Người dân và du khách tham quan di sản Huế lần đầu tiên được chiêm ngưỡng những báu vật vô giá về rồng, phượng trên bảo vật triều Nguyễn tại triển lãm "Rồng - phượng trên bảo vật triều Nguyễn".
Đài thờ được làm từ vàng và pha lê (thời Minh Mạng 1839). Đây là vật dựng lễ phẩm trong nghi lễ cung đình
Triển lãm "Rồng - phượng trên bảo vật triều Nguyễn" trưng bày và giới thiệu hơn 80 hiện vật, là những vật dụng trong đời sống sinh hoạt, lễ nghi cung đình triều Nguyễn, được làm từ các chất liệu quý hiếm như vàng, bạc, đá quý, ngọc, đồi mồi…
Trong đó, các bảo vật này được chia thành 4 nhóm, gồm hiện vật biểu trưng quyền lực với các kim ấn, ngọc tỉ, bảo kiếm, kim sách; đồ thờ tự và nghi lễ như đài thờ, đỉnh trầm, chân đèn; văn phòng tứ bảo, gồm: nghiên mực, quản bút, hộp son; đồ sinh hoạt là bát, đĩa, đồ uống trà.
Dưới thời Nguyễn, các tác phẩm nghệ thuật gắn liền với hình tượng rồng được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau, như vàng, bạc, ngọc, ngà. Trong đó, nổi bật và quý hiếm chính là trên chất liệu vàng bạc, hình rồng được điêu khắc tinh xảo trên những chiếc ấn báu của hoàng gia và những chiếc bình phong, trấn phong vô giá. Hình rồng được tạc thành núm ấn với nhiều kiểu dáng như uốn khúc tư thế chầu, ngồi xổm, nằm sấp, nằm ngửa.