Duyên Dáng Việt Nam

Câu chuyện tình yêu từ một trang trại cà phê

Quyên Hà • 20-08-2020 • Lượt xem: 1135
Câu chuyện tình yêu từ một trang trại cà phê

Câu chuyện tình yêu kỳ lạ giữa một chàng trai Mỹ và một cô gái dân tộc K’Ho và sự ra đời của một thương hiệu cà phê hữu cơ trên một trang trại cà phê Đà Lạt...

Không phải ai cũng biết Việt Nam hiện đang là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, dù người Việt vốn có truyền thống uống trà.

Cà phê bắt đầu được trồng tại Việt Nam từ thời thực dân Pháp, khi người Pháp mang những hạt giống đầu tiên đến Đông Dương vào khoảng giữa những năm 1800 và bắt đầu xây dựng các trang trại của mình trên Tây Nguyên.

Rolan Co Lieng là thế hệ nông dân cà phê thứ 4 tại đây. “Tôi lớn lên trên trang trại cà phê, uống cà phê từ khi lên 4, bạn có thể tưởng tượng tôi yêu nó đến nhường nào”, cô nói. Gia đình Rolan là người dân tộc K’Ho, dân tộc thiểu số có lịch sử lâu đời nhất Tây Nguyên, sinh sống tại Đà Lạt. Trang trại của họ nằm trên dãy Lang Biang, bắt đầu được xây dựng từ những năm 1860.

Nhưng mãi cho đến sau năm 1986, khi có sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và luật khôi phục quyền sở hữu doanh nghiệp tư nhân thì ngành công nghiệp cà phê non trẻ của Việt Nam mới bắt đầu cất cánh.

 Mỗi hạt cà phê được chọn lựa kỹ càng và thu hoạch bằng tay. Ảnh: Freestate Productions.

Từ những năm 1900, ngành du lịch Tây Nguyên bùng nổ cũng kéo theo sự chú ý ngày càng lớn đến đặc sản của vùng là cà phê và các sản phẩm thủ công, cũng là hai sản phẩm gia đình Rolan kinh doanh.

Rolan kể, “khi đó tôi mới 15 tuổi, đã trở thành thợ thủ công và nghệ sĩ biểu diễn. Tôi bắt đầu xây dựng một dự án hỗ trợ cộng đồng xuất khẩu sản phẩm sang Pháp. Và cũng là lúc tôi gặp Josh, một người Mỹ sinh ra tại Michigan”.

Sau khi làm bạn 1 năm thì Rolan mời Josh đến Đà Lạt. Đó là lần đầu tiên Josh gặp ba mẹ Rolan. Chính Josh cũng xuất thân từ gia đình sở hữu trang trại hoa, đó là một phần lý do Josh muốn giúp Rolan phát triển doanh nghiệp gia đình và cùng giải quyết các vấn đề như nạn phá rừng, khai thác và tàn phá đất cũng như bóc lột sức lao động của nông dân. Từ mong muốn đó, cặp đôi đã thành lập K’Ho Coffee năm 2011, một doanh nghiệp gia đình chuyên kinh doanh cà phê Arabica rang xay được trồng theo chuẩn organic, lấy nguồn trực tiếp từ các trang trại địa phương trong cộng đồng và phân phối cho thị trường trong và ngoài nước.

Theo lời Josh, arabica trồng tại cao nguyên Lâm Đồng là những hạt tốt nhất. Cảm nhận được hương vị tuyệt vời của cà phê rang xay từ những hạt arabica trồng tại trang trại gia đình, cặp đôi quyết định thu mua hạt arabica từ ba mẹ Rolan, sau đó là cả các trang trại xung quanh. Họ bày tỏ muốn tác động tích cực lên cộng đồng và muốn giữ mình là một doanh nghiệp hữu cơ và công bằng với nông dân cũng như khách hàng.

K’Ho Coffee hiện nay đã sở hữu một trang trại 5 hec-ta trồng các loại Arbica như Bourbon, Catura và Catimor được chăm bón hữu cơ bằng phân ủ chuồng và bã cà phê.

Rolan Co Lieng là thế hệ nông dân trồng cà phê thứ 4 của gia đình. Ảnh: Freestate Productions.

Với phương châm từ trang trại đến khách hàng, họ đã tạo ra giá trị tận gốc, tạo ra việc làm cho 50 gia đình và đóng góp cho kinh tế trang trại địa phương.

Quy trình từ khi gieo trồng hạt giống đến khi pha ra một ly cà phê hoàn chỉnh là cả một quá trình gian nan, gồm tất cả 25 bước. Theo Josh, mỗi hạt cà phê được hái bằng tay. Từ thu hoạch, chọn lựa, lên men, phơi khô, cất trữ và cuối cùng là rang xay... đều đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, vì mỗi bước của quá trình đều đóng góp vào hương vị cuối cùng của ly cà phê.

Rang xay là 1 trong 25 bước của quá trình sản xuất cà phê. Ảnh: Freestate Productions.

Josh cũng không quên kể lại một kỷ niệm thú vị về lần đầu gặp mặt. Trong văn hóa K’Ho, khi gặp gia đình nhà gái, người đàn ông phải chứng minh được khả năng lao động của mình. Josh đã được yêu cầu phải vác một bao cà phê 60 kg lên núi.

K’Ho Coffee xây dựng một tiệm cà phê giữa trang trại, với quang cảnh nhìn ra trang trại cà phê và núi rừng. Ảnh: Freestate Productions.

Những du khách ghé thăm trang trại của K’Ho Coffee đều mong chờ được tham gia vào công việc của những người nông dân tại đây, những công việc đã góp phần tạo ra ly cà phê họ vẫn thưởng thức mỗi sáng.

K’Ho Coffee đã xây dựng một tiệm cà phê giữa trang trại, nơi du khách có thể vừa thưởng thức cà phê vừa nhìn ngắm những cây cà phê và quang cảnh núi rừng xa xa. Du khách tới đây cũng có thể lựa chọn một tour trang trại nửa ngày để có cơ hội thưởng thức cà phê, dùng bữa trưa và mang về những hạt cà phê tươi từ trang trại.

Josh và Rolan bày tỏ, đối với họ K’Ho Coffee giống như một đứa con tinh thần đã nuôi sống cả gia đình. Họ mong muốn được truyền lại nó cho thế hệ mai sau. Hi vọng những đứa con của họ và những đứa trẻ khác của buôn làng có thể gìn giữ và tiếp nối những trang trại cà phê Tây Nguyên, làm được nhiều hơn cho cộng đồng như những gì cha mẹ chúng đã làm.

Cặp đôi Josh, Rolan mong truyền lại K’Ho Coffee cho hai con. Ảnh: Freestate Productions.

Theo CNA Luxury