VĂN HÓA

Chu Văn An – Người Thầy mẫu mực và cao thượng

Quyên Hà • 20-11-2020 • Lượt xem: 2543
Chu Văn An – Người Thầy mẫu mực và cao thượng

Giáo dục không phải là đặc quyền, nó không thể chỉ dành cho vua chúa, cho con cháu quý tộc, nhà giàu. Nó phải là quyền lợi công bằng không chỉ cho con cháu giới trung lưu, mà còn cho giới bình dân hay bất cứ ai có quyền con người. Người làm giáo dục phải luôn giữ cho mình một cái tâm trong sạch, không bao giờ để chức quyền, lợi lộc vấy bẩn. Đó là những quan điểm trọng yếu mà một đời làm nghề giáo - thầy Chu Văn An theo đuổi.

>> Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn sư trọng đạo - nét đẹp văn hóa Việt luôn được gìn giữ

Đại Việt sử ký toàn thư có chép, thầy là người “cương nghị, thẳng thắn, sửa mình trong sạch, không cầu lợi lộc. Học vấn tinh thông, nổi tiếng gần xa, học trò đầy cửa, thường có kẻ đỗ đại khoa”.

Sinh thời, thầy được người đời trao cho 4 chữ vàng “Vạn thế sư biểu” tức “Người thầy chuẩn mực muôn đời” của nước Việt. Đó là bởi Thầy đã cống hiến cả đời cho nghề dạy học, không phân biệt học trò nghèo hay học trò là Vua. Những phương châm giáo dục của Thầy thì vượt trước thời đại phong kiến và cho đến nay vẫn là những phương châm giáo dục khoa học và hiện đại, đó là làm sao để bất cứ ai cũng hiểu rõ sự quan trọng của hành trình tự học hỏi và học hỏi miệt mài suốt đời.

Thầy Chu Văn An (1292-1370) sinh tại xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm nay là làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Giáo dục cho muôn dân

Sử sách chép rằng thời ấy, trường học rất hiếm, cả nước chỉ có vỏn vẹn 5 trường dành cho tầng lớp quý tộc. Thứ nhất là trường Quốc Tử Giám ở kinh đô, dành cho con vua, con quan, về sau dành cho cả người tài trong dân theo học. Trường thứ hai là Tư Thiện Đường và Toát Trai Đường ở Thiên Trường, Nam Định dành riêng cho con em tôn thất nhà Trần. Trường thứ tư là Yên Tử, Quảng Ninh và Hương Sơn, Hà Tây là trường của nhà chùa...

Không cam lòng trước cảnh con em thất học, thầy Chu Văn An mở trường Huỳnh Cung (tại Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội ngày nay) dành cho con em thuộc mọi tầng lớp xã hội theo học. Trong cuốn Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp – ba bậc thầy của giáo dục Việt Nam của Trần Lê Sáng có viết, trong trường có lớp, thư viện và học trò theo học có khi lên tới con số 3.000.

Vào năm 1314, khi hai học trò của Thầy đỗ Thái học sinh, học vị tương đương tiến sĩ thời bây giờ, trường Huỳnh Cung của thầy Chu Văn An đã trở nên nổi tiếng khắp cả nước.

Và cũng chính từ đây, trường Huỳnh Cung trở thành một trong những dấu mốc quan trọng nhất lịch sử giáo dục nước nhà khi các trường quốc lập, dân lập noi gương trường Huỳnh Cung bắt đầu được thành lập khắp nơi trên cả nước. Kể từ đấy, con em toàn dân đã có cơ hội tiếp cận nền giáo dục vốn chỉ dành cho số ít con em giới chức quyền. Nhờ thế, sự nghiệp giáo dục toàn dân đã bắt đầu mở rộng.

Trước vua vẫn ngẩng cao đầu làm thầy

Danh tiếng của trường Huỳnh Cung và thầy Chu Văn An truyền tới tận triều đình, khiến vua Trần Minh Tông đích thân mời thầy ra làm Tư nghiệp (hiệu trưởng) của trường Quốc Tử Giám tại kinh thành, có thể coi là người đứng đầu giáo dục nước nhà.

Năm đầu tiên làm hiệu trưởng, thầy Chu Văn An được giao trọng trách chính là trông coi việc học của thái tử Trần Vượng, người sẽ trở thành vị vua kế vị.

Thật không may, khi Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông lên ngôi năm 1329 thì chỉ trị vì được 2 năm đã qua đời. Công lao hơn 10 năm đào tạo khó nhọc và hi vọng củng cố nhà Trần của thầy trò coi như đổ sông, đổ bể.

Vị vua tiếp theo là Trần Dụ Tông lên nắm quyền chỉ biết ham mê tửu sắc, nóng nảy, nông cạn, khiến triều chính nước nhà rối ren. Trong triều, gian thần thì hoành hành, bên ngoài thì giặc giã dấy lên cướp bóc.

Phẫn nộ trước thời thế, Chu Văn An đã dâng Thất trảm sớ với nội dung chính đề nghị chém đầu 7 kẻ nịnh thần nhưng đều là những kẻ quyền thế được vua sủng ái.

Tuy nhiên, tấu sớ này của Thầy bị bác bỏ, vì theo quy chế thời bấy giờ, chỉ quan Ngự sử mới được quyền can gián vua. Sau sự kiện đó, Thầy Chu Văn An treo ấn từ quan về quê.

Tuy nhiên, sau khi treo ấn về quê, Thầy vẫn dõi theo chính sự. Mặc dù từ chối lời mời quay lại triều đình nhiều lần, khi vua Trần Nghệ Tông dẹp loạn Dương Nhật Lễ, lấy lại ngôi vua, thầy Chu Văn An tuổi cao sức yếu vẫn về triều chúc mừng.

Công tư phân minh, luôn ngẩng cao đầu, đó là những tính cách bất khuất của Thầy khiến nhân dân và sĩ phu đương thời quý trọng.

Nền tảng của tư tưởng giáo dục Chu Văn An

Một đời dạy học và viết sách, những gì thầy Chu Văn An để lại cho giáo dục nước nhà chính là giá trị nhân văn và lễ nghĩa của Nho giáo. Thầy nhấn mạnh những học trò được hưởng giáo dục của mình phải nhất nhất đi theo con đường chân chính, thanh liêm, không để thâm tâm vấy bẩn bởi danh vọng, tiền tài.

Theo Phó Giáo sư –  Tiến sĩ Hà Minh Hồng, dù là thời phong kiến hay hiện đại, quan điểm giáo dục Chu Văn An vẫn luôn là quan điểm đáng theo đuổi bởi bất cứ nhà giáo dục nào:

  • Cùng lý: tranh luận đến khi hiểu tới tận tường ngõ ngách của sự vật, hiện tượng.
  • Chính tâm: giữ cho bản thân một tâm hồn trong sáng, không dễ bị vẩn đục bởi bất cứ thế lực nào. Luôn làm việc thiện, cứu vớt dân lành, sống đúng lương tâm.
  • Tịch tà: ngẩng cao đầu chống lại những điều vô lý, bất bình, những việc trái luân thường đạo lý.
  • Cự bí: một đời đấu tranh vì lẽ phải, đương đầu với những thế lực đen tối, vì lẽ phải khó khăn nào cũng có thể vượt qua.

Những giá trị quý giá thầy đề ra sẽ mãi vang vọng trong giáo dục nước nhà, bởi vì bất kì người tài nào, ngoài trí cũng cần có đức. Và nếu người tài đức không giữ được cho mình tâm hồn trong sáng, một lòng vì đạo lý, vì nước nhà, thì có lẽ bao nhiêu cái tài cũng sẽ là lãng phí.

Chu Văn An một đời mẫu mực đã trở thành người thầy được bao thế hệ học trò kính mến. Vì lòng kính mến đó, vua đã tặng cho thầy cái tên Văn Trinh. Theo lời bình về ý nghĩa của tên này, Ngô Thế Vinh (thế kỷ XIX) từng lý giải, Văn Trinh nghĩa là bên ngoài thuân nhã, hiền hòa, bên trong chính trực, kiên định.

Cái tên Chu Văn An và cuộc đời của một người thầy không bao giờ khuất phục chính là tấm gương sáng nhất cho học trò muôn đời noi theo. Bởi nghề làm thầy không như bất kỳ nghề kiếm sống nào khác, những giá trị người thầy truyền cho lớp trẻ chính là nền tảng cho giá trị đạo đức của cả một xã hội.

Ngẩng cao đầu trước mọi thế lực để giữ tâm mình trong sáng, trên tất cả, chính là đạo đức cao cả nhất mà một người làm Thầy cần giữ được, cũng là điều đầu tiên mà mọi thế hệ học trò phải học hỏi để mãi nhớ ơn người thầy vĩ đại Chu Văn An.