nhật Bản hiện đang ở trong làn sóng COVID-19 thứ tư đang gia tăng bởi các biến thể dễ lây nhiễm và nguy hiểm hơn. Có 5.789 ca nhiễm vào ngày 28.4, với kỷ lục mới trong một ngày được thiết lập ở Osaka (1.260 trường hợp) và Fukuoka (440 trường hợp). Tokyo ghi nhận 925 ca nhiễm, số ca nhiễm cao nhất tại đây kể từ ngày 28 tháng 1.

Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn còn đối mặt với những vấn đề xuất hiện kể từ đợt bùng phát đầu tiên vào năm ngoái, bao gồm tình trạng thiếu nhân viên y tế và giường bệnh. Họ cho biết họ sẽ tranh thủ sự giúp đỡ của các nha sĩ và quân y để tiêm vắc-xin cho người dân.

Các y tá theo báo cáo là đã nghỉ việc hàng loạt do làm việc quá sức, lương thấp, căng thẳng cao độ và chấn thương tâm lý từ việc các bệnh nhân chết quá nhiều.

Bệnh viện đa khoa Urasoe ở Okinawa đã chứng kiến ​​77 y tá nghỉ việc trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 mà chỉ thuê được 35 nhân viên mới, đồng nghĩa với việc thiếu hụt nhân lực hơn 40 người.

Theo báo cáo từ Đại học Y khoa Phụ nữ Tokyo, đã có ít nhất 400 y tá và 100 bác sĩ nghỉ việc trong năm qua.

Tiến sĩ Shigeru Omi, người đứng đầu hội đồng COVID-19 của chính phủ, cho biết vào ngày 28.4 rằng "đã đến lúc thảo luận chặt chẽ về Thế vận hội Olympic, với sự lây lan của coronavirus và gánh nặng cho bệnh viện là những yếu tố cần thảo luận nhất".

Theo 1thegioi.vn