Duyên Dáng Việt Nam

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội phát triển cho nhà khoa học nữ

Dương • 18-10-2018 • Lượt xem: 630
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra cơ hội phát triển cho nhà khoa học nữ

Tại Hội nghị Mạng lưới các nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình Dương sáng 18/10, nhiều nhà khoa học nữ cho rằng cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ là thách thức nhưng đồng thời là thời cơ tỏa sáng cho những ai biết nắm lấy cơ hội, nêu cao tinh thần bình đẳng giới để phát huy tối đa năng lực của chính mình.

Từ ngày 18 đến 20/10/2018, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Mạng lưới các Nhà khoa học nữ Châu Á - Thái Bình Dương (APNN) lần thứ 8 với chủ đề “Nữ khoa học vì sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên số”.

Một trong những vấn đề được tập trung bàn thảo tại Hội nghị lần này là Giới và bình đẳng giới trong khoa học công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bình đẳng giới trong khoa học công nghệ không chỉ là vấn đề của Việt nam mà còn là của cả thế giới. Vai trò của phụ nữ ngày càng nâng cao không những trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học mà còn trong nhiều mảng quan trọng như Quốc hội, cộng đồng doanh nhân, văn hóa xã hội…

Tuy nhiên ở Việt Nam, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ làm khoa học còn gặp vô vàn khó khăn. Lớn nhất chính là quan niệm của xã hội chưa có sự bình đẳng. Phụ nữ gánh quá nhiều vai, không chỉ làm vợ, làm mẹ mà còn đóng góp cho xã hội trong khi hạn chế nhiều về sức khỏe, kinh tế.

Nguyên đại biểu Quốc hội PGS.TS Bùi Thị An chia sẻ rằng Hội nghị là một sự kiện rất ý nghĩa với các nhà khoa học nữ. Đây là sự giao lưu mang lại nhiều lợi ích, giúp các tri thức nữ chia sẻ kinh nghiệm cũng như nhìn ra cách thách thức trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Với cách mạng 4.0, thuận lợi lớn đối với nữ khoa học là được tiếp cận với sự văn minh hiện đại, năng suất công việc và cơ hội để nâng cao thu nhập. Nhưng đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với phụ nữ ở mức trình độ chưa cao. Bài toán đặt ra là vừa nâng cao năng suất lao động nhưng vừa đảm bảo việc làm để nâng cao thu nhập cho họ, trong bối cảnh việc sử dụng lao động sẽ ít đi, máy móc thay thế con người”, bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Theo bà Bùi Thị An, vấn đề bình đẳng giới được quan tâm ngày càng cao, song vẫn còn nhiều vấn đề trở ngại, trong đó chính là tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ. Nếu không khắc phục được tận gốc tư tưởng này, bà An cho rằng sẽ khó cải thiện được yếu tố bất bình đẳng giới.