Duyên Dáng Việt Nam

Câu chuyện của gia đình chỉ thải ra 1 lọ rác mỗi năm

Quyên Hà • 25-09-2020 • Lượt xem: 2306
Câu chuyện của gia đình chỉ thải ra 1 lọ rác mỗi năm

Khoảng 10 năm trước, Bea Johnson quyết định tạo ra một thay đổi lớn trong cách sống của mình. Cô từ bỏ thói quen tiêu dùng các sản phẩm dùng một lần đến mức lượng rác cả năm của cả gia đình có thể nhét vừa đúng một chiếc lọ nhỏ.

 

Đây không phải là điều dễ dàng khi một người Mỹ trung bình vốn thải ra ít nhất 2kg rác mỗi ngày, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường. Và mỗi năm, gần 262 triệu tấn rác bị thải ra môi trường trên khắp đất nước.

Trong cuốn sách của mình, “Zero Waste Home” hay “Ngôi nhà không rác”, Johnson đã chia sẻ cách cô tạo ra một ngôi nhà không rác. Theo cô, mọi chuyện không đến nỗi phức tạp như mọi người nghĩ.

Johnson chia sẻ, cô đã theo đuổi phương pháp của riêng mình, trong đó có 5 quy tắc chính: từ chối những gì bạn không cần, cho đi những gì bạn không dùng hay không còn cần trong nhà, tái sử dụng, tái chế và phân hủy.

Không chỉ thân thiện với môi trường, sống không rác còn giúp gia đình Johnson tiết kiệm một khoản tiền kha khá.

“Chúng tôi nhận ra rằng kể từ khi áp dụng lối sống mới, gia đình đã cắt giảm được 40% tổng chi tiêu. Khoản tiết kiệm đáng kể cho phép chúng tôi có thể lắp đặt pin năng lượng mặt trời trên mái nhà và hệ thống nước nóng lớn cho tắm giặt. Có thể nói bản thân lối sống không rác đã là một món quà, và món quà đó lại tạo điều kiện cho chúng ta nhận thêm nhiều món quà khác”.

Ứng dụng phương pháp sống không rác trong cuộc sống

Quy tắc đầu tiên là từ chối những gì chúng ta không cần. Johnson chia sẻ, cô chỉ đơn giản nói KHÔNG với những tờ rơi, quảng cáo, mẫu thử, các món quà miễn phí và túi đựng quần áo.

Quy tắc thứ hai của lối sống không rác là cắt giảm, nghĩa là bỏ những thứ bạn không sử dụng đến hay không cần trong nhà nữa. Khi bỏ bớt đồ đạc, bạn có thể trao tặng chúng cho cộng đồng, ủng hộ sự phát triển của thị trường đồ cũ, một yếu tố rất quan trọng cho tương lai của môi trường.

Quy tắc thứ ba là tái sử dụng, nghĩa là thay thế các món đồ dùng một lần bằng những lựa chọn dùng nhiều lần. Ví dụ, dùng khăn lau bếp thay vì giấy lau bếp, dùng khăn mặt thay vì giấy ăn.

Thực tế là, mọi đồ dùng 1 lần đều có những sản phẩm thay thế trên thị trường. Thêm vào đó, chúng ta luôn có thể mua đồ cũ khi cần mua gì đó.

Quy tắc thứ tư là tái chế, nhưng chỉ tái chế những gì chúng ta không thể từ chối, cắt giảm hay tái sử dụng. Tựu chung lại, lối sống “không rác” không khuyến khích bạn tái chế nhiều hơn, mà khuyến khích bạn tái chế ít hơn, bằng cách ngăn không cho rác bước vào nhà bạn ngay từ đầu.

Cơ duyên nào dẫn cô đến với lối sống không rác?

Tôi không lớn lên với lối sống không rác. Tôi là người Pháp nhập cư vào Mỹ cách đây từ lâu và đã du nhập lối sống Mỹ cũng như chủ nghĩa tiêu dùng của nó. Sau một thời gian, tôi cảm thấy mình đang đánh mất điều gì đó. Tiêu dùng ngày càng nhiều không khiến tôi vui hơn.

Tôi cũng nhớ cuộc sống ở các thành phố Châu Âu nơi chúng tôi từng ở. Tôi và chồng từng sống tại Luân Đôn, Paris, Amsterdam, nơi mọi người đi bộ và đi xe đạp khắp thành phố. Vì vậy, chúng tôi quyết định chuyển đến sống gần thị trấn hơn để có thể tiếp cận với những tiện nghi bằng xe đạp hoặc đi bộ.

Trong suốt năm đó chúng tôi đã tận hưởng những lợi ích của một cuộc sống đơn giản. Bỗng nhiên, chúng tôi thấy mình có nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Nhờ lối sống giản dị, chúng tôi có nhiều thời gian để đọc sách, xem phim tài liệu về các vấn đề môi trường.

Tất cả đã khiến tôi và chồng nghiêm túc nghĩ về tương lai mà bố mẹ chúng ta đang tạo ra cho thế hệ con cháu mai sau, và cho chúng tôi động lực để thay đổi.

Cô đã mua dụng cụ, đồ điện tử, đồ vệ sinh, các món quà và thay đổi việc ăn tiệm như thế nào?

Chúng tôi chỉ mua những gì thực sự cần thay thế, và đồ đạc bị hỏng, chúng tôi sẽ đem đi sửa. Cái lò nướng của tôi đã được sửa 11 lần.

Thật ra, tôi cảm thấy việc sửa chữa đó khá là thảm họa. Vì sau 11 lần, tôi nghĩ vấn đề có lẽ chính là do người thợ sửa chữa không đủ giỏi. Mặc dù anh ta khẳng định với tôi lỗi là do cái máy. Nhưng cuối cùng tôi đã thay chỗ sửa, và kể từ lần đó cái máy đã hoạt động tốt.

Có vài món mà chúng tôi nhận ra đơn giản là mình không dùng đến. Ví dụ, dầu gội, kem cạo râu, dầu xả. Chúng tôi chỉ đơn giản là dùng một bánh xà phòng.

Đó không phải là loại xà phòng chuyên dùng để gội đầu. Đó chỉ là một loại bánh xà phòng đa mục đích sử dụng, chúng tôi dùng cho tóc, mặt, cơ thể. Chồng tôi và lũ trẻ cũng dùng bánh xà phòng này để cạo râu. Có thể coi nó như sản phẩm dùng để loại bỏ các sản phẩm khác.

Chúng tôi tin rằng mua sắm chính là hành động ủng hộ, ăn hàng cũng vậy. Nghĩa là, khi bạn đi ăn ở những tiệm đồ ăn nhanh, đó là một cách đầu tư tiền bạc vào những doanh nghiệp đó. Đó là cách thể hiện bạn “đồng ý” với những đồ dùng 1 lần.

Điều đó cũng có nghĩa là bạn cho phép đồ dùng 1 lần bước vào cuộc sống của mình, một lần hoặc nhiều lần. Vậy nên, khi ăn tiệm, chúng tôi chọn những nhà hàng phục vụ tại chỗ, với bát đĩa dao dĩa dùng nhiều lần bằng sứ, thủy tinh và inox.

Chúng tôi trao tặng những món quà đem đến trải nghiệm thay vì vật chất. Quan trọng không kém, chúng tôi cũng đề nghị gia đình bạn bè trao tặng mình những món quà như vậy. Hãy chủ động và cho họ biết sớm rằng bạn đang sống theo lối sống không rác nên không muốn nhận những món quà vật chất nữa.

Các con của cô đã thích nghi với lối sống “không rác” như thế nào?

Nhu cầu của bọn trẻ rất đơn giản, miễn các nhu cầu của chúng được thỏa mãn là chúng đã thấy hạnh phúc. Lũ trẻ vốn không có thẻ ngân hàng, nhưng bố mẹ chúng thì có. Các bậc cha mẹ là những người tiêu dùng và mua sắm, thường là bất cứ thứ gì bọn trẻ đòi hỏi.

Thực ra, “không rác” không phải cụm từ chúng tôi sử dụng trong nhà. Chỉ đơn giản là chúng tôi ứng dụng một lối sống đơn giản hơn. Chính tôi là người mang túi tote và lọ thủy tinh đi siêu thị mua sắm, và tôi nhận ra “không rác” có nhiều ý nghĩa hơn những gì bạn làm bên ngoài ngôi nhà của mình.

Chính người chịu trách nhiệm mua sắm cho gia đình là người đưa ra quyết định, hoặc là không mua, hoặc là mua sắm một cách khác đi bằng cách mua đồ ăn không đóng gói trong nilon và chọn những món đồ cũ nếu bắt buộc phải mua.

Và do tôi mới là người đưa ra quyết định mua sắm, lối sống “không rác” đã diễn ra một cách tự nhiên.

Sống không rác có ý nghĩa thế nào với các khoản chi tiêu gia đình?

Chúng tôi phát hiện ra mình đã tiết kiệm được 40% trên tổng ngân sách chi tiêu. Nguyên nhân chính là chúng tôi đã tiêu dùng ít hơn rất rất nhiều so với trước đây. Nếu có mua gì đó, chủ yếu cũng để thay thế những gì cần thay thế. Và khi chúng tôi mua những đồ thay thế đó, chúng tôi cũng mua đồ cũ, rõ ràng là đỡ tốn kém hơn.

Ngoài ra chúng tôi cũng mua những món đồ không đóng gói. Khi mua đồ đóng gói giá thường cao hơn 15%, chủ yếu là giá để bọc món đồ. Vậy nên khi mua đồ chưa đóng gói, bạn đã ngay lập tức tạo ra một khoản tiết kiệm.

Quan trọng nhất, chúng tôi đã thay thế bất cứ thứ gì dùng một lần bằng các món đồ dùng nhiều lần. Điều đó có nghĩa là chúng tôi đã dừng việc phung phí tiền.

Những khó khăn khi áp dụng lối sống mới

Khi chúng tôi bắt đầu lối sống này, cụm từ “sống không rác” chưa được nhiều người biết tới. Hồi đó cũng chưa có nhiều sách, blog hay hướng dẫn về cách làm sao để loại bỏ rác khỏi nhà, vì vậy tôi phải tự mình tìm hiểu và thử mọi cách. Cuối cùng, tôi cũng tìm ra được sự cân bằng với những phương pháp tốt nhất cho cả gia đình.

Nhưng bạn biết đó, khi hiểu biết của mọi người về lối sống này còn hạn chế, chúng tôi cũng vấp phải khá nhiều chỉ trích. Một số người cho rằng chúng tôi đang ngược đãi lũ trẻ khi không cho chúng đến các tiệm ăn nhanh như bao đứa trẻ khác.

Một số thì chê cười những gì chúng tôi làm và nói: “Dù sao thì những gì cô làm cũng chẳng quan trọng. Các bạn chỉ là một gia đình đơn lẻ, quá nhỏ bé để thay đổi bất cứ điều gì”. Cuối cùng, chúng tôi đã chứng minh là họ sai. Qua thời gian, chúng tôi đã truyền cảm hứng cho những thay đổi toàn cầu.

Bae Johnson vinh dự gặp gỡ Phu nhân Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ, cùng nhau truyền cảm hứng cho các phong trào sống xanh.

Câu chuyện của Johnson và gia đình với lối sống không rác là một câu chuyện hoàn toàn có thật, nó chứng minh rằng sống không rác thực sự không phải là ý tưởng hoang đường. Hi vọng rằng câu chuyện của cô đã truyền cảm hứng cho các bạn, những công dân trẻ của thế kỷ 21, với đầy đủ hiểu biết và kỹ năng, hoàn toàn có thể áp dụng lối sống mới đầy ý nghĩa này.