Duyên Dáng Việt Nam

Cần giải pháp quản lý, không để chặt cây xanh bừa bãi trong trường học

PL • 31-05-2020 • Lượt xem: 1048
Cần giải pháp quản lý, không để chặt cây xanh bừa bãi trong trường học

Sau vụ việc cây phượng bất ngờ đổ khiến một em học sinh tử vong và 17 em bị thương tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề quản lý hạ tầng cây xanh trong trường học.

Mấy ngày qua đã liên tiếp xảy ra tình trạng cây cổ thụ đổ tại một số trường học, cùng với đó là hiện tượng chặt cây hàng loạt của nhiều trường tại TP.HCM sau chỉ thị rà soát cây xanh của UBND TP đã gây hoang mang cho nhiều phụ huynh học sinh. Giữa mùa hè đổ lửa mà sân trường trống hoác chỉ còn bê tông sẽ gây cho các em sự bức bối, ngột ngạt, nhất là đang trong giai đoạn ôn thi căng thẳng.

Từ thực tế cho thấy, lâu nay việc trồng, chăm sóc, bảo dưỡng, bảo đảm an toàn cho cây xanh ở các trường học đều do các trường tự trồng hoặc phụ huynh trồng ủng hộ, hầu như không được quy hoạch, định hướng, cũng không được tư vấn chọn lựa loại cây nào trồng phù hợp... Việc này dẫn đến tình trạng, việc chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh chưa đảm bảo đúng kỹ thuật, nhất là đối với những cây cổ thụ.

Do đó, làm sao để quản lý cây xanh, duy trì bóng mát, lọc không khí, đảm bảo sức khỏe cho thầy trò và an toàn cho môi trường học đường là vấn đề cần những nhà chuyên môn quan tâm và đưa ra giải pháp hợp lý.

TS Đinh Quang Diệp (nguyên giảng viên bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Đại học Nông Lâm TP.HCM) cho rằng, Sở Xây dựng và các ban ngành nên có quy định thống nhất, chi tiết việc quản lý, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học, bệnh viện, công sở như: kiểm tra định kỳ; cắt tỉa cây, chăm sóc cây; giao trách nhiệm cho đơn vị, cá nhân...

"Trường có trách nhiệm chăm sóc cây, quan sát các hiện tượng bất thường và báo về đơn vị chuyên môn. Đơn vị quản lý cây xanh phải giám định cây theo định kỳ, nếu giám định sai phải chịu trách nhiệm", TS Diệp nêu ví dụ.

Việc đốn hạ cây phải có công ty chuyên môn phụ trách, không thể vì sự cố ở trường Bạch Đằng mà "đổ thừa" cho cây phượng và chặt đốn loại cây này một cách tự phát. Phượng là cây rễ ngắn, dễ trồng, khi trồng cần chọn cây giống tốt, không xây bồn chật.

"Cây trồng trong trường nên có rễ khỏe, tán rộng, không có trái, gai độc ảnh hưởng học sinh", ông nói.

Tương tự, PGS.TS Đặng Văn Hà - Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Cây xanh đô thị, Trường ĐH Lâm nghiệp cho hay, phượng là loại cây thân và cành giòn, mềm, rất hay bị rỗng mục nên khi gặp mưa bão dễ gãy đổ. Do đó, để đảm bảo an toàn, cần phải có biện pháp chống, cắt tỉa những cành mọc vống vươn lên, khống chế chiều cao của cây.

“Định kỳ khoảng 3 năm cắt một lần thì sẽ tạo ra những lớp cành tán rất đều nhau. Nhưng thường ở ta, từ khi trồng đến khi chặt đi có mấy ai tác động gì đâu và việc cây nghiêng cây ngả mọi người cho đó là chuyện bình thường. Khi xảy ra sự việc mới hối tiếc”, ông Hà nói.

Cây phượng đổ khiến 18 em học sinh thương vong tại trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) hôm 26.5

Theo ông Hà, đối với những cây lớn tuổi hiện đang trong sân trường, có thể phải đưa vào đối tượng diện theo dõi sát sao, thường xuyên để có phương án đảm bảo an toàn. Trước mùa giông bão phải cắt tỉa cành, hạ chiều cao của cây. Đồng thời liên hệ các công ty, chuyên gia cây xanh xem xét định kỳ mức độ sâu bệnh của cây ra sao từ đó đưa ra những quyết định phù hợp.

Do đó, chặt bỏ cây không phải là giải pháp khả quan, bởi vấn đề bảo vệ thiên nhiên cũng luôn được các thầy cô nhắc nhở học sinh trong các tiết học. Nếu không tìm giải pháp mà chặt cây một cách bừa bãi thì vô hình chung sẽ khiến các em có nhận thức lệch lạc về vấn đề bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Việc xem xét cách xử lý cây xanh trong trường học cần có cơ quan chuyên môn kiểm tra toàn diện, không nên xử lý cực đoan.

Quy định quản lý về cây xanh đô thị theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11.6.2010 của Chính phủ cho thấy, cây xanh trồng trong trường học thuộc loại hình cây xanh sử dụng hạn chế trong đô thị do chính các nhà trường quản lý và sử dụng nhưng việc chặt hạ, dịch chuyển hay chặt nhánh, tỉa cành phải được cấp có thẩm quyền cho phép mới được thực hiện.

Ngày 28.5, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo các sở ban ngành không để xảy ra tình trạng chặt cây xanh bừa bãi trong trường học.

"TP đã chỉ đạo các sở ban ngành phối hợp, rà soát kỹ cây xanh trồng trong trường học để đảm bảo an toàn cũng như bóng mát cho học sinh ở sân trường" - ông Đức nói.

Ông Đức chỉ đạo Sở GD-ĐT TP.HCM quán triệt tinh thần này đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố.

Theo Một Thế Giới