ĐỜI SỐNG

Chạy đua làm nhà cuối năm

Bài và ảnh: Hà Thành • 05-01-2023 • Lượt xem: 691
Chạy đua làm nhà cuối năm

Cuối năm, cũng là thời điểm các công trình đang thi công “chạy đua” về đích. Đích chính là cái Tết đang chờ đón. Tâm lý ai cũng vậy, muốn đón Tết trong ngôi nhà mới; và nhiều người cũng quan niệm không làm nhà 2 năm (tất nhiên chỉ với công trình nhà ở nhỏ). Theo tiến trình thi công, khoảng thời gian này là giai đoạn hoàn thiện, làm nội thất… và có rất nhiều hạng mục liên quan cần sự đầu tư tài chính, công sức, và thời gian.

Hoa mắt chọn đồ

Nếu như thi công phần thô thật đơn giản với việc chọn vật liệu thì phần hoàn thiện lại vô cùng phức tạp. Với phần thô, chỉ cần xác định, lựa chọn một số chủng loại vật tư vật liệu như thép, xi-măng, gạch xây…; (những vật liệu này giá cả đồng đều ở những nhà cung cấp) - là cứ thế mà tiến hành cho đến hết hạng mục. Còn với phần hoàn thiện thì bản thân trong công trình đã có quá nhiều loại thiết bị, vật liệu. Mỗi loại này lại có rất nhiều chủng loại của các hãng, nhiều loại giá, do rất nhiều cửa hàng, đại lý cung cấp. Chính vì thế trong giai đoạn này, chủ nhà thường… hoa mắt, rất vất vả và mất thời gian cho việc chọn lựa đồ cho ngôi nhà của mình.

Mặc dù có thể trong bản vẽ thiết kế kỹ thuật thi công, kiến trúc sư có chỉ định rất cụ thể và chi tiết về các loại vật liệu, thiết bị hoàn thiện, song quyền lựa chọn, quyết định lại là của chủ nhà. Nhưng chủ nhà thì lại có cái nhìn khác, ý thích khác; ngay cả khi đã thống nhất với kiến trúc sư trong giai đoạn thiết kế. Khi ra các showroom, cửa hàng bán thiết bị, vật liệu hoàn thiện và đồ nội thất; trong vai người mua hàng, các “ông chủ” hoa mắt lên với quá nhiều thứ bắt mắt, và những ý định có thể thay đổi bất cứ lúc nào. Ngay trong gia đình, thì cũng thường xảy ra chuyện “chín người mười ý”. Tất cả những việc này làm ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ và chất lượng thi công. Bên cạnh đó còn những phát sinh vấn đề khác. Ví dụ như các loại thiết bị, vật liệu hoàn thiện, kiến trúc sư lựa chọn trên cơ sở tương quan tổng thể, với nhiều yếu tố: công năng, thẩm mỹ, kỹ thuật và cả giá cả, liên quan đến các vấn đề khác của kiến trúc và hệ thống kỹ thuật; nhưng khi chủ nhà tự lựa chọn, có thể đáp ứng được yêu cầu công năng, nhưng kỹ thuật lại bị “vênh” so với thiết kế và các phần khác đã thi công. Hậu quả là phải chỉnh sửa hiện trạng thi công cho phù hợp, hoặc đổi hàng.

Một vấn đề khác cũng thường xảy ra là chủ nhà không nắm rõ quy trình thi công, và cũng không chủ động kiểm soát được quy trình nếu… tự giám sát, quản lý; nên thường bị động. Thợ thi công chỉ khi cần mới nói, mới thông báo. Chuyện hôm nay thông báo cho chủ nhà là mai mốt ốp lát vệ sinh, chuẩn bị gạch nhé; làm chủ nhà đôn đáo đi chọn mẫu cũng rất hay xảy ra. Việc thiếu thời gian và bị động như vậy không thể đưa tới kết quả tốt được.

Nhiều người bị rối trong các công đoạn thi công cuối năm, nhất là vấn đề lựa chọn nội thất

Dẫm chân lên nhau

“Dẫm chân lên nhau” là cách nói ẩn dụ chỉ công việc chồng chéo, không khoa học, việc nọ gây khó khăn và ảnh hưởng tới việc kia. “Nhưng dẫm chân lên nhau” cũng là một sự thật theo đúng nghĩa đen ở công trường xây dựng trong cuộc chạy đua nước rút cuối năm. Bởi khi đó, rất nhiều hạng mục thi công hoàn thiện cùng triển khai, rất nhiều đội thợ cùng làm; và có khi trên một diện tích, một mặt bằng rất nhỏ có rất nhiều người cùng làm việc, thao tác, không tránh khỏi việc “dẫm chân lên nhau”.

Nguyên nhân chính của việc này là tiến độ gấp rút, thời gian không còn nhiều và các đội thi công đều muốn xong công việc của mình sớm, cũng để dễ… lấy tiền ăn Tết. Tất nhiên chủ nhà càng muốn nhanh. Nhưng không có nghĩa là tất cả ào ào cùng làm là tốt, là sẽ nhanh. Có những hạng mục có thể làm song song với nhau, nhưng cũng có hạng mục phải làm tuần tự, nếu không sẽ ảnh hưởng đến nhau, thậm chí có thể ở mức độ nghiêm trọng và có khi phải sửa, làm lại rất mất thời gian. Ví dụ như khi sơn sắt thì không được làm những công việc như ráp bả tường, lắp đặt cửa gỗ vì khi đó bụi (của bột bả tường, mùn gỗ) sẽ bám vào bề mặt sơn sắt (không thể khô ngay) làm ảnh hưởng tới thẩm mỹ và chất lượng bề mặt sơn. Hoặc việc lắp đặt các thiết bị điện như mặt hạt công tắc, ổ cắm cần làm sau sơn tường, nếu không sơn sẽ có thể dính lên các thiết bị này rất khó lau chùi… Sàn gỗ (nếu có) là hạng mục làm sau cùng để tránh tối đa những rủi ro có thể xảy ra.

Việc “dẫm chân lên nhau” cũng thường phát sinh cả những vấn đề xã hội ở công trường (ngoài chuyên môn xây dựng) do vấn đề tâm lý, nảy sinh bất đồng, cãi vã, đổ lỗi cho nhau và thậm chí cả gây khó khăn bất lợi cho nhau, không vì một mục đích chung. Và khi đó chủ nhà sẽ thiệt thòi hơn cả!

Để kịp về đích

Ai cũng muốn ăn Tết trong ngôi nhà mới, ai cũng muốn về đích đúng hẹn trong cuộc chạy đua cuối năm. Nhưng để đạt được điều ấy, cần phải nắm bắt, tổ chức công việc hợp lý, khoa học và có sự chuẩn bị chu đáo. Một số điều cần lưu ý sau đây sẽ giúp bạn - nếu trong vai chủ nhà, vai vận động viên chạy đua nước rút cuối năm kịp về đích đón Tết.

Xây nhà với tâm lý về đích dịp cuối năm để tránh làm nhà hai năm là nỗi niềm của nhiều gia chủ

- Luôn chủ động nắm bắt, trao đổi với những nhân sự liên quan tới công trình (kiến trúc sư, văn phòng tư vấn thiết kế, quản lý thi công, giám sát kỹ thuật công trường và các đội thợ thi công) để biết kế hoạch tiến độ công việc, chủ động trong điều phối công việc và hạng mục khác nhau.

- Chuẩn bị trước tất cả những gì có thể, mua sắm càng sớm càng tốt vì càng để đến Tết càng đắt. Với những thứ chưa thể lấy về ngay và cũng khó cất giữ cần chọn lựa sớm, ký hợp đồng đặt hàng sớm; khi thi công tới phần đó sẽ chuyển hàng về trực tiếp tại công trường. Cũng tránh để vật liệu, thiết bị lâu ở công trường mà chưa thi công lắp đặt, rất dễ mất mát, hỏng hóc.

- Nhất thiết cần tham khảo ý kiến của kiến trúc sư khi có những sự thay đổi liên quan đến thiết kế, và trong việc lựa chọn mua thiết bị, vật liệu hoàn thiện.

- Trước khi làm hạng mục mới, phải kiểm tra hạng mục đã hoàn thành có liên quan, tránh việc phải đục phá sửa chữa. Ví dụ trước khi ốp lát phòng vệ sinh, phải kiểm tra kỹ đảm bảo các đường ống cấp thoát không bị hở, rò rỉ, cũng như hệ thống điện đã thông mạch, sàn vệ sinh không bị thấm…

- Luôn có phương án dự phòng về kế hoạch nhân sự. Trong trường hợp vì lý do nào đó, đơn vị thi công này, hoặc nhà cung cấp dịch vụ này không đáp ứng được thì sẽ có sự thay thế kịp thời.

- Kiên quyết không cho làm cùng những hạng mục mà có ảnh hưởng tiêu cực lẫn nhau. Phải làm tuần tự và khoa học theo kế hoạch

- Quản lý công trường, vệ sinh công trường, an toàn lao động chặt chẽ. Cần bảo vệ, che chắn tất cả những hạng mục đã xong để tránh nứt vỡ, xây xát, hỏng hóc… (như che phủ sàn lát, dán bọc các thiết bị vệ sinh, thiết bị điện, ngắt nguồn điện ở các thiết bị đặc biệt, các thiết bị có công suất lớn như điều hoà, bình nước nóng…)

- Mọi vấn đề phát sinh ở công trường cần bình tĩnh và khéo léo giải quyết theo hướng có lợi nhất cho mục tiêu chung, xử lý về kỹ thuật đỡ khó khăn nhất, bất kể nguyên nhân thế nào hay tại ai.

Làm tốt được những vấn đề trên, chắc rằng bạn sẽ về đích được đúng hẹn; và sẽ đón một cái Tết đầy niềm vui trong ngôi nhà mới.