VĂN HÓA

Cần thêm khai quật khảo cổ để phục dựng điện Kính Thiên

DDVN • 13-11-2021 • Lượt xem: 568
Cần thêm khai quật khảo cổ để phục dựng điện Kính Thiên

Theo PGS-TS Tống Trung Tín, dù có những giả thuyết về hình ảnh điện Kính Thiên thời Lê được đưa ra, vẫn cần khai quật khảo cổ và nghiên cứu bổ sung mới có thể phục dựng công trình này.


Thềm điện Kính Thiên thời Pháp

Sẽ công bố hình ảnh 3D điện Kính Thiên

Nghiên cứu của PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành, công bố sáng 12.11 tại tọa đàm quốc tế “Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện cổ VN thời Lê sơ” đã cho thấy hình ảnh điện Kính Thiên giai đoạn này. Theo đó, ông Trí đưa ra hình vẽ tổng thể 2D của tòa điện thiết triều nằm chính giữa trung tâm cấm thành của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ. Nó cũng là tòa điện quan trọng nhất, mang biểu trưng cho quyền lực tối cao của nhà vua và triều đình.

Hình ảnh được đưa ra cho thấy cấu trúc mái cung điện với đấu củng, các loại ngói lợp, trong đó có ngói rồng màu men vàng với hình rồng, giống như phong cách nhiều đồ ngự dụng đã tìm thấy. Mặt bằng điện Kính Thiên cũng được vẽ sơ bộ, có nét tương đồng với Lam Kinh - một hành cung của nhà Lê sơ. “Chúng tôi sẽ công bố hình ảnh tổng thể 3D trong tháng 12 này”, ông Trí chia sẻ.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, lại đưa ra các nghiên cứu về nhiều cấu kiện gỗ thời Lê sơ ở khu vực chính điện Kính Thiên. Chúng được tìm thấy trong các cuộc khai quật khảo cổ từ 2017 - 2021 do Viện Khảo cổ và Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội phát hiện. “Đại đa số di vật được sơn son, một số cấu kiện có chạm khắc trang trí hoa văn mây lửa, hoa sen được sơn son thếp vàng. Chúng cung cấp những bằng chứng xác thực về một bộ khung gỗ thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long”, PGS-TS Tín cho biết.


Linh thú và các loại ngói lợp trên mái kiến trúc cung điện thời Lê sơ

Theo PGS-TS Tín, những cấu kiện gỗ này được nhận định bước đầu dường như thuộc bộ khung gỗ của một kiến trúc kiểu 2 tầng trở lên. Chúng đều nằm rải rác trên đáy một hồ nước (hay kênh nước) trong Hoàng thành gần chính điện Kính Thiên, có niên đại khoảng cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19. Tuy nhiên, các cấu kiện gỗ với các đặc trưng hoa văn sen, mây lửa, phong cách thếp vàng thật đều phản ánh rõ các đặc điểm của nghệ thuật Lê sơ (thế kỷ 15).

“So sánh với đồ gốm mạ vàng ở Hoàng thành Thăng Long và tàu đắm Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cho phép khẳng định đó đều là các cấu kiện gỗ thế kỷ 15 trong Hoàng cung. Dường như đây là một kiến trúc rất đặc biệt tồn tại lâu đời từ khoảng thế kỷ 15 và trải qua nhiều thế kỷ, đến khoảng cuối thế kỷ 18, kiến trúc này mới bị phá hủy và ném xuống đáy hồ nước”, ông Tín đánh giá.

Vẫn cần khai quật mở rộng

Mặc dù vậy, qua tọa đàm, có thể thấy việc vẽ lại điện Kính Thiên vẫn khó nhất ở mặt bằng. Qua một số nghiên cứu so sánh, PGS-TS Bùi Minh Trí cho rằng có những tương đồng giữa mặt bằng điện Kính Thiên với chính điện ở Lam Kinh (Thanh Hóa). Ông Trí cũng dựa vào một bản vẽ mặt bằng do PGS-TS Tống Trung Tín công bố để dựng lại hình ảnh 2D của điện Kính Thiên. Mặc dù vậy, do chưa có khai quật, điện Kính Thiên đến nay cũng chỉ còn lại thềm điện nguyên vẹn, nên phương án mặt bằng mà PGS-TS Tín đưa ra cũng chưa chắc có chính xác hết hay không.


Hình vẽ kiến trúc đấu củng trong lòng đĩa gốm vẽ màu Việt Nam, thời Lê sơ (thế kỷ 15)

“Thường thì đơn vị nào thấy cần thiết họ sẽ đặt hàng nghiên cứu. Nhưng ở đây, Viện Nghiên cứu kinh thành tự bỏ thời gian, công sức nghiên cứu mà không phải theo yêu cầu đặt hàng nào. Chúng ta cũng chờ đợi thêm các ý kiến phản biện chi tiết về nghiên cứu này vì nhiều chỗ vẫn chỉ là suy đoán. Nhiều chi tiết vẫn cần được khẳng định bằng kết quả khai quật khảo cổ học”, PGS-TS Tín nêu ý kiến.

Về điều này, PGS-TS Bùi Minh Trí nói: “Khảo cổ cứ khảo cổ để làm sâu sắc, còn nghiên cứu trên giấy và 3D cứ nghiên cứu. Hai câu chuyện song hành bổ khuyết cho nhau. Để tiếp tục khẳng định rõ hơn trong tương lai, vẫn cần quy mô khai quật lớn hơn để hiểu mặt bằng điện Kính Thiên”.

Theo Trinh Nguyễn/Thanhnien.vn