Duyên Dáng Việt Nam

'Cám cảnh' mua khẩu trang mùa dịch: Giá lên từng giờ, đặt cọc trước chưa chắc có hàng

TL • 30-07-2020 • Lượt xem: 420
'Cám cảnh' mua khẩu trang mùa dịch: Giá lên từng giờ, đặt cọc trước chưa chắc có hàng

"Giá tăng lên từng giờ, đặt cọc tiền trước chờ dài cổ vẫn chưa lấy được hàng...", đó là lời than thở của dân buôn khẩu trang trong những ngày dịch COVID-19 bùng phát trở lại ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

Giá tăng từng giờ

Ngày hôm nay (30.7), Việt Nam tiếp tục có thêm 9 ca bệnh dương tính với COVID-19 ở Đà Nẵng, Hà Nội. Tính đến thời điểm này, cả nước ghi nhận có 459 ca bệnh. Trước tình trạng bệnh dịch bùng phát trở lại, người dân đã cảnh giác và sử dụng nhiều biện pháp phòng chống như: đeo khẩu trang, rửa tay với gel khô... Đáng nói đến là mặt hàng khẩu trang, giá neo cao từng giờ khiến người dân ngỡ ngàng.

Tại một số chợ lớn trên mạng xã hội Facebook, giá khẩu trang đang được cho là tăng lên từng giờ, tăng phi mã, lên gấp đôi, gấp ba lần so với những ngày qua. Nếu ngày 27 - 28.7, giá mới chừng 4 - 5 triệu đồng/thùng thì hôm nay, giá đã lên tới 6,5 - 7 triệu đồng/thùng.

Chị Vân - một dân buôn khẩu trang online rao bán đến 500 thùng khẩu trang, giá bán ra khoảng 7 triệu đồng/thùng. Nếu mua từ 10 thùng trở lên thì giá giảm còn 6,8 triệu đồng/thùng. Còn mua 1 - 3 thùng chị không bán.

Trong khi đó, chị Lan Anh cho biết chị đặt cọc trước tiền hàng là hơn 60 triệu đồng để lấy 10 thùng mà chờ 2 ngày vẫn chưa có hàng. "Mình phải đặt cọc trước hai ngày để giữ giá, nếu trả tiền sau thì giá tăng lên từng giờ không biết như thế nào. Bạn mình mua lẻ 1 - 2 thùng còn không mua được, thậm chí đặt hôm trước chưa kịp trả tiền thì hôm sau giá đã tăng lên 1 triệu", chị Lan Anh chia sẻ.

Đáng chú ý, nhiều dân buôn còn hủy hết đơn hàng của khách vì mức giá biến động quá mạnh, hôm trước hỏi một giá, hôm sau hàng lại một giá trong khi đã chốt đơn, tăng giá thì sẽ bị chửi mà không tăng thì phải chịu lỗ.

Không chỉ khẩu trang y tế bị đẩy giá mà các loại khẩu trang vải kháng khuẩn cũng tăng giá. Nhiều đầu mối bán khẩu trang vải kháng khuẩn 3 lớp trong gói có 3 cái với giá lên tới 150.000 đồng.

Trong khi đó, theo khảo sát của PV tại một số hiệu thuốc ở quận Hoàng Mai, quận Cầu Giấy.... các chủ cửa hàng vẫn còn đủ hàng cam kết bán đúng giá 50.000 - 65.000 đồng/hộp. Tuy nhiên, một số lại cho rằng giá sẽ tăng so với giá niêm yết những ngày chưa dịch vì giá nhập đầu vào mấy ngày qua tăng cao chóng mặt. Nếu bán ra đúng giá thường ngày thì lỗ mà bán tăng giá thì khách phàn nàn.

Chỉ có tại các siêu thị, các mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay... được cho là dồi dào vì kịp thời làm việc với các nhà cung cấp nên mức giá bình ổn.

Xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) mới đây đã có văn bản hỏa tốc gửi đến các đơn vị trực thuộc về việc triển khai công việc trong thời gian phòng chống dịch COVID-19.

Tổng cục này yêu cầu các cục, đơn vị chủ động phối hợp để tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất, vận chuyển, buôn bán các mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước rửa tay, thiết bị y tế... Đồng thời, phải kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định, đặc biệt tại các địa phương đang có dịch.

Trong khi đó, phía Bộ Y tế cũng cho biết, thời gian qua đã có nhiều cơ sở sản xuất trong cả nước đầu tư, tham gia sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải, các trang thiết bị phòng, chống dịch, đảm bảo đủ phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Bộ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành đôn đốc các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh, nguồn nguyên liệu, sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường theo hướng chủ động sản xuất, bảo đảm chất lượng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm. Ưu tiên cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, tăng giá bất hợp lý, gây tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý người dân.

Theo Một Thế Giới