Duyên Dáng Việt Nam

Cách nấu bún cá Châu Đốc chuẩn vị

H.Thanh • 29-05-2018 • Lượt xem: 1547
Cách nấu bún cá Châu Đốc chuẩn vị

Xuất xứ của món bún cá là từ Campuchia, được du nhập vào Việt Nam và được người dân mỗi tỉnh ở miền Tây chế biến khác nhau cho phù hợp với khẩu vị. Nhưng có lẽ người dân Châu Đốc đã giữ được nhiều hương vị nguyên gốc nhất.

Chính vì vậy và khi đã ăn món ăn này, thực khách khó lòng quên được. Bún cá được nấu chuẩn vị phải có nồi nước lèo được hầm từ cá, nghệ tươi, ngải bún và hàng chục loại gia vị.

Món bún cá Châu Đốc hấp dẫn với vị ngọt đậm đà. Ảnh: Zing

Mặc dù thành phần hình thành nên món ăn này khá đơn giản, chỉ bao gồm cá lóc, nước lèo, bún tươi nhưng khâu chế biến lại khá tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Để chế biến món ăn này, các đầu bếp đến từ Châu Đốc luôn tinh tế chọn loại cá lóc tươi nhất để nấu. Cá luộc chín với sả và nghệ đập giập để có mùi thơm, màu đẹp và khử mùi tanh, sau khi luộc vừa chín thì tách lấy phần nạc. Để có nước lèo ngon và trong thì phải ninh xương ống, trong quá trình ninh phải căn hớt bọt liên tục, nếu không sẽ làm đục nước.

Sau khi ninh xương, phần xương được vớt ra, nước để lắng, lọc qua nồi khác và tiếp tục đun sôi, nêm nếm gia vị gồm có mắm cá linh và mắm ruốc đã lược bỏ xác mắm.

Cá sau khi luộc, gỡ thịt, ướp gia vị và xào sơ qua với nghệ. Công đoạn kế tiếp là trụng bún, bỏ vào tô chỉ lưng tô, xếp lên trên là cá, một ít thịt heo quay, chan nước lèo và rắc thêm ít rau thơm, ăn kèm thêm một số loại rau khác như rau muống bào, bắp chuối thái sợi, rau sống… Mùi thơm của cá, quyện vị nước lèo khá đậm đà với màu vàng nhẹ khá bắt mắt từ nghệ…làm nên một món bún cá ngon ở Châu Đốc, rất giản dị nhưng có sức lôi cuốn hấp dẫn thực khách đến lạ kỳ.

Riêng đầu, ruột cá vốn cho là phần ngon nhất của cá lóc được tách sẵn, để mâm riêng, dành bán cho khi có khách yêu cầu ăn thêm. Do luộc cùng với nghệ nên cá có màu vàng, ngọt thơm, không bị tanh.

Bún cá ngon phụ thuộc vào nước dùng được chế biến đậm đà và chuẩn vị. Ảnh: I.T

Rau là nguyên liệu làm nên tô bún cá Châu Đốc. Nồi nước lèo ngon đến mấy nhưng thiếu rau thì cũng chẳng thành. vì thế luôn có từ 5 đến 7 loại rau khác nhau: gồm thân bông súng giòn ngọt và thơm mùi đồng nội, kèo nèo ngọt ngọt thoang thoảng mùi hoang dại của loại cây trên sông nước miền Tây, vị đặc trưng của rau đắng góp phần tạo nên sự tròn vị của món ăn. Món bún không thể vắng hương vị khó lẫn của đậu đũa, thêm chút đặc sản miền Tây từ bông điên điển tươi mọc từ những cánh đồng. Rau răm cũng không thể thiếu. Nói như các đầu bếp An Giang, chỉ vài lá thôi nhưng thiếu thì tô bún sẽ chẳng tròn mùi.

Khi thưởng thức bún cá, bạn sẽ thấy món bún được trình bày đơn giản, mộc mạc như chính con người sông nước miền Tây, nhưng nếm thử sẽ thấy nước lèo có vị đậm đà ngọt thanh và mùi thơm lừng.