ĐỜI SỐNG

Cách nhận diện và phòng tránh ngộ độc nấm từ chuyên gia

Lan Hương • 14-06-2023 • Lượt xem: 761
Cách nhận diện và phòng tránh ngộ độc nấm từ chuyên gia

Mưa đầu mùa, thời tiết nóng ẩm cũng là mùa nấm sinh sôi nảy nở. Nấm rừng có rất nhiều loại, nếu không thận trọng nhận biết sẽ rất dễ nhầm lẫn với nấm dại gây ngộ độc cho con người.

Thời gian gần đây có rất nhiều vụ ngộ độc nấm xảy ra gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có trường hợp đã tử vong do ăn nấm. Vậy làm sao để phân biệt đâu là nấm dại và làm thế nào để phòng tránh ngộ độc khi người dân sử dụng các loại nấm hái từ rừng.

Nấm độc gây hại cho cơ thể thế nào?

Nấm dại hay nấm mọc hoang là loại nấm tự nhiên, chúng cũng có vị tươi mát, chứa nhiều protein, chất béo, chất xơ, carbohydrates, khoáng chất và các loại vitamin hữu ích cho sức khỏe tương tự như nấm được trồng. Tuy nhiên, việc ăn nấm dại luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc cho cơ thể.

Nếu thường xuyên ăn nấm dại hoặc ăn nhiều nấm dại cùng một lúc có thể khiến đường huyết hạ thấp. Ngay cả khi không gây ngộ độc, nấm dại cũng có thể gây tình trạng mệt mỏi toàn thân khi ăn phải.

Các loại nấm dại mọc tự nhiên rất nhiều, song nấm ăn được chỉ tầm 30 – 40 loại. Trong khi đó, nhiều loại nấm độc trông rất giống với nấm thường, nhìn bằng mắt rất khó mà phân biệt được, từ đó dễ dàng gây nhầm lẫn cho người đi hái nấm.

Nấm cũng có thể gây hại cho cơ thể khi quá trình chế biến, nấu nướng không đúng cách. Nếu không được đun kỹ hoặc dụng cụ đun nấu, đựng đồ ăn chín dính phải nấm sống, khi ăn phải rất dễ gây ngộ độc.

Ngoài ra, có một vài loại nấm vốn dĩ không độc, nhưng khi mọc ở môi trường đất bị ô niễm hoặc những nơi tầng đất bên dưới có chứa khoáng chất độc hại như photpho, nếu vô tình hái phải và ăn vào cũng rất dễ có nguy cơ ngộ độc,

Các dấu hiệu nhận diện nấm độc

Các chuyên gia cho biết, hiện nay Việt Nam có khoảng 50 – 100 loại nấm độc khác nhau. Trong số đó, 4 loại thường gặp nhất là nấm độc tán trắng, nấm mũ khía nâu xám, nấm ô tán trắng phiến xanh, nấm độc trắng hình nón. So với các dạng ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn nhưng tỷ lệ tử vong lại cao hơn rất nhiều.

Nấm độc thường có đầy đủ các thành phần như mũ, phiến, cuống, vòng cuống và bao gốc nấm. Phần thân nấm phía trong có màu hồng nhạt, sợi nấm phát sáng trong đêm, mũ nấm có màu đỏ, vẩy trắng… Chất độc có thể nằm toàn bộ trong các bộ phận này. Độc tố trong nấm sẽ thay đổi theo mùa, tùy theo quá trình sinh trưởng hay môi trường đất đai, khí hậu khác nhau.

Nấm độc thường có màu sắc sặc sỡ, hình thù đẹp mắt và có loại còn phát sáng trong đêm.

Để nhận diện nấm độc, thông thường có thể dựa vào những dấu hiệu sau đây:

+ Bằng mắt thường: Các loại nấm độc bao giờ cũng có nhiều màu sắc, trên mũ nấm có vằn hay các hạt nổi màu đỏ hoặc tạp màu, nấm có đốm, có rãnh, vết nứt… Đa số các loại nấm độc khi bị ngắt sẽ thấy có nhựa chảy ra.

+ Bằng mũi: Nấm độc thường có mùi hắc, mùi cay hoặc đắng xộc lên. Nấm ăn được thường thơm nhẹ hoặc không mùi.

+ Thử nấm bằng cách chà xát phần trắng của hành lá lên mũ nấm, quan sát nếu thân hành đổi màu sang xanh nâu chứng tỏ nấm có độc, nếu thân lá hành không đổi màu là nấm bình thường. Có thể thử nghiệm bằng cách cho một ít sữa đặc rưới lên mũ nấm, nếu thấy sữa có hiện tượng vón cục thì khả năng cao đây là nấm độc.

Tùy từng loại nấm độc mà thời gian và triệu chứng ngộ độc có thể khác nhau. Các biểu hiện sớm xuất hiện từ 30 – 120 phút, tối đa là 6 giờ sau khi ăn. Biểu hiện muộn hơn xảy ra từ 6 – 40 giờ, tối đa 12 giờ sau khi ăn.

Khi ngộ độc nấm, biểu hiện nhẹ là các triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, cảm giác khó chịu, đau bụng dữ dội, nôn ra máu, tiêu chảy nhiều lần, lạnh người, cơ thể thiếu sức sống… Nặng hơn có thể xuất hiện co giật, hôn mê, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng.

Việt Nam hiện có rất nhiều loại nấm độc rất dễ nhầm lẫn với nấm lành.

Phòng tránh ngộ độc nấm khi sử dụng

+ Không hái nấm khi không biết rõ ràng về loại nấm đó, không ăn nấm lạ chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, chỉ sử dụng nấm khi chắc chắn là nấm không độc hại.

+ Không hái nấm non để ăn vì khi còn non sẽ không thấy rõ cấu tạo của nấm, nên không thể xác định được nấm độc hay nấm lành.

+ Nên sơ chế và sử dụng ngay khi nấm vừa được hái để đảm bảo an toàn và đảm bảo chất dinh dưỡng trong nấm không bị hao hụt, nấm để lâu không được bảo quản cẩn thận dễ bị ôi nát và chuyển thành nấm độc hại.

+ Nấm mua ở chợ cũng như nấm hái ở rừng cần được nấu chín mới được ăn để đảm bảo an toàn cho cơ thể.

+ Sau khi ăn nấm nếu có biểu hiện khó chịu, đau bụng, buồn nôn, nôn, choáng váng… hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và theo dõi kịp thời.