Khám phá

Cartier - Biểu tượng trang sức của hoàng gia

Tam Nguyên • 09-08-2022 • Lượt xem: 1190
Cartier - Biểu tượng trang sức của hoàng gia

Trong lịch sử gần 2 thế kỷ, Cartier trở thành một trong những nhà mốt tiên phong ở lĩnh vực thiết kế đồng hồ, giúp phụ nữ tự do hơn trong cách phục sức. Cartier cũng là thương hiệu khởi xướng và dẫn đầu trào lưu trang sức theo phong cách Art Deco. Cartier còn là thương hiệu trang sức gắn liền với hoàng gia và những ngôi sao điện ảnh nổi tiếng thế giới.

Dòng lịch sử của thương hiệu Cartier

Nhà sáng lập của Cartier là Louis François Cartier, lấy tên của chính ông đặt cho thương hiệu này vào năm 1847, tại Paris, Pháp, sau khi tiếp nhận quản lý cửa hàng trang sức từ sư phụ ông là Adolphe Picard.

Năm 1874, con trai Alfred của Louis đã gia nhập Cartier, quyết định mở rộng dòng đồng hồ quả quýt, đồng hồ đeo tay, đồng hồ treo tường cho thương hiệu gia đình.

Vào cuối những năm 1800, thời trang có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Phái nữ đã từ bỏ các trang phục dài tay, thay vào đó là các thiết kế váy áo tay ngắn lại trở thành thời thượng. Phụ nữ tầng lớp thượng lưu tại Paris thường đến các dạ tiệc với các mẫu váy áo ngắn tay. Từ đó, các thiết kế đồng hồ đeo tay của Cartier bắt đầu trở thành món trang sức thời thượng.

Năm 1904, phi công nổi tiếng người Brazil Alberto Santos Dumont phàn nàn với Louis rằng thiết kế đồng hồ bỏ túi quá bất tiện khi lái máy bay. Từ ý tưởng này của ông bạn, Louis đã thiết kế đồng hồ đeo tay nam, viền vuông mang tên Santos để tiện cho việc theo dõi giờ giấc. Đây là thiết kế đồng hồ nam đầu tiên của Cartier. Nhờ Santos, Cartier được biết đến là nhà thiết kế đồng hồ đeo tay cho phái mạnh đầu tiên trên thế giới.

Những năm 1920 – 1930, Art Deco trở thành một trong những xu hướng nghệ thuật chi phối cả châu Âu và Bắc Mỹ. Paris, khi ấy là thành phố thời thượng nhất của cựu lục địa, cũng không đứng ngoài trào lưu này. Nắm bắt thị hiếu, Cartier đã ra mắt các thiết kế trang sức góc cạnh mạnh mẽ, màu sắc nổi bật theo đúng tinh thần Art Deco. Các thiết kế trang sức Art Deco của thương hiệu trong giai đoạn này cũng trở thành một trong những di sản của ngành kim hoàn, trang sức. 

Vào những năm 1940, khi chiến tranh bao trùm khắp châu Âu, Cartier không chỉ đơn thuần là trang sức mà còn là tiếng nói của người dân Pháp. Trong thời chiến loạn này, Cartier trình làng thiết kế cài áo có hình chim trong lồng, như tiếng nói phản chiến. Đến năm 1944, khi hòa bình lặp lại, ông lớn trang sức Pháp cũng ra mắt mẫu cài áo hình chú chim tự do. 

Thế hệ thứ tư của nhà Cartier bắt đầu tiếp quản việc kinh doanh gia đình từ năm 1964. Nhưng 6 năm sau, một nhóm các nhà đầu tư đã mua lại Cartier.

Trang sức biểu tượng của hoàng gia

Cartier có lẽ là thương hiệu trang sức, đồng hồ xa xỉ duy nhất trên thế giới gắn bó mật thiết với giới hoàng tộc và người nổi tiếng ngay từ khi ra đời.

Năm 1856, công chúa Mathilde, em họ của hoàng đế Napoleon III, đã là khách hàng của Cartier.

Thương hiệu cũng từng nhận được đơn đặt hàng 27 chiếc vương miện cho lễ đăng quang của vua Edward VII của Vương quốc Anh. Trong suốt thời gian trị vì (1901–1910), vua Edward VII cũng đảm bảo Cartier sẽ là nhà cung cấp trang sức cho hoàng gia Anh. Nhà vua cũng từng tuyên bố: “Cartier là trang sức của ông hoàng và là ông hoàng của trang sức”. Không lâu sau, một loạt những đơn đặt hàng đến với hãng từ khắp các triều đình trên thế giới như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Serbia, Bỉ, Romania, Ai Cập, Albania,…

Vào năm 1956, hoàng tử Rainier đã tặng Công nương Grace Kelly xứ Monaco chiếc nhẫn cưới do Cartier chế tác. Công nương cũng là một trong những hoàng gia thường xuyên ưu ái đặt hàng các sản phẩm trang sức của Cartier.

Chắc hẳn rằng chúng ta chưa thể nào quên được hôn lễ cổ tích của hoàng tử William và Kate Middleton năm 2011. Vương miện cô dâu cho Công nương Kate Middleton trong ngày thành hôn cũng là một kiệt tác của Cartier.

Với 200 cửa hiệu ở 125 quốc gia, Cartier vẫn giữ nguyên vẻ sang trọng, xa xỉ nhưng lại trở thành thương hiệu nữ trang và đồng hồ được nhiều người biết đến.