ĐỜI SỐNG

Cha mẹ nên làm gì khi con rối loạn cảm xúc và hành vi?

Cẩm Chi • 07-07-2022 • Lượt xem: 383
Cha mẹ nên làm gì khi con rối loạn cảm xúc và hành vi?

Rối loạn cảm xúc và hành vi gây ra những tác động lớn tới tính cách, lối sống và những triệu chứng nguy hiểm như trầm cảm, cư xử hung hãn, phá phách, mất kiểm soát… ở trẻ.

Biểu hiện trẻ rối loạn cảm xúc và hành vi

Bệnh rối loạn cảm xúc là tình trạng cảm xúc bị trầm trọng quá mức so với bình thường mà người bệnh không thể kiểm soát, làm ảnh hưởng tới sức khỏe tinh thần, gây sa sút học tập, làm việc kém hiệu quả. Rối loạn cảm xúc khá thường gặp và có thể chữa khỏi khi tìm ra nguyên nhân. Song nếu chủ quan để bệnh tiến triển, nhiều người rối loạn cảm xúc dẫn đến trầm cảm.

Bệnh rối loạn hành vi chỉ đến tình trạng người bệnh gặp phải các vấn đề về cảm xúc và hành vi xuất hiện từ khi còn nhỏ hoặc tuổi vị thành niên. Với căn bệnh này, trẻ gặp khó khăn khi phải tuân theo nguyên tắc xử sự thông thường, đây cũng là nguyên nhân khiến trẻ dễ sa đà vào những tệ nạn xã hội.

Đặc điểm chung của trẻ rối loạn cảm xúc và hành vi là rất khó kiểm soát cảm xúc và hành vi của bản thân dẫn đến những hành động tiêu cực, bất thường, đi ngược lại với nguyên tắc chung của xã hội. Trẻ sẽ bộc phát triệu chứng, hành vi theo bản năng, không lường được hậu quả cũng như quan tâm tới cảm xúc của người xung quanh.

Cụ thể, một số biểu hiện cảm xúc và hành vi của trẻ khi mắc căn bệnh này như: Cư xử hung hãn với bạn bè, những trẻ nhỏ tuổi hơn hoặc kể cả với bố mẹ, ông bà, những người thân xung quanh và không nhận thức được hành vi này là không tốt. Hay nói dối, phá phách, trốn học, cãi lời cha mẹ, thầy cô, làm ngược lại với các nguyên tắc được giáo dục ở nhà hoặc tại trường lớp.

Có xu hướng tự cô lập bản thân, thu mình khỏi xã hội. Có hành vi gây hại đến tinh thần, thể chất của những người xung quanh nhưng trẻ không nhận thức được điều ấy. Trẻ tăng động, giảm chú ý. Trẻ có thói quen ăn uống bất thường, có thể chán ăn, không chịu ăn, ăn rất ít mỗi ngày hoặc ăn rất nhiều không thể kiểm soát.

Trẻ thực hiện những hành vi tự gây hại đến bản thân, tìm đến thuốc lá, rượu bia và các chất kích thích khác. Không trò chuyện, chia sẻ, giao tiếp với mọi người. Trẻ gặp khó khăn khi giao tiếp thông thường, tiếp thu thông tin, tính toán hoặc nói ra cảm xúc, suy nghĩ của bản thân. Trẻ có những rối loạn cảm xúc như: tự ti về bản thân, thấy mình bất tài vô dụng, cảm giác tiêu cực, tuyệt vọng, dễ cáu giận, bồn chồn, khó tập trung,...

Cha mẹ nên làm gì?

Trước khi tìm hiểu biện pháp phòng ngừa, cần biết được những nguyên nhân nào dẫn đến rối loạn cảm xúc và hành vi ở trẻ em. Thực tế rất khó để tìm ra một nguyên nhân chính xác, song thường do các yếu tố sau:

  • Yếu tố sinh học: Liên quan đến chứng rối loạn chuyển hóa, nguyên nhân di truyền
  • Do chấn thương: tổn thương thần kinh trung ương, chấn thương não,...
  • Do tác động từ môi trường: Trẻ bị bạo hành từ nhỏ, trẻ gặp biến cố lớn về tâm lý, gia đình không hòa thuận,...

Để phòng ngừa và điều trị, gia đình vẫn là yếu tố quan trọng nhất, trẻ cần được yêu thương, quan tâm, chia sẻ. Ngoài ra, để điều trị tốt bệnh rối loạn cảm xúc và hành vi cũng cần sự kết hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội. Trẻ cần được dạy dỗ đúng cách để phát triển tâm sinh lý bình thường, khỏe mạnh.

Để một đứa trẻ từ lúc sinh ra cho đến khi trưởng thành không bị bệnh lý liên quan đến rối loạn cảm xúc, điều quan trọng đầu tiên là tình yêu của gia đình. Sự quan tâm chia sẻ và dạy dỗ đúng cách của cha mẹ giúp ngăn chứng rối loạn cảm xúc và hành vi. Hiểu về tình trạng trẻ rối loạn cảm xúc và hành vi sẽ giúp cha mẹ chủ động biện pháp phòng ngừa cũng như hỗ trợ trẻ khi có dấu hiệu bệnh. 

Hạn chế chửi mắng, to tiếng, ép buộc trẻ làm những điều chúng không thích. Rất nhiều bậc phụ huynh chọn hành động thô bạo như chửi mắng, bắt úp mặt vào tường, quỳ gối, thậm chí không cho ăn để phạt. Điều này vô cùng sai lầm và phản tác dụng. Để thúc giục và tạo niềm tin cho con học tập, cả cha mẹ phải kiên trì dạy dỗ khuyên nhủ con đi đúng hướng.

Ngoài các phương pháp y tế, bệnh nhân cũng có thể quản lý chứng rối loạn cảm xúc thông qua lối sống khoa học, lành mạnh. Bên cạnh đó, tổ chức lại lối sống còn giúp cải thiện sức khỏe và giảm thiểu thiệt hại thể chất do trầm cảm, hưng cảm gây ra.

  • Cân đối thời gian làm việc – nghỉ ngơi. Cố gắng chia đều khối lượng công việc cho các ngày để đảm bảo ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng và lo âu quá mức.
  • Ăn uống điều độ, tăng cường bổ sung rau xanh và trái cây. Các nghiên cứu cho thấy, vitamin, khoáng chất và vị ngọt tự nhiên trong các loại hoa quả có thể cải thiện tâm trạng đáng kể.
  • Có thể thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng như nghe nhạc, liệu pháp mùi hương, tắm nước ấm, chạy bộ, tập yoga,… để cải thiện các bất thường về cảm xúc.
  • Chủ động thông báo với người thân và bạn bè về tình trạng sức khỏe để quá trình điều trị diễn ra thuận lợi.